Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2011

Về đất Mũi

Chiếc ca nô khởi hành từ bến tàu ở Năm Căn lướt nhanh vào vùng nước mênh mông, chẳng mấy chốc, ngoái lại nơi xuất phát chỉ còn thấy một đường kẻ nhạt.

Điểm đến của chúng tôi là Mũi Cà Mau. Trên thuyền ai nấy đều như vừa trải qua một trò chơi cảm giác mạnh. Người lái ca nô cho biết, từ Năm Căn xuống Mũi Cà Mau với quãng đường 60 km sẽ đi mất đúng 55 phút.

Thật thích thú khi vừa được hít thở không khí trong lành, vừa được nhìn ngắm quang cảnh hai bên bờ sông. Màu xanh nối tiếp, nhà cửa san sát, cũng hàng quán hai bên "đường" không khác gì trên đất liền: cửa hàng điện thoại di động, shop thời trang, tiệm cắt tóc, quán phở, quán nhậu, vựa cá, cửa hàng xăng dầu, trại thu mua tôm... Những ngã ba, ngã tư, những góc cua trái, quẹo phải... cảm giác thót tim.
.
Không thể diễn tả hết cảm giác bồi hồi khi được đặt chân đến điểm cực Nam của đất nước. Mũi Cà Mau thuộc địa phận xóm Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, cách thành phố Cà Mau khoảng 120km. Có ba điểm tham quan tại đây. Hướng dẫn viên du lịch sẽ giới thiệu với bạn lần lượt, bắt đầu từ đài quan sát cao 21m. Đứng trên đài, khách có thể thấy "mũi nhọn" trên bản đồ hình chữ S nằm ở phía Đông, đó cũng là bên lở. Hàng kè chắn sóng chạy dài và đến chóp mũi có đặt những ống bê tông vừa để đánh dấu và cũng vừa để bảo vệ cái "mũi nhọn" đó. Xa xa, một nhà hàng thủy tạ màu xanh, thỉnh thoảng vài chiếc vỏ lãi hay ca nô từ ngoài khơi chạy vào trong lạch, để lại một đường sóng cong vòng thật đẹp trên mặt nước.

< Cửa biển.

Bờ phía Tây là rừng mắm, đước... xanh rì trải dài ngút mắt tiếp giáp với mây trời. "Mắm đi trước, đước theo sau". Cây mắm mọc lên trên đất bồi, rễ cây đâm tua tủa để giữ đất, sau đó là đước và những cây rừng ngập mặn khác như sú, vẹt.. đua nhau mọc lên khiến bãi bồi ngày càng chắc chắn. Nơi đây, mỗi năm biển bồi hàng trăm mét. Trái cây đước khi già rơi cắm xuống đất và cứ thế sinh sôi nảy nở, hình thành nên khu rừng ngập mặn lớn nhất của Việt Nam, là khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Đứng trên đài quan sát có thể thấy xóm Mũi với những mái nhà lúp xúp nằm giữa vùng rừng cây xanh mát, là vùng đất có cư dân sinh sống cuối cùng phía Nam của đất nước. Tạo hóa đã hào phóng ban cho Mũi Cà Mau một điều kỳ diệu và độc đáo mà không nơi nào có được, đó là: "Ðất nở ra, rừng biết đi và biển sinh sôi".

< Điểm mốc tọa độ quốc gia ở khu du lịch Mũi Cà Mau, ấp Mũi, xã Đất Mũi.

Chúng tôi rời đài quan sát để đi đến Mũi Cà Mau. Cảm giác hồi hộp và sung sướng khi được chụp hình bên tượng đài có hình dáng chiếc thuyền với dòng chữ Mũi Cà Mau 803730" vĩ độ Bắc, 104043 kinh Đông hay chụp hình tại doi đất nhỏ xíu cuối cùng vươn ra biển.

Nơi tham quan cuối cùng là mốc tọa độ quốc gia, điểm tọa độ GPS 0001 màu vàng nổi rõ trên nền hoa sen sáu cánh màu đỏ. Tại đây có một sân bay trực thăng nhỏ, những chiếc cầu khỉ thơ mộng cho du khách tha hồ chụp hình.

Nhà hàng tại khu du lịch Mũi Cà Mau không thiếu các đặc sản biển hay của vùng nước lợ như tôm, sò, cua, ghẹ, ốc, cá... Và tất nhiên, trên đường về lại thành phố Cà Mau, nếu đi từ Năm Căn, du khách sẽ không quên ghé lại các quán lá hai bên đường để mua ít bồn bồn tươi hay đã muối dưa là đặc sản của Cà Mau.

Trong tương lai, khi tuyến đường bộ từ thành phố Cà Mau đến đất Mũi hoàn thành, khách du lịch sẽ đến với đất Mũi dễ dàng hơn, nhưng rõ ràng khó có thể sánh được với kiểu đi du lịch bằng ca nô, được  nhìn ngắm cảnh quan đặc trưng của vùng sông nước.

Du lịch, GO! - Theo Phunu online, internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét