Thứ Tư, 20 tháng 7, 2011

Qua đêm trong hang Én – Phong Nha Kẻ Bàng

Trước khi tìm tới hang Én, chúng tôi đã lên mạng nhằm tìm thông tin nơi này. Nhưng chúng tôi chỉ tìm được một vài tin vắn trên tạp chí National Geographic đánh giá đây là một trong những hang động kỳ vĩ của thế giới. Lý do trên đã thôi thúc chúng tôi cố gắng đến hang Én nhằm hưởng cảm giác của kẻ chinh phục.

“Vượt thác, băng rừng” đến hang Én 

Buổi sáng, sau khi lễ đền Tám Cô trên đường HCM nhánh tây theo truyền thống tâm linh của người bản địa, chúng tôi đi tiếp đến km 35 và bắt đầu lần theo lối mòn đi vào cánh rừng nguyên   sinh dài ngút mắt.
Hành trình dài 9km chia ra hai chặng rạch ròi: chặng thứ nhất hầu hết là dốc cao, dưới tán cây rừng mọc trên núi đá vôi; chặng hai chủ yếu men theo con suối chảy quanh co bên những cánh rừng thưa hoặc thảm cỏ dại, cây bụi ẩm ướt.
.
< Bên ngôi nhà tranh của người Vân Kiều Bản Đoòng.

Thực ra, cửa rừng đồng thời là đỉnh núi Ba Giàn (Giàn có nghĩa con dốc theo tiếng địa phương) chỉ cách lề đường HCM khoảng 20 m nằm trên độ cao 553 m so với mặt biển.

Do vậy, chặng đầu chúng tôi luôn đi xuống dốc, để rồi lối mòn tiếp tục đưa mọi người men theo nhiều con suối nhỏ trước khi đặt chân tới Bản Đoòng, một ngôi làng của người Vân Kiều giữa bốn bề núi non heo hút như cô lập với thế giới bên ngoài.

< Hành trình đến hang Én hầu hết là lội suối và len lỏi trong rừng già.

Đó là 6 hộ dân từ huyện Quảng Ninh chạy nạn lũ lụt về đây - vùng lõi vườn quốc gia từ 1993. Họ an phận sinh sống chủ yếu bằng nghề khai thác mật ong và làm nương rẫy.

Thế nhưng, tai ương vẫn chưa buông tha, bởi trận lũ lịch sử tháng 10-2010 đã quét sạch toàn bộ nhà cửa cùng 11 con bò là tài sản mà họ tích cóp cả đời người. Riêng dân bản, gồm 27 người, tất cả  phải leo cây mít đầu làng đeo bám suốt 2 ngày mới thoát chết.

< Sau 7 giờ đồng hồ băng rừng vượt suối, mọi người mới tiếp cận cửa hang Én.

Bản Đoòng cũng là khởi điểm của chặng đường toàn thảm cỏ dại đan xen rau tàu bay, chuối rừng, môn dại và cây Nàng Hai - hay còn gọi là lá Han, một loại cây độc mà bất cứ ai vô tình đụng vào nó, lớp lông trên mặt lá sẽ gây ngứa suốt hàng tuần mới khỏi.

Lối mòn càng lúc càng khó đi bởi cây dại phát tán, che khuất, chúng tôi quyết định “hành quân” dưới suối Rào Thương cho thông thoáng. Rào Thương hay còn có tên suối Đoòng, bắt nguồn từ đỉnh núi U Bò và một số khe suối nhỏ trên dãy Trường Sơn.

Và trên đường đi, nó chảy qua nhiều rặng núi đá vôi giữa đại ngàn rồi chui sâu trong hang Én, hang Sơn Đoòng những hang kỳ vỹ nhất thế giới trước khi hòa mình vào sông Chày, chấm dứt vai trò lịch sử của nó.

< Tác giả đứng bên phải.

Một trong những cảm giác khoan khoái nhất là lội suối vì sự mát lạnh của dòng nước dường như xua đi cái nắng oi bức của gió Lào, thêm nữa nó khiến tinh thần chúng tôi thêm phấn chấn và tạm quên đi sự nhức nhối ở đôi chân do leo trèo ban sáng.

Thỉnh thoảng lại phát hiện những dấu chân thú trên bờ cát cùng vô số đàn bướm đủ sắc màu bay rập rờn ven bờ gợi nhớ cái câu “nước khe cạn bướm bay trên lèn đá” trong ca khúc Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây. Từ đây đến hang Én còn 3,5 km theo lời anh kiểm lâm dẫn đường.

Gần chiều, lội qua hết góc khuất vì đám chuối rừng, bất ngờ thấy cửa hang Én đã trước mặt, một cảm xúc lạ lùng liên tiếp dâng trào. Cửa hang nhìn ra hướng đông nam có bề rộng gần 100m. Sau lớp cửa dưới ánh đèn rọi đeo trên đầu của chúng tôi, là bãi đá sõi rộng mênh mông.

Ngắm én và thưởng thức cá lạ

< Dòng suối Rào Thương, chảy vào  khoang thứ 1 – hang Én dưới ánh sáng của giếng trời.

Lòng hang bỗng mở ra ba động nước khổng lồ được chia cắt bằng những đồi dốc đầy cát mịn và đá tảng xếp chồng chất lên nhau chiếm hết phân nửa chiều cao của hang.

Ở trên ấy còn hiện diện một cây to nguyên gốc chắn ngang như chứng tỏ vào mùa nước lũ, dòng Rào Thương ngập tràn lòng hang và để lại nhiều thứ khi nước đã rút đi.

Nét độc đáo riêng của hang Én là lẫn trong sắc màu dòng sông xanh ngăn ngắt, ánh sáng chiếu rọi từ những giếng trời trên trần hang làm cảnh vật càng thêm lung linh, huyền ảo.

< Để đi xuyên suốt  hang Én nhiều đoạn phải lội trong làn nước  mát lạnh.

Trên trần, trong những hốc đá, thạch nhũ muôn hình vạn trạng là tổ của hàng vạn con én và dơi, đó cũng là nguyên nhân hang mang tên Én.

Theo anh Thành Huế - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Tỉnh Quảng Bình, hang Én từng là nơi người dân tộc Arem chọn làm nơi sinh sống từ trăm năm về trước, họ có biệt tài leo trèo chẳng khác loài vượn, loài voọc chuyền cành trên cây, trong mùa én làm tổ họ thường  trèo  lên vách đá, trần hang để bắt én non làm thực phẩm.

< Ở trên đồi đá cách nền hàng hơn 50m,  hiện diện   một cây to nguyên gốc chắn ngang  như chứng tỏ vào mùa nước lũ, dòng Rào Thương ngập tràn lòng hang và để lại nhiều thứ khi nước đã rút đi.

Hiện nay người Arem đã chuyển về đường 20 sinh sống nhưng hàng năm vào ngày 15 tháng 5 âm lịch họ đều kéo về hang Én, tổ chức hội ăn én qua hình thức cúng bái thần rừng và đi lượm én con vì yếu sức không thể bay cao nên  rơi xuống đất”.

Kỳ thực, lúc này chưa tới ngày hội ăn én nhưng chúng tôi vẫn thấy không ít chim én mới ra ràng nằm thiêm thiếp trên nền hang, chợt nghe động, theo bản năng chúng gắng sức vổ cánh bay song được vài ba mét lại sa xuống đất, trông rất đáng thương.

< Cửa hang hướng Tây bắc, nhìn ra cánh rừng nguyên sinh và trần hang là nơi hàng vạn chim én làm tổ. 
Đây cũng là hướng đi động Sơn Đoòng – hang động lớn nhất thế giới cách 2 km.


Hang Én có tổng chiều dài 1.645 mét xuyên suốt cả một quả núi và trổ 3 cửa động, 1 nằm lưng chừng núi và 2 ở chân núi hướng đông nam, tây bắc theo dòng chảy suối Rào Thương là đặc điểm hiếm thấy so với những hang động nổi tiếng ở Việt Nam mà chúng tôi đã từng đặt chân đến.

Hơn thế nữa, từ trong hang nhìn ra cửa phía tây bắc với vòm hang cao hơn 80m thấy cảnh vật bao la sinh động, những đàn én chao lượn trên trần hang, bãi cát rộng rãi, cả những cánh rừng nguyên sinh xanh mát...
Đây cũng nơi mà nhiếp ảnh gia Carsten Peter chọn làm chủ đề để bấm máy nhằm cho ra đời tác phẩm động hang Én, đã được  tạp chí National Geographic bình chọn là một trong những bức ảnh thiên nhiên đẹp nhất tháng 3.


< Nướng cá bên đống lửa.

Đêm về, mấy anh em Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng rủ rê chúng tôi tỏa đi các nơi giăng lưới. Thì ra con suối Rào Thương có rất nhiều loại cá mang cái tên khá lạ lẫm: cá mát, cá cồ, trầu đá... riêng cá leo được xem là loại “quý tộc” vì thịt thơm, ít xương... phải bỏ công giăng lưới trong hang mới hy vọng bắt được nó.

Sau một giờ thả lưới chúng tôi thu hoạch được 2 nồi cá, mà chú nào kích cỡ cũng bằng phân nửa cổ tay, đủ để xiên cây nướng ăn ngay tại chỗ, chưa kể một số dành nấu cháo điểm tâm sáng mai.

Và giấc ngủ đến thật dịu dàng trong âm thanh rì rào, êm dịu của làn gió mát lạnh lùa vào hang như lời thì thầm của rừng, của núi...

Du lịch, GO! - Theo Nguoilaodong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét