Những cái tên Vương Chí Sình, Hoàng A Tưởng, Đèo Văn Long... "vua" bản mường một thời lừng lẫy dưới sự bảo hộ của thực dân Pháp. Sau Cách mạng Tháng 8/1945, những ông "vua" này không còn nhưng những dinh thự của họ vẫn còn đó.
.
Dinh thự nhà họ Vương
Ai đã từng đặt chân lên Đồng Văn (Hà Giang), nơi cực Bắc của Tổ quốc đều muốn ghé thăm dinh thự nhà họ Vương nằm dưới thung lũng Sà Phìn. Dinh thự được xây dựng từ thời Vương Chính Đức, một quan Bang tá do chính quyền bảo hộ dựng lên để cai quản vùng đất biên ải hiểm yếu bậc nhất Việt Nam.
Nằm trên con đường buôn bán thuốc phiện từ vùng Tây Nam Trung Quốc tới Miến Điện vào Việt Nam và các nước Đông Nam Á, Đồng Văn có độ cao trung bình trên một ngàn mét so với mặt nước biển, lại là vùng núi đá rất phù hợp với việc trồng cây thuốc phiện...
< Cửa vào tiền dinh.
Vương Chính Đức trở thành một mắt xích quan trọng trong đường dây buôn bán nha phiến, ông bỗng chốc trở nên giàu có và đầy quyền uy, tự phong là “vua” xứ Mèo Hà Giang.
Dinh thự nhà họ Vương được xây dựng cuối thế kỷ 19 do hơn 300 thợ dân tộc Hồi (Trung Quốc) xây dựng trên một gò đất hình mai rùa nằm giữa thung lũng Sà Phìn, do thầy địa lý Trung Quốc chọn. Nhà tựa vào lưng núi, mặt quay ra phía thung lũng xoải dài, phù hợp với thuyết phong thuỷ của người Tàu.
< Toàn cảnh nhà vua Mèo.
Kiến trúc của khu nhà mang đậm phong cách kiến trúc phong kiến Trung Hoa, bao gồm: Tiền đinh, trung đinh và hậu đinh. Nối ba lớp nhà hai tầng bằng gỗ, tường đất nện (kiến trúc của dân tộc Mông Dao, Pa Dí, Hà Nhì… vùng núi cao) là khoảng sân lát đá. Nơi ở của “vua” là ngôi nhà phía trong cùng tường xây bằng đá, phía sau có một đường hầm thoát hiểm. Các ngôi nhà đều lợp ngói âm dương, một số hoạ tiết trang trí là những bông hoa thuốc phiện, nhờ những bông hoa ấy mà Vương Chính Đức mới trở thành “vua Mèo” nơi vùng biên viễn. Xung quanh dinh thự là một lớp tường đá dày 0,8m có nhiều lỗ châu mai và chòi canh gác.
< Dinh thự nhà họ Vương trước khi trùng tu.
Về mặt quân sự, đây vừa là dinh thự nhưng cũng là pháo đài kiên cố khi có biến. Bởi khu dinh thự nằm dưới thung lũng mà xung quanh là núi đá, nếu những kẻ bên ngoài muốn tấn công, trước tiên phải vượt qua dãy núi đá tai mèo hiểm trở, từ dưới thung lũng lại dễ dàng quan sát được, nên mọi động tĩnh từ phía bên ngoài đều có thể phát hiện ra ngay. Do đó, mọi biến động bên ngoài, quân lính của nhà họ Vương kịp thời nắm bắt để báo cho ông chủ ứng phó.
< Mặt tiền dinh giữa.
Khi Vương Chính Đức mất trao lại quyền cho người con thứ tên là Vương Chí Sình. Cách mạng Tháng 8/1945 bùng nổ, quân của Vương Chí Sình đã phối hợp với quân của Mặt trận Việt Minh đánh đuổi quân Pháp chạy khỏi Hà Giang. Sau ngày Cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời Vương Chí Sình tham gia Quốc hội khoá I và kết nghĩa làm anh em, đổi tên cho ông là Vương Chí Thành, tặng ông thanh bảo kiếm, ngoài vỏ khắc 8 chữ: "Tận trung báo quốc/ Bất thụ nô lệ".
Dinh thự Hoàng A Tưởng
Dinh thự Hoàng A Tưởng nằm ở thị trấn Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, trên đường lên Si Ma Cai. Hoàng A Tưởng là người Tày nhưng cai trị ở địa phương có trên 80% dân số là dân tộc Mông, nên được mệnh danh là “vua Mèo”. Hoàng A Tưởng là con Hoàng Yến Chao - Thổ ty vùng cao nguyên Bắc Hà. Trước ngày Lào Cai được giải phóng (11/1950), Bắc Hà không chỉ là con đường tơ lụa nối với Vân Nam qua vùng Trung Á, mà Bắc Hà còn là nơi trung chuyển thuốc phiện từ Trung Á qua Đông Dương xuống khu vực Nam Á và ngược lại. Cao nguyên Bắc Hà trước đây nổi tiếng là vùng cây thuốc phiện, thuế bổ xuống đầu dân bằng thuốc phiện. Sử sách còn ghi, mỗi năm Bắc Hà thu thuế từ 1,8-2,25 tấn thuốc phiện, riêng Hoàng A Tưởng mỗi năm thu không của dân 500 kg thuốc phiện, ép dân bán rẻ 500 kg, đứng đầu đường dây buôn bán thuốc phiện và hàng hoá xuyên Á qua ngả Bắc Hà.
Dinh thự Hoàng A Tưởng quay hướng đông nam, lưng tựa vào núi Cô Tiên, đúng theo thuyết phong thuỷ của người Tàu “Tựa sơn đạp thuỷ”, thế rất vững chãi. Kiến trúc của khu dinh thự kết hợp giữa lối kiến trúc cổ của Pháp thế kỷ 17-18 với kiến trúc nhà sàn của người Tày, rất hài hoà nổi lên giữa vùng núi non hùng vĩ. Cửa nhà vòm cuốn, đắp nổi nhiều hoạ tiết dây lá nho, tường gạch nung, móng đá, mái lợp ngói âm dương. Cầu thang đi phía sau nhà, dưới cầu thang là bể hứng nước mưa, trong các phòng đều có lò sưởi.
Chính giữa là ngôi nhà lớn hai tầng, sàn gỗ, gian chính diện là phòng làm việc, tiếp khách, kế bên là nơi ở của vợ chồng, con cái Hoàng A Tưởng, hai dãy nhà ngang tả-hữu cũng là nhà hai tầng nhưng thấp hơn, đó là nơi ở của các gia nô, binh lính và người giúp việc. Hai ngôi nhà ngang được nối với ngôi nhà chính bằng một hành lang hẹp, các cửa đều quay ra cái sân rộng, nơi Hoàng A Tưởng thường tổ chức múa xoè khi tiếp các quan Pháp, hoặc những nhà buôn và khi lễ Tết.
Xung quanh dinh thự là tường đá bao quanh có lỗ châu mai, mặt tiền là cầu thang hình vòng cung đi lên từ hai phía, trước khi bước vào dinh thự, khách phải dừng chân ở phòng chờ có lính canh gác trước một cánh cửa gỗ nặng trịch dày gần một gang tay.
Trên tường mặt tiền đắt nổi những khẩu pháo, nhằm phô trương sức mạnh và thị uy những ai khi bước chân vào dinh thự. Dinh thự của Hoàng A Tưởng xây dựng trong vòng 8 năm trời (1914-1921), vật liệu bao gồm: Đá, vôi, cát, mật mía khai thác tại địa phương còn xi măng, sắt thép thì được chở bằng máy bay và ngựa thồ từ Hà Nội và Lào Cai lên.
Sau chiến tranh biên giới tháng 2/1979, tôi đã nhiều lần ngủ trong khu dinh thự này, những cây hoa mộc sau nhà thơm thoảng, nhiều đêm thức giấc nhìn ra ngoài trời sương đêm bảng lảng, tôi có cảm giác những oan hồn mà cha con Hoàng A Tưởng giết hại vẫn lẩn khuất đâu đây.
Dinh thự Đèo Văn Long
Dinh thự Đèo Văn Long nằm ở ngã tư nơi gặp nhau của con sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay. Trước kia thuộc phường Lê Lợi, thị xã Lai Châu (cũ) sau khi tách Lai Châu thành hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên, dinh thự Đèo Văn Long thuộc xã Lê Lợi, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.
Theo các tài liệu, Đèo Văn Long là con của Đèo Văn Trị, cai quản mười hai xứ Thái (Sipsong Chuthai). Cuối thế kỷ 19, Đèo Văn Trị hưởng ứng Hịch Cần Vương, lãnh đạo sắc tộc Thái và một số dân tộc khác vùng Lai Châu nổi dậy chống Pháp. Sau bị dụ dỗ, Đèo Văn Trị đầu hàng Pháp, mở đường cho chúng tiến vào Mường Thanh, được Pháp khôi phục quyền cai trị vùng đất Sipsong Chuthai bên bờ sông Đà, cho phép cha truyền con nối.
Được sự hỗ trợ của Pháp, Đèo Văn Long lên nắm quyền cai trị thay cha, ra sức vơ vét của cải, buôn bán thuốc phiện, lâm thổ sản, hàng hoá, tổ chức những đoàn thuyền lớn lấy sông Đà làm tuyến giao thông chính giao thương với vùng đồng bằng sông Hồng, trở thành người giàu có nhất vùng.
Dinh thự Đèo Văn Long được xây dựng tại nơi 3 con sông gặp nhau, một vị trí hiểm yếu, sau lưng là núi cao trước mặt là sông rộng, ở vị trí yết hầu đó có thể khống chế được con đường lên Phong Thổ, Sa Pa, Mường Tè và xuôi về Hoà Bình cũng như qua ngả Điện Biên sang Lào. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Đèo Văn Long mang vợ con chạy sang Pháp. Dinh thự của Đèo Văn Long không có người ở, lâu ngày đã bị đổ nát, trở thành phế tích.
< Một phần dinh thự Đèo Văn Long ngày nay được làm trường học.
Những gì còn sót lại cho thấy kiến trúc của khu nhà là kết hợp giữa kiến trúc nhà sàn của người Thái với kiến trúc của người Pháp. Khu nhà chính được xây hai tầng bằng gạch đỏ, sàn gỗ, xung quanh ngôi nhà chính là những khu nhà nhỏ dành cho người ở và binh lính, xung quanh là tường bao xây bằng gạch và đá dày trên 40cm, có nhiều lỗ châu mai, cao trên 3m. Trước khu nhà có sân rộng để múa xoè khi tổ chức tiệc tùng. Mái lợp ngói tách ra từ những phiến đá, người dân gọi là đá giấy, lúc mới tách đá mềm có thể dùng dao cắt được, nhưng khi gặp nắng đá trở nên cứng như sành.
Trước đây, tỉnh Lai Châu có dự kiến trùng tu dinh thự Đèo Văn Long, nhưng khi triển khai công trình thuỷ điện Sơn La, thì toàn bộ khu dinh thự Đèo Văn Long sẽ bị ngập dưới lòng hồ. Sau tháng 10/2010, khi nước hồ Sơn La dâng thì toàn bộ khu dinh thự của ông “vua Thái” đều nằm dưới thủy cung.
Du lịch, GO! - Theo Nông Nghiệp VN, internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét