Thứ Hai, 23 tháng 8, 2010

Thắng cảnh Ngũ Hành Sơn

Dường như ai từng biết đến Đà Nẵng là biết đến Ngũ Hành Sơn. Nó nổi tiếng đến độ nhiều người muốn xem nó như là biểu tượng của vùng đất này. Không gian huyền ảo, thơ mộng, chùa chiền và hang động, cây cỏ và tiếng chuông chùa, sóng vỗ và những dằng dặc nghìn trùng... cách không xa trung tâm thành phố, Ngũ Hành Sơn từ lâu đã thật sự là một cõi thiên thai dành cho du khách.

Gần 200 năm trước, vua Minh Mạng đã từng đến đây. Ông đã tự mình đặt tên cho núi, cho các hang động, chùa chiền. Không ai biết những cái tên như Ngũ Hành Sơn, Huyền Không, Hóa Nghiêm, Lăng Hư, Tàng Chân, Vân Nguyệt, Thiên Long... đã làm nhà vua phải suy nghĩ mất hết biết bao nhiêu thời gian. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, giữa những lo toan quốc kế dân sinh, trong tâm hồn của con người này, cảnh trí Ngũ Hành Sơn đã chiếm một phần quan trọng như một nỗi tự hào về một miền đất xinh đẹp.

Nơi đây, các dấu ấn văn hoá lịch sử còn in đậm trên mỗi công trình chùa, tháp đầu thế kỷ XIX, trên mỗi tác phẩm điêu khắc Chàm của thế kỷ XIV, XV. Những bút tích thi ca thời Lê, Trần còn in dấu trên các vách đá rêu phong trong các hang động.

Những di tích văn hoá lịch sử như mộ mẹ tướng quân Trần Quang Diệu, đền thờ công chúa Ngọc Lan (em gái vua Minh Mạng), bút tích sắc phong quốc tự còn lưu giữ tại chùa Tam Thai của triều Nguyễn, đến các di tích lịch sử đấu tranh cách mạng như Địa đạo núi đá Chồng, hang Bà Tho, núi Kim Sơn, hang Âm Phủ,... Tất cả chứng minh hùng hồn về một Ngũ Hành Sơn huyền thoại, về một vùng đất địa linh nhân kiệt đầy chất sử thi.

Cũng như nhiều địa danh khác, những ngọn núi này bao bọc quanh mình nó rất nhiều những huyền thoại khác nhau. Không gian thơ mộng của cảnh trí và vẻ bãng lãng cổ tích của những câu chuyện cổ đã mang lại cho Ngũ Hành Sơn cái ý vị mà ít nơi nào có được. Trong tư duy triết học của Trung Hoa, Ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ là những yếu tố cấu thành vũ trụ. Con số 5 là con số cực kỳ quan trọng trong tư duy và trong đời sống phương Đông. Nhìn như thế, trong sự trùng hợp ngẫu nhiên, 5 ngọn Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn, Thổ Sơn tự trong mình nó đã hàm chứa những vẻ kỳ bí dị thường.

Cũng tại nơi đây, các hang động, cảnh quan tự nhiên và hệ thống chùa chiền vừa ngẫu nhiên, vừa có ý thức đã tạo ra một vẻ đẹp hài hòa, có cái quyến rũ, mời mọc nhưng cũng có những ý tứ, kín đáo, che giấu niềm cảm xúc bất ngờ trong suốt cuộc hành trình tham quan của du khách.

Vào những ngày hè, thử hình dung ta cùng bạn bè cất bước trên 108 bậc đá dẫn lên ngọn Thủy Sơn, ngồi nơi Vọng Giang đài nhìn con sông Trường Giang chảy xanh biếc trong hoàng hôn, hoặc đứng trên Vọng Hải đài dõi nhìn bãi cát cắt dọc theo con sóng.

Buổi chiều người thành phố đổ xô ra biển, từng tốp ngư dân nhẫn nại đẩy thuyền thúng ra khơi, phía sau là những con đường đầy lá mục dẫn về các động, bên trong những ngôi chùa, mùi nhang trầm lặng lẽ tỏa hương... Một ngày ở Ngũ Hành Sơn như thế cho ta thêm yêu cuộc sống biết bao.

Động Âm Phủ ở khu danh thắng Ngũ Hành Sơn

Theo thuyết âm dương, trong đời sống con người và vạn vật luôn tồn tại hai mặt đối lập : có ngày phải có đêm, có sinh phải có tử. Vì thế, trên ngọn Thủy Sơn có đường lên trời thì dưới chân có động xuống Âm Phủ. Trong động Âm Phủ có nhiều truyền thuyết vừa thực, vừa ảo.

Thực ở đây là con người ai cũng có một lần sinh và một lần tử, còn ảo ở đây là sự phân xử của tạo hóa về cái thiện và cái ác của kiếp con người. Bởi trong động Âm Phủ được chia làm hai ngách, đó là ngách lên trời và ngách xuống âm phủ.

Âm phủ là thế giới của người chết. Theo giáo lý của đạo Phật, chết không phải là hết mà là sự chuyển tiếp để đầu thai về cảnh giới khác. Người tích thiện nhiều sẽ được siêu thoát, kẻ gây nên tội ác sẽ bị đọa đày. Thiện và ác đến đây sẽ được phân minh. Theo định luật âm ty, con người trước khi chết, các linh hồn phải qua chiếc cầu Âm Dương trên sông Nại Hà định mệnh.

Theo truyền thuyết, sông Nại Hà có dòng nước đen ngòm, có nhiều thuồng luồng, cá sấu, rắn độc và thú dữ. Dòng sông được chia làm 2 phần : bên sinh và bên tử. Nếu tại thế gian, ai làm điều thiện thì khi mất, linh hồn người đó sẽ được Long Thần Hộ Pháp đưa qua cầu nhẹ nhàng, thanh thản. Ngược lại, ai làm điều ác sẽ bị chó dữ rượt đuổi, xô đẩy xuống sông, làm mồi cho các loài thú dữ.

Cầu Âm Dương trên sông Nại Hà là cửa ngõ đi vào động Âm Phủ. Động Âm Phủ còn có truyền thuyết rằng : Bà Thanh Đề, khi sống gây nhiều tội ác nên lúc chết bị đày xuống ngục này. Con trai bà là Mục Kiền Liên, một chân tu đắc đạo, nhưng do nghiệp chướng của mẹ quá nặng nên Ngài không thể cứu thoát được mẹ. Song, Mục Kiền Liên vẫn tâm nguyện luyện tu để chuộc tội cho mẹ. Cứ thế, hằng năm đến rằm tháng 7, Mục Kiền Liên lại đi tìm mẹ để được báo hiếu công đức sinh thành.

Từ câu chuyện Mục Kiền Liên tìm mẹ để báo hiếu đầy cảm động này, nên rằm tháng 7 hằng năm được gọi là ngày báo hiếu, là đại lễ Vu Lan của Phật giáo ngày nay.

Với giá trị độc đáo về tự nhiên, về lịch sử và các truyền thuyết dân gian cũng như ý nghĩa Phật tích, động Âm Phủ được xem là điểm đến tham quan đầy ấn tượng của mọi du khách trong và ngoài nước khi đến Ngũ Hành Sơn.

Nguồn: Du lịch Đà Nẵng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét