Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2010

Rừng tràm Trà Sư

Nếu có dịp đến An Giang thăm rừng Tràm Trà Sư – điểm du lịch sinh thái rộng lớn thuộc huyện Tịnh Biên (An Giang), du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt vời của thiên nhiên hoang dã nhưng thanh bình, sâu lắng…

Rừng tràm Trà Sư là khu rừng ngập nước đặc trưng, tiêu biểu cho vùng Tây sông Hậu và thiên nhiên ở rừng còn rất hoang sơ. Từ rừng tràm Trà Sư nhìn về Thất Sơn, trước mắt du khách sẽ là phong cảnh hữu tình của non xanh nước biếc bao la, quyến rũ. Bên này rừng là ngọn Trà Sư, phía bên kia là Núi Két, núi Bà Đội Om, Núi Cấm, xa xa thấp thoáng ngọn núi Cô Tô mây trắng chập chờn lúc ẩn lúc hiện, tạo cảm giác êm đềm và trầm mặc của thiên nhiên.

Đứng trước cây cầu vào cổng khi vừa đến Trà Sư, du khách sẽ thấy một con kênh dài với dòng nước mát lành, thi thoảng lại có chú cá vẫy đuôi làm xao động mặt nước. Ngay cạnh đó là cả dãy rừng tràm xa tít, ngăn ngắt màu xanh. Từ đây, du khách không đi bằng xe nữa mà phải dùng ghe, xuồng nhỏ để dễ dàng len lỏi trong các ngóc ngách của rừng.

Chiếc xuồng quen thuộc của sông nước miền Tây đưa lặng lẽ đưa du khách vào rừng để tận hưởng toàn bộ cảnh sắc tuyệt vời của thiên nhiên: ánh nắng vàng dịu ấm áp hòa quyện cùng tiếng chim hót líu lo một cách tự do, thoải mái cùng với tiếng lá cây rừng chạm nhau xào xạc… đem đến cho bạn một cảm giác yên ổn, bình an như lạc vào xứ sở thần tiên.

Màu xanh nhẹ nhàng, dịu mát của những chiếc lá non, của cây, của sự sống rọi xuống mặt nước mát lạnh, êm đềm, thỉnh thoảng có vài chú cá vẫy đuôi phá đi sự tĩnh lặng của mặt nước bên cạnh dãy rừng tràm xa tít mù cũng ngan ngát màu xanh sẽ làm lòng bạn tràn thêm sinh lực để càng tiến sâu vào khám phá những sự thú vị tuyệt vời khác từ thiên nhiên.

Nhờ tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng, rừng tràm Trà Sư trở thành điểm đến lý tưởng đối với các nhà nguyên cứu và những người ham mê động vật hoang dã. Rừng tràm Trà Sư có diện tích rộng lớn, gồm nhiều loài thực vật, hơn trăm loài cá và hàng chục loài chim muông thú rừng và bò sát.

Nơi đây còn nhiều sông, rạch, trũng... được biết thì những đây là dấu ấn còn xót lại của thời khai hoang vùng đất phương Nam. Cùng với các trảng cỏ, lung đìa, là nơi cư trú và sinh sản lý tưởng cho các loài chim, cò và thủy sản, tạo cảnh quan độc đáo cho vùng tây Sông Hậu... Theo kết quả khảo sát của BirdLiffe International và Viện Sinh thái -Tài nguyên - Sinh vật, Trà Sư được đánh giá là nơi có tầm quan trọng quốc tế trong công tác bảo tồn đất ngập nước tại ĐBSCL.

Ngoài ý nghĩa về mặt bảo tồn những giá trị độc đáo, hoang dã của thiên nhiên và các loài thú quý hiếm, rừng tràm Trà Sư còn chứa đựng rất nhiều giá trị văn hóa tiềm ẩn rất độc đáo và phong phú. Quanh khu rừng có nhiều đồng bào Khmer và Kinh sinh sống với các ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống như dệt thổ cẩm, lụa Khmer siêu, nấu đường thốt nốt, tinh cất tinh dầu tràm, gây nuôi mật ong...

Khi mùa nước nổi tràn đồng, bèo cám trải thảm nhung xanh dưới những tán rừng, tôm càng xanh và các loại cá đồng từ thượng nguồn sông MêKông đổ về nhiều vô kể. Trong đó có nhiều loài cá rất lạ, quý hiếm mà bạn sẽ chưa từng thấy bao giờ và cả nhiều loài chim quý được ghi vào sách Đỏ Việt Nam như: Cò lạo, nhạn điên điển cổ rắn, ròng rộc, vạc...cùng với hàng chục ngàn con dơi quạ bay lượn rợp trời hoặc đeo lủng lẳng trên những nhánh tràm tơ là du khách có cảm giác vừa rùng rợn, vừa thích thú như thể chính mình là những nhà thám hiểm thực thụ như trong phim.

Đất lành thì chim đậu, năm nào Trà Sư cũng có nhiều dơi mẹ mang theo những chú dơi con về định cư, làm cho khu rừng trở nên náo động, đẹp nhất là những đàn nhạn sen bay về rừng hàng nghìn con... Hoàng hôn buông xuống, thấp thoáng trong rừng tràm là những ngôi nhà sàn nho nhỏ, xinh xinh, được cột chặt vào thân cây trông giản dị mà tuyệt đẹp. Rồi từng đàn cò trắng, cò đen, siếu đầu đỏ ... lên đến hàng vạn con chấp chới bay về tổ ấm, một không gian của sự sum vầy, hạnh phúc đang diễn ra trước mắt bạn. Thiên nhiên tươi đẹp, không khí trong lành là điểm nổi bậc nhất mà du khách có thể tìm thấy ở rừng tràm Trà Sư.

Bên cạch sự thu hút bởi các loại hình tham quan thưởng ngoạn, khám phá, nghiên cứu khoa học hệ sinh thái, du khách còn đặc biệt thích thú với sinh hoạt giải trí hấp dẫn đặc trưng miền Tây như câu cá… và có cơ hội được thưởng thức những món ăn dân dã, đồng quê đặc biệt của miền Tây là cá linh nướng, cá lóc hấp bầu, cá lóc rừng nướng trui cuốn với lá sen bẻ tại rừng, gỏi sầu đâu trộn cá sặc bổi… mọi thức ăn đều rất “dân dã, miệt vườn” nhưng giàu dinh dưỡng vì có nhiều rau “sạch” rất bổ dưỡng. Hấp dẫn nhất là vừa ăn, vừa được nghe tiếng chim gọi bầy vang giữa núi rừng...

“Cuộc vui nào rồi cũng đến lúc tàn”, đã đến lúc phải tạm biệt thiên nhiên yêu quý và trở về với cuộc sống đời thường. Thầm nhắn với khu rừng yêu dấu: Trà Sư ơi cho ta gởi lại nỗi nhớ… một ngày nào đó ta sẽ trở về rừng tìm lại cảm giác thú vị được hòa mình trọn vẹn với thiên nhiên tạm thời xóa đi mọi cảm giác buồn chán, lo âu của cuộc sống bộn bề.

Vietbalo - Tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét