Thứ Tư, 25 tháng 8, 2010

Thăm lại huyện đảo Vân Đồn

Trước kia mọi người biết đến Vân Đồn (Quảng Ninh) là vùng đảo hoang vắng, những làng chài xơ xác, chỉ có gió và cát trắng. Thế nhưng, hôm nay, nơi này đang trở thành điểm đến hấp dẫn với những cảm xúc bất ngờ.

Tại thị trấn Cái Rồng, các tuyến xe khách liên tỉnh, liên huyện hoạt động hết công suất; tuyến xe buýt từ trung tâm du lịch Bãi Cháy đến khu du lịch Bãi Dài đã đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân từ các địa phương khác đến Vân Đồn và ngược lại.

Cũng giống như tất cả các đảo trong vịnh Bắc Bộ, các đảo của huyện Vân Đồn trước kia là những đỉnh núi của phần thềm lục địa, ở phía Tây Bắc vịnh Bắc Bộ, phần kéo dài của dãy núi Đông Triều. Sau thời kỳ biển tiến, hình thành vịnh Bắc Bộ, các đỉnh núi này còn sót lại, thành các đảo độc lập thuộc hai vùng của vịnh Bắc Bộ là Bái Tử Long và vịnh Hạ Long. Trên các đảo không có sông ngòi lớn mà chỉ có vài con suối.

Người dân địa phương thường gọi các eo biển nối các đảo với nhau và với đất liền là sông, như sông Voi Lớn nằm giữa đảo Cái Bầu với đất liền, sông Mang ở đảo Quan Lạn. Trên địa bàn huyện có hai hồ nhỏ là Vồng Tre và Mắt Rồng.

Huyện đảo Vân Đồn ôm trọn vịnh Bái Tử Long, một quần thể biển đảo mà vẻ kỳ thú, giá trị địa chất, địa mạo, tính đa dạng sinh học không hề thua kém Hạ Long vốn lừng lẫy xưa nay.

Cảnh sắc thiên nhiên của Vân Đồn rất hùng vĩ, như một chiến luỹ chắn biển Đông. Biển Vân Đồn tiềm ẩn nhiều hải sản quý; nhiều bãi tắm đẹp trên các đảo Quan Lạn, Ngọc Vừng; những hang động kỳ ảo từng quyến rũ bao du khách trong và ngoài nước. Chỉ cần qua khỏi ranh giới của khu Di sản văn hóa thế giới đã được công nhận, hướng thẳng ra biển Đông, thắng cảnh đầu tiên mà người ta có thể chiêm ngưỡng là hòn Đũa - một minh chứng điển hình của “trang sử đá” trên vùng biển này.

Hòn Đũa là tháp đá vôi có hình trụ, kết quả của những vận động tạo sơn - biển thoái, sụt chìm - biển tiến hàng trăm triệu năm. Các nhà khoa học lý giải đó là mẫu hình tuyệt vời về Karst trưởng thành trong điều kiện nhiệt đới ẩm, còn dân gian thì gọi là chiếc đũa trời đánh rơi.

Vân Đồn là huyện đảo cách thành phố Hạ Long khoảng 50 km, gồm hai khu đảo chính là Kế Bào và Vân Hải, với hàng trăm đảo đá nhấp nhô ven bờ vịnh Bái Tử Long xinh đẹp. Các đảo đều có địa hình núi đá vôi, thường chỉ cao 200 đến 300m so với mặt biển và có nhiều hang động.

Hòn Đũa chênh vênh và mảnh mai giữa trời và nước. Cách hòn Đũa chừng 3 km là hòn Thiên Nga. Tự nhiên đã tạo nên vẻ đẹp tuyệt vời và du khách không khỏi thắc mắc về hình dạng của cặp “núi đôi” này, chỉ có điều kỳ lạ là sao nó có thể duyên dáng đến thế, như không phải từ đá, mà có một cặp thiên nga khổng lồ nào đó đã dẫn nhau đến đây, đã yêu nhau, rồi thanh thản chết đi và hóa thành đá, để cho mọi đường nét đá đều mềm mại và quyến rũ.

Mấy năm trở lại đây, đối với huyện đảo hơn 40.000 dân này, cuộc sống chỉ thực sự nhộn nhịp từ tháng 5. Mỗi buổi sáng, tại các khu nghỉ mát của Vân Đồn lại sôi động hẳn lên so với ngày thường. Du khách tới huyện đảo này mỗi ngày một tăng. Công suất phòng của các khách sạn mini ở thị trấn Cái Bầu và các khu resort lúc nào cũng kín. Giờ đây ra Vân Đồn, người ta không phải đội nắng chờ phà nữa. Con phà Tài Xá, gạch nối duy nhất giữa Vân Đồn với thị xã Cẩm Phả, giờ đã được thay bằng cây cầu hoành tráng. Buổi tối, thị trấn Cái Bầu rực rỡ ánh đèn...

Đặc trưng nhất ở hòn đảo này có lẽ phải kể đến nghề nuôi trai ngọc. Trai ngọc ở Vân Đồn được nuôi rất nhiều ở các hòn đảo nhỏ nằm quanh khu đảo Cái Bầu. Ngọc trai ở đây được thu hoạch quanh năm. Sau khi thu hoạch, người nuôi phân loại từng viên ra để bán với giá khác nhau. Giá ngọc đẹp có thể lên tới hàng triệu đồng một viên.

Hiện, toàn huyện có 5 doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh ngọc trai với sản lượng trung bình 1.200 - 1.300 kg một năm. Là vùng biển liền kề vịnh Bái Tử Long được che chở bởi trùng điệp đảo đá với nguồn nước tự nhiên trong sạch và phong phú phù du đã biến biển Vân Đồn thành những “cánh đồng trai” lý tưởng. Trai ngọc nuôi ở đây là nguồn giống được lai tạo, thuần hóa giữa loài trai Akoya - Nhật Bản và loài trai địa phương nên khả năng thích nghi cao với tỷ lệ ngậm ngọc trên 50%. Một trong số doanh nghiệp thành công nhất ở đây là Taiheiyo Shinju, liên doanh Việt - Nhật, từng hai lần nhận danh hiệu Sao vàng đất Việt về sản xuất, kinh doanh và chất lượng sản phẩm. Thay vì bán nguyên liệu, Taiheiyo Shinju đã lắp đặt dây chuyền chế tác ngọc ngay trên đảo, tạo việc làm cho người dân địa phương và đạt doanh thu trên 10 tỷ đồng một năm.

Ngọc trai Vân Đồn có độ thuần khiết cao và màu sắc quyến rũ như: vàng lưu ly, trắng anh đào, xám thủy ngân, không thua kém bất kỳ sản phẩm ngọc trai nào của các nước vùng Đông Nam á. Nếu trước kia, mùa cấy ngọc ở Vân Đồn chỉ bắt đầu vào mùa hè và kết thúc vào mùa thu thì giờ đây, ngay giữa tiết đông, người ta vẫn vừa cấy ngọc, vừa thu hoạch; vệ sinh chăm sóc trai hoặc ương giống, công việc xen nhau luân chuyển hầu như suốt bốn mùa. Năm 2008, Taiheyyo Shinju còn mở dịch vụ tham quan, chế tác, bán sản phẩm ngay tại mặt bằng sản xuất và mở rộng vùng nuôi ra khu vực đảo Cô Tô nhằm khôi phục nghề nuôi trai lấy ngọc, vốn là truyền thống sớm nhất của quần đảo này.

Theo Kinh Tế Nông Thôn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét