Thứ Ba, 22 tháng 2, 2011

Lên Tây Bắc thưởng thức... món lạ

Yếu tố sang trọng không phải là sự cuốn hút du khách vượt đường xa nghìn trùng từ thành phố phồn hoa lên Tây Bắc ngút ngàn hiểm trở. Du xuân lên non, về với bản làng đại ngàn trùng điệp, du khách thường hiếu kỳ thưởng thức món ăn khoái khẩu dân dã mà lắng đọng giá trị văn hoá dân tộc, hương vị đậm đà được truyền từ ngàn đời...

Ông Vì Văn Hặc, bản Mển, xã Thanh Nưa (tỉnh Điện Biên) kể rằng, người Thái thường thích sinh sống dọc các suối, ven cánh rừng, tựa lưng vào đồi. Gần gũi với thiên nhiên, xuất phát từ môi trường lao động, dân tộc Thái ưa cái hương vị đậm đà, giàu chất dinh dưỡng và ưa chuộng là món nướng. Món thịt trâu hoặc bò, cá, gà nướng được dân tộc Thái tẩm, ướp gia vị rất cầu kỳ. Gia vị ướp thịt là loại tiêu rừng “mắc khén” cùng với ớt, tỏi, gừng, muối... Trước khi đem ướp với thịt, các gia vị cũng được nướng lên cho chín, hương thơm.

Lên Tây Bắc, thưởng thức ẩm thực dân tộc chính là cảm nhận sự tinh tế, nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc. Chuyến du lịch lên non vào đầu xuân, để được ăn uống trên bản làng khí hậu trong lành, sặc sỡ sắc hoa, không khí đầm ấm; sự kết hợp văn hoá ẩm thực, giao lưu, thưởng thức văn nghệ truyền thống là chương trình du lịch trải nghiệm nét văn hoá vùng cao thật có ý nghĩa nhân văn, để cảm nhận sự tao nhã của nét độc đáo sinh hoạt của dân tộc thiểu số.

Theo kinh nghiệm của các nhà du lịch học, nếu muốn thưởng thức món ăn dân tộc, du khách nên đặt cơm trước với trưởng bản. Một số nơi, đồng bào tự cung tự cấp nguyên liệu như gà, cá, rau, gia vị... thì chỉ chừng hơn một tiếng đồng hồ là chủ và khách có thể nâng chén rượu để “au hảnh, hảo hán” (100%, chúc sưc khoẻ). Và rồi khách và chủ cùng chúc nhau mọi điều tốt lành, bắt tay nhau thật chặt, không khí đầm ấm.

Ăn món ngon của dân tộc Thái, ngồi trong nhà sàn là điều thú vị mà không phải ở đâu cũng có. Trong mâm cơm của người Thái có nhiều món ăn, mỗi món đều có hương vị đặc trưng, vừa đậm đà, vừa cay cay, vừa ngọt ngào chân chất. Đặc trưng nhất trong các món ăn của dân tộc Thái là món nướng. Món thịt nướng, gọi là “Lam nhọ”: lam là nướng, nhọ là nhừ. Các loại thịt gia súc, gia cầm, hay thuỷ sản đều có thể nướng. Thịt thái miếng, ướp gia vị, dùng xiên hoặc kẹp tre tươi đặt lên than hồng; hoặc thịt băm nhỏ, bóp nhuyễn với trứng, gói vào lá chuối hay lá dong, kẹp lại, nướng trên than đỏ hoặc vùi tro nóng; khi chín thịt rất thơm, ăn không ngán.

Món cá nướng hấp dẫn bởi hương thơm của cá, vị cay của ớt, vị nồng nàn của mắc khén. Món “Pỉnh tộp” cũng gọi là cá nướng, nhưng thường dùng bằng cá to như: chép, trôi, trắm... nhưng đặc trưng là mổ lưng, để ráo nước, xoa một lớp muối rang nổ; tẩm ớt tươi nướng, nghiền nát, mắc khén, để cá ngấm gia vị, cứng thịt lại rồi đặt lên than hồng. Cá chín có vị thơm hấp dẫn, dùng để uống rượu rất độc đáo.

Từ cá, người Thái còn chế biến ra nhiều món ăn khác nhau, đặc trưng và ngon: cá hấp, người Thái gọi là cá mọ. Món cá mọ được cắt miếng, tẩm gia vị, gói vào là dong, hấp trong chõ gỗ. Món “pa giảng” là cá hong khô. Do đặc thù vùng cao, người Thái thường để dành cá sấy trong bếp và hun khói. Khi có khách, nhà xa chợ, chưa làm kịp món ăn thì bỏ cá ra nướng và rót rượu mời khách nâng chen rượu nồng nhâm nhi.

Và khi chủ nhà tiếp khách, ở dưới bếp, người nhà tiếp tục chế biến món ăn, tiếp từng món lên mâm. Đây là cách giữ chân khách hiệu quả, thể hiện lòng hiếu khách của đồng bào vùng cao. Bên cạnh các món nướng, người Thái còn có tài chế biến gia vị để ăn với các món luộc, món xôi, hương vị đậm đà khó quên.

Lên Tây Bắc, du khách thưởng thức món gà “đi bộ” - gà do đồng bào vùng cao nuôi thả trên đồi, thịt rắn chắc. Gà luộc chấm với gia vị chẩm chéo rất thơm ngon, không ngấy, uống với rượu Mông Pê hoặc Lẩu sơ thì rất thú vị. Từ thịt các loại, gà, cá, người vùng cao còn có các món lạp, luộc, canh chua... với vị ngon đặc trưng.

Người Thái có câu “nương ngút tầm mắt, không bằng ruộng một thửa”. Dân tộc Thái có trình độ cao về thâm canh ruộng nước với kỹ thuật cày, bừa, chăm sóc lúa. Món cơm nếp, xôi nếp là sản phẩm lao động của đồng bào và là món ăn  truyền thống của dân tộc Thái. Độc đáo của món xôi là chín bằng hơi, mềm, dẻo nhưng không dính tay. Xôi được đựng vào “ép khẩu”, đồng bào thường mang đi làm nương, nhưng du khách có thể mang về thành phố làm quà. Giống như xôi, cơm nếp, cơm Lam là đặc sản của dân tộc Thái thường được sử dụng vào dịp lễ, tết hay đãi khách.

Mùa nào thứ nấy, người Thái đãi khách bằng sản vật, như: măng đắng, măng ngọt; rau cải ngồng, rau dớn... chấm với gia vị “chẩm chéo”, thơm của riềng, rau thơm các loại, sự đậm đà, vị cay của ớt, muối rang và “mắc khén”.

Đồng bào vùng cao sống giản dị, không mâm cao cỗ đầy, nhưng lễ nghi truyền thống, thể hiện sự tôn trọng khách. Món ăn chú trọng đến hương vị, ít quan tâm đến hoa mỹ, hình thức. Đồng bào coi việc ăn uống là dịp may để thể hiện văn hoá ứng xử, sự hiếu khách.

Đồng bào vùng cao, phong cách ăn uống khá bình đẳng, nhưng vẫn thể hiện nề nếp, gia phong. Việc sắp xếp vị trí, thứ bậc trong mâm cơm khi nhà có khách thể hiện sự tôn trọng quý khách. Du xuân lên Tây Bắc, tham quan di tích lịch sử, chiêm ngưỡng sự hùng vĩ của thiên nhiên, cảm nhận sự nồng nàn hơi ấm men rượu vùng cao, quây quần bên mâm cơm đầm ấm, nhấm nháp món ăn dân tộc để có dịp so sánh sự khác biệt thú vị với những nhà hàng chốn phồn hoa.
Theo PLXH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét