“Tạm biệt phố, chúng tôi lên rừng” bằng xe máy là một trong những cách thức lên núi điển hình nhất, dễ kết hợp với các loại hình khác của du lịch khám phá và hành xác như offroad hay trekking. Một số kinh nghiệm lên núi bằng xe máy để chuyến đi của bạn được an toàn và thành công.
* “Chiến mã” (xe máy) phải thật “ngon”, bảo đảm phanh, lốp, nhông, xích an toàn cho di chuyển. Một nhóm đi cần có một bộ đồ nghề sửa xe tối thiểu phòng trường hợp bất trắc trên đường (Theo tôi thì không nên đi xe quá hào nhoáng, xế thường thôi nhưng bắt buộc máy móc, vỏ, thắng... nêu trên phải tốt, kiểm tra trước)
* Lịch trình: nên có một lịch trình cơ bản cho nhóm đi và phổ biến rõ ràng với các thành viên về điểm đến, kế hoạch di chuyển, khám phá.
Cần thiết phải có bản đồ chi tiết và có cách thức liên lạc để kết nối thành viên trong nhóm (điện thoại, bộ đàm, lời hẹn...).
* Thành viên: nhóm đi phù hợp nên có 5-7 xe máy (chừng 10 người) để thuận lợi trong quá trình di chuyển và dễ quản lý, hỗ trợ lẫn nhau.
* Đồ ăn dự phòng: nước uống và đồ ăn nhanh (kẹo, sôcôla, bánh năng lượng, đồ hộp, bánh mì, xúc xích) là cần thiết nếu bạn đi đến những vùng đất hẻo lánh và xa xôi cách trở.
Cà phê và pha cà phê trên đường thiên lý là một thú vui vô cùng tao nhã và lãng mạn đối với nhiều bạn “phượt”.
Đừng quên chuẩn bị đồ nghề (cồn, ấm đun, cà phê hòa tan, ly giấy, bật lửa và âm nhạc bằng điện thoại hoặc iPod) cho vụ cà phê nhé!
* Và chính bạn: quan trọng nhất chính là bạn. Bạn phải có đủ sức khỏe để di chuyển liên tục, thậm chí với cường độ khá cao trong ngày.
Quan trọng hơn là bạn phải thấy yêu thương và hạnh phúc với cung đường mình đã qua hay sẽ tới; thích thú với những gì được nhìn ngắm; biết cảm nhận và chia sẻ dù đôi khi chỉ là những điều vô cùng giản dị: một khúc cua lộng gió, một con đèo bồng bềnh trong mây, những thửa ruộng bậc thang loáng nước, con đường mòn âm u xuyên rừng, những đứa trẻ lấm lem, những người phụ nữ nhọc nhằn trong cuộc mưu sinh với nụ cười hồn nhiên trong trẻo...
BĂNG GIANG
Tuoitre online
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét