Thứ Năm, 3 tháng 2, 2011

Lãng du cùng Bãi Con

Sau những ngày thả hồn trong mênh mang Sa Huỳnh với Hóc Mó, với Châu Me, với Thạch By, bạn nên ghé qua Bãi Con- phần “vĩ thanh” mà âm hưởng dìu dịu của nó sẽ làm say lòng du khách.

Bãi Con (còn có tên gọi khác là Bãi Nhỏ), như tên gọi của nó, là một bãi biển be bé xinh xinh, chiều dài khoảng 200m, rộng khoảng 100m, nằm gọn gàng giữa hai gành đá theo hướng đông-tây, thuộc bán đảo Thạnh Đức, xã Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ- tỉnh Quảng Ngãi), cách trung tâm xã khoảng 3km về phía đông nam. Thật lạ! Suốt gần 10km bãi cát chạy dọc biển Sa Huỳnh từ bắc xuống nam không đứt đoạn, sao tạo vật lại “an bài”cho Bãi Con nằm đây, biệt lập với “bãi mẹ” trong kia gần 2 km. Trên đỉnh núi Cấm - ngọn núi án ngữ phía nam cửa biển Sa Huỳnh - nhìn xuống, Bãi Con như dải lụa vàng rực, óng ánh phơi bên thềm biển. Thứ màu vàng mà nói như ông bạn nhà thơ quê Quảng Nam đã một lần đến đây, nó “buộc” người ta phải “về yêu hoa cúc” cho đỡ nhớ khi xa. Có người đã ví von: Bãi Con là đứa…con rơi của “bãi mẹ”, đã ra riêng từ thuở lập địa khai thiên nên phải…tự đẹp để tồn tại, để sống trong mỹ cảm của bao người yêu biển.

Nếu cái lạ thứ nhất của Bãi Con là địa hình thì cái lạ thứ hai của “nàng công chúa cô đơn” là được “thần biển” ưu ái. Dọc “dải lụa vàng” này quanh năm chỉ có những gợn sóng lăn tăn, vừa đủ để nhắc rằng “bên em là biển rộng”. Tuyệt nhiên không hề thấy sóng ào ạt  “như nghiến nát bờ em” ở Bãi Con. Có lẽ thấy Bãi Con quá côi cút nên sóng dữ chỉ xô nhau, gầm gào cách xa hàng trăm mét rồi trực chỉ “bãi mẹ” trong kia vào mùa biển động. Vì vậy, cả trong mùa đông, vào những ngày thứ bảy, chủ nhật se lạnh mà không mưa, vẫn có từng nhóm bạn trẻ duyên dáng trong những chiếc áo khoác thời trang đến với bãi con, đùa với những gợn sóng dịu êm, thả tóc bay theo gió trong cảm hứng tột cùng lãng mạn.

Đừng ai nghĩ rằng Bãi Con “nhỏ thó” mà xem thường. Nơi này có thể đón hàng trăm khách du lịch sinh thái mà không hề cho cảm giác chật chội bởi vì Bãi Con chỉ là “tiền sảnh ” thôi. “Ngôi nhà” du lịch sinh thái biển chính là  những gành đá, những vách núi hoang sơ, kéo dài về hai hướng đông-tây như một dải “hành lang” bí hiểm đợi chân người khám phá. Từ Bãi Con, nếu đi dọc gành đá về hướng tây, bạn sẽ hiểu thế nào là gập ghềnh của “quái đồ thạch trận”. Trên vách núi cheo leo, những chú chim biển lắc lư trên những cành cây nhỏ xíu rồi buông mình rơi tự do, cả tiếng hót cũng…rơi tự do làm không ít du khách giật mình trong thích thú. Sau hai mươi phút gập ghềnh cùng đá, bạn sẽ được chiêm ngưỡng Dinh Bà, nơi thờ nữ thần Thiên Y A Na - vị thần che chở cho hàng ngàn ngư dân Sa Huỳnh trên biển đông đầy bất trắc. Thắp nén nhang tâm linh nơi tôn nghiêm này, bạn sẽ có cảm giác bình tâm trong suốt chuyến đi.

Xuôi về đông, vẫn là những gộp đá, nhưng để đi qua nó thì không “xuôi” tí nào, vì thế đá, thế núi cheo leo và hiểm hóc. Điều đặc biệt ở hướng này là sự bất tận của đá trải trùng trùng điệp điệp ngược mãi về hướng bắc. Chắc chắn bạn phải dừng lại dưới bóng mát của một tảng đá khổng lồ nào đó khi gặp những cụm khói bay lên từ những người đốt hàu. Đây là kiểu thưởng thức món hàu vừa dân dã, vừa…thoát tục.

Những lúc thư nhàn, người dân địa phương thường mang những bó đuốc ra gành, chọn tảng đá có nhiều hàu bám và…đốt. Nhiệt độ cao làm hàu há miệng, để lộ phần thịt nhưng phần thân vẫn bám trên đá. Người ta chỉ việc nặn chanh, rắc muối tiêu, mì chính vào miệng hàu, trộn qua vài lượt rồi dùng thìa cà phê múc ra; cùng với chai rượu đế, chiếc ly con, là đã có một bữa nhậu tuyệt vời, rất “thiên nhiên” và không kém phần sành điệu. Chắc chắn bạn sẽ được những “tửu ông” hiếu khách mời thưởng thức món hàu độc đáo này. Bạn cũng có thể mua một ít hàu tươi sống (35 ngàn/kg) được bày bán ven đường vào Bãi Con và chọn một hốc đá kín gió nào đó, tự nấu nồi cháo hàu thơm lừng vị biển.

Chiều dịu nắng, bạn hãy cùng với một em nhỏ làng chài bơi thuyền đi dọc gành đá Bãi Con, tận hưởng cảm giác của khách sông hồ khi thuyền trôi chầm chậm qua những rặng đá rêu phong. Nếu mang theo ống nhòm, bạn có thể quan sát bầy khỉ đi ăn đâu đó trên mỏm núi cao ngất trên kia. Hình ảnh này đưa bạn về với nét hoang sơ của hàng trăm năm trước. Bạn sẽ cảm nhận được hình ảnh trăng rắc phấn vàng mơ trên khắp bãi bờ, khiến không gian biển long lanh màu huyền thoại nếu bạn có chút “can trường”của Rôbinxơn. Và nếu bạn…xiêu lòng, muốn “chơi giữa mùa trăng” cùng Bãi Con, những người dân Xóm Câu của thôn Thạnh Đức gần đấy sẽ giúp bạn những phương tiện cần thiết. Sau một đêm ngon giấc trong nồng nàn hương biển, ánh mặt trời đầu tiên sẽ đến với bạn trên Bãi Con - nơi xa nhất của Sa Huỳnh về phía đông - trước khi ban phát một ngày mới cho những làng mạc trù phú sau mấy rặng dừa xanh biếc.

Theo Sahuynh.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét