Thứ Sáu, 20 tháng 8, 2010

Hướng dẫn du lịch Hội An

Thị xã Hội An là một đô thị cổ nằm bên Cửa Đại, nơi con sông Thu Bồn đổ ra biển Đông. Từ thế kỷ 16, 17, nơi đây đã nổi tiếng với tên gọi Faifoo và rất quen thuộc với các thương gia Nhật Bản, Indonesia, Trung Quốc, Bồ Đào Nha…

Thời đó, thương cảng Hội An rất sầm uất bởi nó là trung tâm buôn bán lớn của vùng Đông Nam Á. Do sự bồi lắng của cửa sông và bao biến động của lịch sử sau nhiều thế kỷ, địa danh Hội An không còn là thương cảng nhưng dấu ấn một thời vàng son của nó vẫn để lại những giá trị văn hóa vô giá. Chính vì lý do đó, tháng 12.1999, tổ chức UNESCO đã ghi tên đô thị cổ Hội An vào danh mục Di sản văn Hóa Thế giới.

Di tích Hội An bao gồm chùa cầu, nhà cổ, Hội quán, bảo tàng, nhà thờ họ… hầu hết xây dựng vào thế kỷ 19, 20. Các ngôi nhà cổ kiểu nhà ống có mặt tiền hẹp, có khi thông hai phố, chiều cao không quá 2 tầng, tường bao bọc bằng gạch, phía trong là ván gỗ.

Kiến trúc các công trình đều có dạng dốc, lợp ngói âm dương, kiểu dáng và trang trí nội thất bảo tồn phong cách cổ của cư dân người Việt, ảnh hưởng từ Nhật và người Hoa. Ngoài những di sản vật thể, cộng đồng Hội An còn bảo tồn, lưu giữ những vốn cổ trong cuộc sống, hoạt động văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng, nghi lễ, ẩm thực… Tất cả nhữnh yếu tố này tạo cho đô thị cổ Hội An dáng vẻ riêng đậm nét xưa.

Đi khi nào?


Hội An nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình, nhiệt độ cao và ít biến động. Mỗi năm có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa kéo dài từ tháng 8 đến tháng 12 và mùa khô từ tháng 1 đến tháng 7, thỉnh thoảng có những đợt rét mùa đông nhưng không đậm và không kéo dài.

Đi đâu, chơi gì?

Nói đến Hội An, dù chỉ là thị xã nhỏ bé nhưng có rất nhiều địa điểm đáng để tham quan.

- Chùa Cầu là viên ngọc giữa lòng thị xã, tuy nhỏ bé nhưng chứa đựng nhiều thăng trầm dưới mái ngói âm dương huyền bí. Cầu xây dựng vào cuối thế kỷ 16 và được gọi là cầu Nhật Bản. Năm 1719, khi chúa Nguyễn Phúc Nguyên đi ngang đây, ông đã đặt cho cầu ba chữ Lai Viễn Kiều. Ở giữa cầu có một ngôi miếu nhỏ thờ Huyền Thiên Đại Đế, thời xưa, hai bên cầu là nơi mua bán sầm uất.

- Nhà cổ 77 Trần Phú: ngôi nhà hình ống điển hình, giữa sân nhà có các vách gỗ bao quanh được chạm khắc sống động.

- Nhà cổ số 80 Nguyễn Thái Học là tiệm thuốc Bắc Diệp Đồng Nguyên, chủ nhà có một bộ sưu tập gốm cổ có giá trị.

- Nhà cổ 101 Nguyễn Thái Học, phòng khách là một công trình chạm trổ tinh vi. Ở trần có vỏ cua có trang trí hình hai bao kiếm vắt chéo rất lạ mắt.

- Nhà thờ họ Trần 21 Lê Lợi, là nhà thờ của gia tộc nên rất kín cổng cao tường.

- Hội quán Quảng Đông thờ Quan Công nằm trên đường Trần Phú.

- Hội Quán Trung Hoa thờ bà Thiên Hậu.

- Hội quán Phúc Kiến xây dựng năm 1857 cũng thờ Thiên Hậu.

- Hội quán Hải Nam là nơi thờ 108 Hoa kiều chết oan dưới thời vua Tự Đức.

- Hội quán Triều Châu hay còn gọi là chùa ông Bổn ở đường Nguyễn Duy Hiệu. Hội quán nhỏ, xây dựng tỉ mỉ, khởi công năm 1845 với vật liệu đưa từ Trung Quốc sang. Miếu thờ Phục Ba tướng quân.

- Nhà trưng bày gốm sứ mậu dịch Hội An nằm trên đường Trần Phú. Đây cũng là một căn nhà cổ đẹp được trùng tu với sự đóng góp của đại học Chiêu Hoà, Nhật Bản. Nơi đây trưng bày những cổ vật vớt lên từ năm 1993 trong chiếc tàu chìm từ 400 năm trước ngoài biển Hội An. Con tàu này chở gốm Việt Nam xuất khẩu, gốm Chu Đậu.

- Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh, có những hiện vật cổ như chum gốm chôn tro người chết, nữ trang, vũ khí…

- Bảo tàng Lịch sự văn hóa Hội An nằm trong khuôn viên chùa Ông thờ Quan Công và chùa Bà - thờ Quan Âm. Chùa khởi xây từ thế kỷ thứ 17 và đã qua nhiều lần trùng tu.

Bãi tắm Cửa Đại: thuộc phường Cẩm An, thị xã Hội An. Cửa Đại nằm cách đô thị cổ Hội An 5km về hướng Đông. Đây là bãi tắm lý tưởng, có bãi cát trắng mịn, nước trong xanh, sóng nhỏ và luôn được mặt trời chiếu sáng. Cửa Đại là nơi thích hợp để xây dựng khu du lịch với nhiều loại hình hấp dẫn như thể thao trên biển, tắm biển và nghỉ dưỡng.

Mua sắm, giá cả

Hội An là một nơi hiếm hoi mà khách sạn thường xuyên đông khách. Là thành phố du lịch, đặc biệt thu hút du khách nước ngoài nên Hội An không thiếu các khách sạn tiện nghi, ngay trung tâm thành phố giá phòng khá cao, nhưng khó có phòng trống. Vào mùa cao điểm nên tìm phòng xa khu trung tâm như đường Huỳnh Thúc Kháng, đoạn gần bến xe, đường Thái Phiên.

Có nhiều nhà trọ sạch sẽ không kém khách sạn, nhưng giá lại rẻ hơn nhiều.
Nhà khách cũng có nhiều phòng, giá rẻ, gần điểm bán vé tham quan.
Đến Hội An có thể mua bánh in, bánh đậu xanh, bánh ít lá gai. Tương ớt Hội An là món đặc biệt, cay nồng lại thơm.

Hội An có nhiều nhà hàng, quán ăn chủ yếu phục vụ khách Tây tập trung ở khu phố cổ Trần Phú, Bạch Đằng….. Đường Trần Phú là con đường tập trung quán bán cao lầu, giá cũng không quá đắt. Cao lầu là món mì đơn giản như mì Quảng, ít nước lèo, mì trộn cùng rau, thịt, tôm, sợi cao lầu làm bằng bột gạo Hội An, ngâm nước tro từ củi tràm ở cù lao Chàm, nhất là phải dùng nước từ giếng Bá Lễ, sợi mì mới dai đúng điệu, và mới đúng là món cao lầu đặc sản tại Hội An.

Các quán hàng cao lầu chỉ để dành phục vụ du khách, riêng dân Hội An không ăn ở những nơi này, họ chuộng hàng gánh lề đường, giá rẻ, ngon và nổi tiếng không kém hàng quán to.

Hội An còn đặc sản bánh tráng đập ăn cùng hến trộn. Do nhiều người Hoa tập trung sinh sống nên Hội An còn nổi tiếng với bánh bao và bánh vạc. Hai loại bánh này đều có nhân tôm thịt, nhưng ngon đặc biệt hơn là nhờ ngâm bột bằng nước giếng Bá Lễ và chấm bằng nước chấm chính hiệu do người bán bánh làm ra.

Đến, đi lại bằng gì?

Từ Thành phố Đà Nẵng đi về Hội An có hai hướng. Một là đi theo quốc lộ 1 về phía Nam khoảng 27km đến đường Vĩnh Điện rồi rẽ trái thêm 10km. Vào Hội An theo đường Huỳnh Thúc Kháng có thể ghé thăm Tháp Chàm Bằng Anh ở Vĩnh Điện.

Con đường thứ hai gần hơn, vắng hơn, đi từ Trung Tâm Đà Nẵng qua cầu sông Hàn, vào tỉnh lộ Đà Nẵng - Hội An, ghé thăm Ngũ Hành Sơn, đến Hội An khoảng 30km.
Xe bus từ Đà Nẵng đi từ bến xe bus nội tuyến.

Hội An có đầy đủ các dịch vụ giao thông phục vụ du khách như xe bus, taxi, xe ôm, xích lô, du khách cũng có thể thuê xe máy, xe đạp để tự do dạo quanh Hội An thăm khu phố cổ. Nhưng thú vị nhất với du khách đến thăm Hội An vẫn là đi bộ vòng quanh khu phố để cảm nhận nét đặc biệt của nơi này.

Lưu ý khác

- Hội An rất thú vị vào sáng sớm, đường phố vắng lặng, những người dân Hội An chuẩn bị bắt đầu ngày mới, không có ánh đèn điện, người bán người mua tấp nập thân tình
- Cũng có thể đi dạo Hội An ban đêm trong những ngõ ngách thanh tịnh của phố cổ.
- Nên đến Hội An vào ngày rằm, 14 âm lịch, lúc này có Đêm phố cổ, cấm xe máy, đèn điện, nhà nhà đốt đèn lồng, có phố đi bộ, hát dân ca, hò xứ Quảng…
- Hàng đêm ngay Bến Bạch Đằng có thuyền văn hóa dạo quanh sông, hòa tấu nhạc dân tộc.

Theo Chudu24

Tham khảo thêm:
http://hoian.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét