Từ TPHCM, đi chừng 70 cây số, xuyên ngang thành phố Mỹ Tho qua cầu Rạch Miễu, du khách sẽ vào địa phận tỉnh Bến Tre. Tỉnh Bến Tre được hình thành từ 3 cù lao (Minh, Bảo và An Hóa). Cù lao Bảo là một trong ba cù lao lớn.
Năm 1900, tỉnh Bến Tre được thành lập gồm hai cù lao Minh và Bảo. Đến năm 1948, cù lao An Hóa tách ra khỏi tỉnh Mỹ Tho, nhập thêm vào tỉnh Bến Tre. Cù lao Bảo hiện nay, gồm một phần huyện Châu Thành, huyện Giồng Trôm, huyện Ba Tri và thành phố Bến Tre. Ranh giới tự nhiên của cù lao Bảo và cù lao An Hóa là dòng sông Ba Lai uốn lượn lững lờ giữa đôi bờ lá xanh mướt. Cù lao Bảo ngăn cách với Cù lao Minh bởi con sông Hàm Luông dài ra tới biển Đông.
Đến trung tâm thành phố Bến Tre, du khách dạo chơi quanh hồ Chung Thủy để cảm nhận được sự thanh bình của thành phố trẻ bên bờ Trúc Giang thơ mộng. Hồ Chung Thủy rộng chừng 2 héc ta, nước trong xanh biêng biếc. Dọc chung quanh hồ là những hàng me, hàng phượng cổ thụ và một ngôi trường nổi tiếng có từ khá lâu đời - trường trung học Nguyễn Đình Chiểu.
Chuyện xưa kể rằng, có một đôi trai gái yêu nhau tha thiết, nhưng do gia đình hai bên ngăn cản không cho hai người nên duyên vợ chồng, nên họ đã nắm tay nhau nhảy xuống hồ tự vẫn! Cảm thương cho đôi tình nhân ấy, dân gian đặt tên cho hồ là “Chung Thủy”. Buổi sớm tinh sương hoặc khi chiều xuống, du khách có thể đi bộ, hít thở không khí trong lành, lắng nghe tiếng chim hót líu lo, ríu rít trên những hàng cây soi bóng bên hồ. Những ngày hè, hoa phượng vĩ nở đỏ rực ven hồ trông rất lãng mạn.
Từ xa về thăm Bến Tre, du khách không nên bỏ qua dịp ngắm nhìn cây bạch mai trên 300 tuổi ở đình làng Phú Tự, xã Phú Hưng, cách thành phố Bến Tre 3 cây số.
Đình Phú Tự xây dựng trên gò đất xưa gọi là gò Xoài. Thời Minh Mạng, khi dân chúng chọn nơi này dựng đình, đã thấy có cây bạch mai cao lớn rồi. Cây mai này sinh sôi, nảy nở mọc thành bụi dày với khoảng 50 thân lớn nhỏ, cao 5-7m, trong đó có 16 thân lớn, đường kính từ 20-30cm. Các nhánh lớn vươn mình trong tư thế nằm ngang mặt đất, dài từ 7-8m, tỏa thành tán rộng chiếm diện tích khoảng 250 mét vuông. Hằng năm, vào dịp tết Nguyên Đán, cây mai cổ thụ nở hoa trắng xóa, tỏa hương thơm ngát cả một vùng.
Xuôi theo tỉnh lộ 26 xuyên giữa lòng cù lao Bảo, du khách ghé thăm khu di tích bà Nguyễn Thị Định (1920-1992) tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Bà Định là người khởi xướng và lãnh đạo cuộc đồng khởi lịch sử năm 1960 tại huyện Mỏ Cày; năm 1965 bà giữ chức Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam và trở thành phụ nữ Việt Nam đầu tiên mang quân hàm thiếu tướng (1974); từ 1987 đến 1992, bà giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.
Khu di tích bà Nguyễn Thị Định tọa lạc trên một khu đất thoáng đãng. Ngôi đền được xây dựng giản dị, với các hoa văn, họa tiết đẹp và trang trọng. Từ ngoài cổng bước vào, du khách sẽ gặp bức tượng đồng của nữ tướng Nguyễn Thị Định cao 1,75m, nặng hơn 1 tấn. Trong phòng triển lãm, bên phải là tủ kính với những di vật của bà. Ở góc trái của phòng có một tấm bảng lớn ghi lại tiểu sử oanh liệt của vị nữ tướng.
Về Ba Tri, huyện cuối cùng của dải đất cù lao Bảo, du khách ghé thăm lăng mộ cụ Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), nhà thơ yêu nước, tác giả truyện thơ Lục Vân Tiên. Đây là một công trình kiến trúc có quy mô hoành tráng, tọa lạc trên diện tích hơn 1,5 héc ta.
Qua cổng tam quan có hai mái chồng, hình thuyền, lợp ngói âm dương giả cổ màu đỏ. Đi vài mươi mét ta sẽ gặp tiền đình với hai mái chồng, lợp ngói âm dương xanh. Giữa tiền đình là một tấm bia to, kể sơ lược thân thế, tiểu sử, sự nghiệp của cụ Đồ Chiểu.
Không gian chính điện lăng có hình khối lăng trụ với ba tầng lợp ngói âm dương xanh, mái dốc, đầu vút cong lên. Bên trong, giữa chính điện là tượng đồng bán thân của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Hai bên cột có chạm khắc hai câu thơ nổi tiếng:
“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm,
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.
Dạo chơi, đi một vòng qua cù lao Bảo của đất Bến Tre, du khách sẽ cảm thấy yêu mến thêm vùng đất được mệnh danh là “ba đảo dừa xanh” giữa bốn bề sông nước mênh mông, bát ngát.
Theo TBKTSG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét