Chúng tôi cùng lên chiếc ghe đánh ốc rời bến tàu hòn Nghệ tiến ra hòn Nhum Bà (ấp Hòn Ngang, xã Sơn Hải, Kiên Lương). Ghe đánh ốc là loại ghe nhỏ, rộng khoảng 2 mét và dài chừng 5 mét, phía trước chứa những vỏ ốc vôi xâu dài trên mành lưới dùng để thả xuống biển dụ mực tuộc chun vô. Càng ra xa càng thấy ghe quá nhỏ so với những con sóng cấp 3, cấp 4 bạc đầu đánh tạt vào mũi, nhiều lúc như muốn nhấn chìm.
Trên sóng nước xanh dờn, chốc chốc lại bắt gặp một bầy cá gỏi nhỏ như cọng tăm bay lướt trên mặt biển. Cách nhau chỉ 9 cây số mà phải mất đến hơn hai tiếng đồng hồ ghe mới cặp vào bãi Nam của hòn Nhum Bà.
Thiếu tá Lê Đồng Khởi, Trưởng trạm biên phòng 734 (đồn Hòn Nghệ, xã Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương, Kiên Giang) là một người gắn bó với quần đảo Bà Lụa (thuộc hai xã Sơn Hải và Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) đã 16 năm nay, nên ông thông thuộc tất cả mọi chuyện vùng đảo trong vịnh Hà Tiên này.
.
Ông kể sự tích hòn Nhum Bà: Hồi xưa có một đám rước dâu trên vùng biển này bị sóng đánh chìm chết hết. Thi thể cha mẹ chú rể tấp vô hai hòn Nhum nên có tên Hòn Nhum Ông và Hòn Nhum Bà. Còn thi thể chú rể và chú rể phụ mỗi người tấp vô một hòn, có tên hòn Rể Lớn, hòn Rể Nhỏ (rể phụ).
Trong số 4 đảo Nhum Ông, Nhum Bà, Nhum Trầu và Nhum Giếng, hòn Nhum Bà có dân cư "đông đúc" nhất với... bảy gia đình. Hòn Nhum Ông có duy nhất một nhà, hòn Nhum Giếng có bốn gia đình; riêng hòn Nhum Trầu không ai ở.
Gọi tên các đảo này là hòn Nhum vì xưa kia trên các hòn này có rất nhiều cây nhum. Trịnh Hoài Đức viết trong Gia Định thành thông chí: “Cây thiết tung tục gọi là cây nhum (ngoài Bắc gọi mỳ), giống như cây dừa mà có nhiều gai, thớ gỗ màu đen mà cứng bền, dùng làm cột nhà, sàn nhà, xẻ ra làm tấm khắc liễn đối rất tốt, lại dùng làm đồn lũy vì có gai nhọn và cứng”. Thiếu tá Khởi cho biết thêm, hồi trước cây nhum được dân địa phương dùng đóng ghe tàu, tốt và bền hơn đóng đinh bây giờ.
Lên hòn Nhum Bà, chúng tôi gặp ông Trần Công Hưởng (Tư Hưởng), 53 tuổi, mà thiếu tá Khởi giới thiệu vui là “ông chúa hòn”. Chúng tôi ngồi quây quanh trên nền gạch bông hàng ba căn nhà sàn lộng gió biển. Nhà Tư Hưởng và sáu nhà bà con ông, nhà nào cũng đều có máy phát điện và giếng nước. Một phụ nữ đem trà lên, thiếu tá Khởi giới thiệu: “Chị Tư, tên thật Trần Thị Kim, quê ở Châu Đốc, An Giang ra đây dạy học cấp 1 khi đảo còn đông dân rồi “dính” với Tư Hưởng. Bây giờ chị Tư cũng còn dạy tới hết lớp 5 cho đám cháu 7 nhà dòng họ. Lên cấp 2 tụi nó vô Bình An học”.
“Chúa hòn” cho biết ông sống trên đảo này đã hơn 40 năm, từ lúc mới lên chín, mười tuổi theo cha mẹ từ Châu Đốc (An Giang) ra khai cư. Về sau có khoảng 40, 50 gia đình đến cư ngụ, sống với nghề đánh cá. Khoảng 20 năm trước, người ta nhớ đất liển với cuộc sống tiện nghi và mong muốn con cái được học hành đàng hoàng, có điều kiện thuận lợi lập gia đình… nên họ lần lượt trở vô đất liền sinh sống, chỉ còn lại 7 gia đình anh em ông bám đảo với 50 nhân khẩu. Sáu gia đình sống ở bãi Nam, một gia đình duy nhứt cư trú tại bãi Chướng là hộ ông Trịnh Văn Oanh (Hai Oanh), 62 tuổi, anh rể ông Tư Hưởng.
Uống trà xong, chúng tôi đi bãi Chướng. Từ bãi Nam qua bãi Chướng là đoạn đường dốc núi dài khoảng hai cây số đi vòng vèo khi lên lúc xuống dốc với đất đá lục cục lòn hòn. Mùa này bãi Chướng đầy sóng. Sóng bỏ vòi trắng xác đập vào bờ đá san hô lỗ chỗ dài theo bãi. Bãi vắng hoe với một số ngư cụ nằm trơ vơ trên cầu đá chừng năm thước nhô ra biển. Đứng nơi đây thấy nhà máy xi măng Holcim, hòn Phụ Tử phía Bình An (Kiên Lương).
Vợ chồng Hai Oanh chạy máy đi Bình An từ sáng sớm, nên cô con gái 28 tuổi của ông tiếp chúng tôi. Cô học hết cấp 3 rồi nhưng không có điều kiện học tiếp đại học, đang tìm một việc làm nào đó trong đất liền. Cô nói, vẻ tiếc rẻ: “Hổng ai ở nhà chài cá én đãi mấy chú”. Rồi cô diễn tả, cá én như cá chốt, không gai, nặng hết mức nửa ký một con. Cá én chiên ngon mà nấu canh chua thì “hết ý”. Cá có quanh năm, nhưng mùa gió Nam, do biển nơi đây không bị sóng dập nên có nhiều cá én hơn. Ngoài ra còn có cá suốt, chong đèn dụ cá đến, thò vợt vớt oằn cán. Lại còn cá én sơn kỳ, cá nhớt… đều là đặc sản hòn Nhum Bà. Một bên nhà Hai Oanh dài theo bãi là thung lũng rộng 3 héc ta, nơi ông trồng một số loại cây ăn trái. Hai Oanh không nuôi cá lồng bè, chỉ đi cào để thêm thu nhập.
Cũng đi cào như vậy nhưng kèm thêm nuôi cá là sáu gia đình ở bãi Nam với 12 – 13 lồng. Trở lại uống trà, chúng tôi được Tư Hưởng cho biết trước kia ông nuôi cá mú và cá bớp. Nhưng cá mú nặng vốn, cá bớp ăn nhiều, không kham nổi, anh em nhà ông chuyển qua nuôi một vài loại cá nhẹ vốn tùy theo mùa cùng một ít cá chuộn.
Tư Hưởng đi cào từ 4 giờ khuya tới 7 giờ sáng. Các loại hải sản cào được, một số ông đem vô Bình An bán, số cá tạp đem về nuôi cá lồng. Mỗi ngày kiếm vài trăm ngàn đồng, trừ mọi chi phí. Nghe “ngon” vậy nhưng đâu phải ngày nào, mùa nào cũng vậy. “Mùa biển động thì te tua như tàu lá chuối; nhứt là khi bị tụi cào điện, cào bay, cào đôi cào trước thì coi như nhịn đói!”, Tư Hưởng cười chua chát. “Mấy ông “đánh ốc” bị nó “quét” qua là tiêu luôn dàn lưới, sạt nghiệp như chơi”, nói rồi ông cầm ly trà cụng với một người trong chúng tôi cứ như đang uống rượu.
Chị Tư dọn bếp gas với mực tuộc và ghẹ. Sáng nay, sau chuyến cào, Tư Hưởng chừa lại một mớ hải sản này vì chiều qua thiếu tá Khởi đã điện báo có khách. Ghẹ không mấy lớn nhưng mùa này con nào cũng có gạch vàng hươm, ai cũng khen ngon. Chuyện đãi đằng khách từ đất liền ra thăm luôn được dân đảo vui vẻ như là một vinh dự của gia chủ.
Cũng chẳng có gì, chỉ “cây nhà lá vườn”, như lời Tư Hưởng khiêm tốn. Mực tuộc tươi nhúng giấm ăn “te tua” đầu lưỡi, mới hao phân nửa thì chị Tư dọn tiếp canh chua. Tư Hưởng gắp thịt cá bỏ vào chén từng người, mời: “Ăn đi, cá chuộn”. Thấy họ ngơ ngác, ông cắt nghĩa: “Cá chuộn, giống như cá chẽm, nuôi lồng 16 tháng thì mỗi con nặng chứng 2 ký lô, mỗi ký bán được 200.000 đồng. Cá chuộn ngon hơn cá bớp vì thịt không tanh nên thơm”.
Cá chuộn nấu chua là một món ngon, dù trên đảo nhỏ thiếu thốn gia vị nên không thể nấu chua theo kiểu trong đất liền là có sả nghệ đâm nhỏ cùng các loại bạc hà, cà chua, giá... chỉ có mỗi đậu bắp và bắp cải với me hái trên núi thôi mà tô canh được anh em “hưởng ứng tận tình”.
Tư Hưởng mạnh rượu, cụng ly lia lịa. Rượu có màu sậm, hỏi, ông cho biết ngâm với cây thuốc. Trên ngọn núi cao 180 mét này có nhiều cây dược liệu như huyết rồng, thần thông, dây gấm, dây cóc… Lâu lâu có một đoàn săn tìm cây thuốc tới đây khai thác. “Nếu không quản lý, mơi mốt chắc không còn giống gì trị bịnh”, Tư Hưởng băn khoăn. Cuối cùng, dĩa chả cá mối chiên dọn lên, nhưng không ai đụng đũa vì ai nấy bụng căng tròn.
Chia tay, cả gia đình Tư Hưởng tiễn chúng tôi đến tận cuối cầu tàu, nơi có mấy chiếc ghe cào của anh em ông neo đậu. Hai con anh (anh có sáu con, 3 trai ba gái đều ở đảo) đang ngồi vá lưới cũng ngưng việc, tiễn chân, nhắc chừng chừng “nhớ ra chơi nhen mấy bác”, dù họ không cùng chúng tôi ngồi chung mâm. Mới thấy cái “hơi” đất liền quý làm sao với họ. Với phong cảnh đẹp, còn rất hoang sơ, vậy mà hòn Nhum vẫn cứ là một “ốc đảo” đối với nhiều khách du lịch! Ý nghĩ đó khiến chúng tôi chợt buồn khi rời hòn đảo giữa vùng vịnh Hà Tiên thơ mộng này - nơi được mệnh danh là “Tiểu Hạ Long phương Nam”.
Ghe nổ máy. Cứ tưởng buổi trưa biển êm. Nào dè ra khỏi vùng có các hòn che khuất, những con sóng dữ tợn hồi sáng lại đập vào be ghe. Lúc lúc một vài con cá heo trồi lên hụp xuống trước mặt, bên hông ghe khiến anh bạn say sóng cũng tỉnh người mê mắt nhìn. Thiếu tá Khởi hô lớn: “Nược đua, nược đua”. Vậy là mấy con cá heo nô nức rượt theo ghe một cách ngoạn mục.
Du lịch, GO! - Theo TBKTSG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét