Thứ Tư, 2 tháng 2, 2011

Tháp Vàng Phốc Lốc - Bình Định

Tháp Phốc Lốc được xây từ thế kỷ XII trên một đỉnh ngọn thổ sơn tròn trịa, không cây cối, ở giữa cánh đồng lúa mênh mông, một nửa thuộc Châu Thành (Phù Cát), một nửa thuộc Nhơn Thành (An Nhơn).

Các nhà nghiên cứu người Pháp gọi nó là Tour d'Or, tức tháp Vàng. Nhìn xa trông tháp có dáng vẻ của một người khổng lồ đang ngồi thiền, bốn mùa hắt bóng lên nền trời u tĩnh. Chính cái thế tĩnh tại đó khiến người trên đường thiên lý không thể điềm nhiên lướt qua, buộc người ta cứ ngoái nhìn suốt mấy dặm dài.

Tháp Vàng Phốc Lốc thân vuông, mỗi cạnh chừng mười mét, từ đế đến đỉnh cao ước 15 mét là chạm trời xanh. Cửa chính hướng về phía đông, vòm cửa cao khoảng 6m. Ngoài cửa chính, tháp có ba cửa giả chạm phù điêu trang trí.

Ba tầng cửa choãi bên dưới, càng lên trên càng thu lại, tạo thành một hình khối giống như 3 lưỡi mác nhọn xếp nối nhau vút lên sát diềm mái.



Ở đây, mắt ta dừng lại ở một bộ diềm đá để trơn không trang trí, được đỡ bởi các cột đá ốp xung quanh thân tháp. Thẳng và vững chãi, các cột đá này kiêu hãnh từ chối mọi sự trang trí để bắt lấy bộ diềm.

Phong cách kiêu bạt đạt đến cao trào, khi ánh mắt ta chợt bị hút vào mái tháp ba tầng phía trên.

Mái tháp là sự trình diễn ngoạn mục của nghệ thuật chạm khắc tinh xảo trên các mảng tường thu hẹp dần về phía đỉnh. Mỗi mặt có cửa giả vòm nhọn, bên trên đi hoa văn lá lật xoắn đối xứng cực đẹp.
Các hàng cột ốp dọc tầng mái không để trơn như các cột ốp thân bên dưới mà được chạm hoa văn xoắn kết dài, vừa khắc sâu ấn tượng tôn nghiêm, vừa tôn vinh những vẻ đẹp cao quý và chắt lọc. Có thể nói phần mái là hình ảnh thu nhỏ của tháp chính bên dưới, như một điệp khúc, nhưng là sự lặp lại tràn đầy tinh thần sáng tạo, không chỉ tạo nên sự thăng hoa về mỹ cảm, mà còn giúp ta cảm nhận được sự phần tâm linh sâu thẳm mà các nghệ nhân xưa đã gửi gắm trong từng công trình tín ngưỡng.

Ở một địa thế đặc biệt, vừa cách xa đường thiên lý vừa ở trên đỉnh đồi cao, trải khắp bốn bên là ruộng đồng làng mạc, tháp Phốc Lốc xác lập một thế giới an nhiên tự tại. Sự an nhiên ấy ta có thể cảm nhận khi lên đến nơi tháp đang ngồi, giây phút chạm tay vào thân tháp rêu phong, bỗng thấy mình đang ở rất gần mây trắng.

Theo báo Bình Định

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét