Đến với quần thể hang động Lũng Mu và Mường Ca Da (Quan Hóa, Thanh Hóa), bạn mới thấy hết sự kỳ bí, hấp dẫn của di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh độc đáo này.
Sau khi phát hiện hang Lũng Mu (còn gọi là hang Pó Cúng) có 74 chiếc quan tài cổ ở xã Hồi Xuân (năm 2006) cùng nhiều câu chuyện huyền bí về hang động này, UBND huyện vùng cao Quan Hóa đã nhanh chóng bảo tồn nguyên trạng di tích này. Hiện Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Thanh Hóa đã công nhận hang Lũng Mu là di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh.
Ký thú hang động Lũng Mu
Hang động Lũng Mu sâu khoảng 30m, cao hơn 10m, được chia làm ba ngăn. Hai cửa ra vào của hang đều cao 5m, rộng hơn 2m, là hệ thống thông gió tự nhiên hoàn hảo làm lòng hang khá khô ráo, không khí thoáng đãng, ánh sáng đầy đủ.
Trong số 74 bộ quan tài cổ được đục từ nguyên thân gỗ lớn xếp đầy ba tầng hang động này có một số đã mục hoặc bị cạy bật tấm ván thiên, nhưng nhìn chung phần lớn còn tương đối nguyên vẹn.
Những chiếc quan tài đục từ thân cây gỗ được đặt trên các giá gỗ trong lòng hang động ở hang Lũng Mu là minh chứng thuyết phục, xác thực nhất về hình thức động táng. Ở nước ta, những chiếc quan tài độc mộc trong hang động Lũng Mu là phát hiện quy mô nhất về hình thức an táng này.
Theo đó, những mảnh xương chi, răng, sọ người, cùng một số đồ tùy táng trong hang hiện còn lưu giữ được cũng là những hiện vật, di vật rất quan trọng để các nhà khảo cổ học xác định niên đại, chủ nhân của các bộ quan tài cổ này trong tương lai.
Ông Lương Văn Tưởng - bí thư Huyện ủy Quan Hóa, cho biết: Di tích huyền quan táng này được xem là có số quan tài cổ nhiều nhất nước ta hiện nay. Hiện huyện đang triển khai các hạng mục, dự án, biến nơi đây thành khu du lịch sinh thái, văn hóa tâm linh hấp dẫn của Quan Hóa, để du khách trong, ngoài nước biết đến vùng đất Mường Ca Da đậm bản sắc văn hóa dân tộc Thái xứ Thanh.
Cách hang Lũng Mu vài trăm mét là hang Phi (Phi tiếng Thái nghĩa là ma). Hang Phi nằm giữa hai ngọn núi hùng vĩ Pha Phưng và Pha Hang. Không biết tự bao giờ con sông Luồng len lỏi qua núi đá để vụt biến thành một dòng sông lớn cùng sông Lò, sông Mã hòa vào làm một.
Do địa thế hiểm trở, chỉ có một con đường độc đạo đi qua nên về mặt quân sự có thể coi đây là "ải Chi Lăng" của miền tây xứ Thanh, rất tiện cho việc phục binh. Chưa tài liệu nào thống kê xem có bao nhiêu trận đánh đã diễn ra ở đất này nhưng bên triền núi hang hiện còn một nghĩa địa rất lớn, có cả ngàn ngôi mộ chưa xác định được chủ nhân.
Theo truyền thuyết của đồng bào địa phương, đây có thể là nơi chôn cất những binh sĩ do tướng quân Lê Sát và Khằm Ban lãnh đạo, đã tử trận từ thời quân Lam Sơn khởi nghĩa chống giặc Minh nên đồng bào nơi đây vẫn hương khói đều đặn. Năm 1946-1947, đoàn quân Tây Tiến cũng từng mai phục, tiêu diệt rất nhiều giặc Pháp tại đây.
Vùng đất nhiều huyền thoại
Có thể nói chính sự nguyên sơ, vạm vỡ, đầy chất nhân văn đã tạo nên một Mường Ca Da huyền thoại, làm nguồn cội nâng đỡ cho mảnh đất Quan Hóa bây giờ. Nhiều truyền thuyết cho rằng trước khi có Mường Ca Da, vùng đất Quan Hóa ngày nay đã có con người sinh sống yên vui, no ấm.
Huyền thoại kể rằng có một tạo Mường sinh được hai người con gái xinh đẹp, nết na. Hoàng tử con vua Nước xin cưới một nàng về làm vợ với lễ vật là đôi trâu sừng đồng và sừng sắt. Có đôi trâu quý, ông tạo trở nên giàu có, giàu tới mức ông phải hỏi thiên hạ xem có cách nào để mình nghèo đi. Trời bèn lấy lại Mường ấy và không còn tạo Mường nữa.
Một hôm, có một xác chết trôi từ mạn ngược mắc cạn vào bãi đất giữa sông Mã. Con quạ bay qua thấy người chết bèn sà xuống mổ bụng. Chẳng ngờ con quạ ấy vừa ăn cây thuốc hồi sinh trên ngọn núi thiêng ở Cửa Hà về, thuốc còn dính trên mỏ, vừa mổ vào người chết, người đó liền sống lại. Người đàn ông đó sinh sống trên vùng đất này, làm ăn giàu có, dựng lại một Mường lớn và làm tạo Mường.
Nhớ ơn con quạ đã cứu mình, ông tạo bèn đặt tên Mường là Mường Ca Da (quạ chữa thuốc). Mường Ca Da cùng với Mường Khoòng, Mường Đèng, Mường Chiềng Ván là một trong bốn Mường tiêu biểu cho không gian văn hóa của người Thái ở miền núi Thanh Hóa. Bãi đất nơi con quạ cứu người đến nay vẫn còn, tên bãi cũng được gọi là Ca Da.
Vị thủ lĩnh hiển hách nhất của Mường Ca Da mà sử sách ghi chép lại là tướng quân Khằm Ban - một vị tướng văn võ song toàn, lập nhiều chiến công lớn, được vua Lê Thái Tổ sắc phong làm thượng tướng quân thống lĩnh toàn bộ vùng biên giới tây bắc từ Thanh Hóa - Nghệ An đến Lào Cai bây giờ.
Ông ngược dòng sông Mã để tìm nơi đóng quân, nhưng đi nhiều vẫn chưa chọn được nơi ưng ý. Một đêm, đến ngã ba sông Mã hạ trại, ông mơ thấy rắn trắng quấn chặt người, cuồng phong vần vũ cho là điềm lành bèn định cư tại nơi này. Hiện nay, tại xã Hồi Xuân vẫn còn hai bản mang tên ông là bản Khằm, bản Ban và một tấm bia đá lớn ghi dấu công ơn của ông.
Ông Tưởng cho biết thêm dự án quy hoạch tổng thể nhằm bảo vệ, tôn tạo, khai thác tiềm năng du lịch sinh thái của quần thể hang động Lũng Mu và Mường Ca Da sẽ được triển khai làm nhiều đợt từ nay đến năm 2020. Tổng diện tích quy hoạch 828,5ha, thuộc vùng đệm của khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu và địa bàn của hai xã Nam Xuân, Hồi Xuân, cách thị trấn Quan Hóa 3,5km.
Các hạng mục đường giao thông, cầu treo, hệ thống thông tin liên lạc, nhà sàn mang đậm nét đặc trưng của đồng bào Thái Thanh Hóa, cửa hàng, khu vui chơi giải trí, khu dân cư… đã và đang được xây dựng.
Bên cạnh đó, một số di tích khác của huyện đang được tôn tạo như hang Co Luồng với động nhũ tự nhiên rất đẹp, hang Hun có dấu tích cư trú của người Việt cổ từ ngàn năm trước, hay đền thờ Ông, thờ Bà linh thiêng nằm đối diện nhau ở hai bên bờ sông Mã...
Bây giờ, đến với vùng cao Quan Hóa, du khách sẽ được ngồi bên ô cửa sổ nhà sàn, tay vít ống rượu cần, nghe tiếng khặp du dương của các chàng trai Thái; được ngắm những điệu múa uyển chuyển, mềm mại của các cô gái Thái...
Đặc biệt, bạn sẽ được đi thăm các cơ sở sản xuất thổ cẩm của bản Khằm, bản Ban và ngược núi Hang để đến với hang động Lũng Mu - nơi còn lưu giữ 74 bộ quan tài cổ đầy huyền bí, nguyên sơ của vùng đất Mường Ca Da đầy huyền thoại.
Theo DulichTuoitre
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét