442 Chinh phục núi Chúa - Lạc lối giữa rừng đêm - Sa chân bẫy thú
Bắt đầu từ nỗi nhớ núi rừng sau hơn 1 tháng dài ăn Tết, Tù trưởng BM quyết định dắt 442 lên rừng...ngủ, điểm đến ban đầu là vườn quốc gia Bù Gia Mập...nhưng sau khi nhận được thông tin về..lâm tặc và nhiều thông tin...không có lợi tù trường bàn bac với anh em và quyết định chớp nhoáng "chinh phục núi Chúa". 21h00 18 thành viên nam phụ lão ấu tập trung tại bến xe Miền Đông trong tâm trang háo hức được đi thăm "khu du lịch" núi chúa mà không ngờ đến những khó khăn chông gai phía trước. Sau một đêm hành trình trên chuyến xe giường nằm Quê Hương 5h sáng đoàn có mặt tại bến xe Phan Rang để chuẩn bị tiến vào Vườn Quốc Gia núi Chúa.
Tichuot: Nhớ khi đọc bài của Linh Evil và các bạn trong topic:" 10 năm tìm vắt trên núi Chúa", lòng chúng tôi bồi hồi và cứ ngẫm nghĩ mãi vì cách hành văn, cách thể hiện những cung bậc cảm xúc của các bạn ấy. Núi Chúa, 1 cái tên mà chúng tôi đã lỗi hẹn rất nhiều lần, dự tính ban đầu sẽ là tháng 7/2009, rồi lại dời đến 2/9/2009, cứ thế mà cho đến ngày hôm nay, tôi mới giật mình tỉnh giấc khi mình đã chinh phục được ngọn núi chỉ cao vỏn vẹn 1039m mà thôi.
Kế hoạch trekking cho cung đường này chưa được 3 ngày thì chúng tôi đã lên đường, từ việc chuẩn bị lương thực, thực phẩm hay các công cụ, dụng cụ đều không chuẩn bị trước vì chúng tôi ai nấy đều bận rộn cho công việc cuối năm Tài chính. Không mở topic rủ rê, không 1 cú điện thoại, chỉ với ly cafe đen mà chúng tôi hình thành ý tưởng cho chuyến đi này cốt là để chia tay Dugiang trở về Cam làm nghĩa vụ.
Cứ tưởng là cung đường nhẹ nhàng, nên chúng tôi ngoài những thành viên cũ, còn có các thành viên mới tham gia, không những thế, đoàn chúng tôi còn có 1 bé bự trên 90 cân và 1 chú bé vừa tròn 12 tuổi, không cần test thể lực như các đoàn khác ( Mặc dù đợt này có Mr. Test tham gia), do đó chúng tôi đã không kịp trở tay trước những điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt dưới cái nắng trên 40 độ C giữa trưa hè oi bức của Phan Rang.
Một chuyến đi đầy ý nghĩa, nó đã đem lại cho chính bản thân tôi rất nhiều điều mà không có thể nào dùng tiền đánh đổi được, chỉ có những phút giây thật sự khó khăn, những giọt nước mắt của bạn đồng hành, những lời dạy của mẹ với con, hay những lời động viên nhau trong lúc không còn bước đi được nữa.....chỉ có chúng tôi nói chung và bản thân tôi nói riêng đã thay đổi nhiều quan điểm sống sau chuyến đi này.
Dugiang: Nếu lên google gõ "Vườn Quốc Gia Núi Chúa" thì các bạn sẽ có một kết quả hấp dẫn như sau:
Cách thị xã Phan Rang 20 km về phía bắc và giáp ranh với vịnh Cam Ranh, vườn quốc gia Núi Chúa có độ chênh gần 1.000 mét từ mặt biển đến đỉnh núi cao nhất. Núi Chúa, trung tâm của vườn quốc gia, có một núi Chúa Anh ở giữa và ba núi Chúa Em xung quanh. Đỉnh cao nhất là Chúa Anh, cách mặt biển 1.039,72 m. Do đó, nhiệt độ nơi đây thường thấp hơn ở bãi biển khoảng trên dưới 20 độ.
Điều kỳ thú đặc biệt là, trên những con đường đưa dẫn lên đỉnh núi, ta được chứng kiến 6 kiểu rừng. Từ kiểu rừng khô hạn cho đến kiểu rừng á nhiệt đới. Ở độ cao trên 800 m bắt đầu xuất hiện kiểu rừng lá kim với các loại như kim giao, hoàng đàn, thanh tùng, thông tre…
Với 24,5 km đường bờ biển, vườn quốc gia Núi Chúa có những bờ biển tuyệt đẹp. Bãi Bình Tiên là một trong số đó. Một dự án trị giá 530 tỉ đồng do công ty Mecco đầu tư sẽ biến những bờ cát trắng mịn với nước biển trong xanh giáp ranh với vịnh Cam Ranh này thành một điểm đến hấp dẫn.
Phía ngoài khơi của Núi Chúa là hòn Tý, nơi những ngư dân ở đây thỉnh thoảng thấy những con cá voi nặng hàng tấn và một vài gia đình cá heo nô đùa giỡn sóng...
Nghe hấp dẫn quá phải không mọi người. Chính vì thế gần 22 con người có cả cậu bé 12 tuổi và bà béo trăm ký hăm hở lên đường với mục đích: Chinh phục đỉnh núi Chúa Anh cao 1039m và ngâm mình trong vịnh Vĩnh Hy trong lịch trình kéo dài 2 ngày 1 đêm.
Nhưng! Phải có chữ nhưng thì mọi thứ kỳ thú nhất mới trở nên kỳ thú.
Mọi người dường như quên mất đoạn này: "Nếu Ninh Thuận lâu nay được cho là vùng khô hạn nhất nước thì vườn quốc gia Núi Chúa được xem như là vùng khô hạn nhất của Ninh Thuận. Một số nhà khoa học đã nghiên cứu và cho rằng những vùng rừng khô của Núi Chúa khô hạn không kém gì nhiều vùng của châu Phi. Khí hậu và môi trường hệt những vùng bán hoang mạc thường gặp ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha hay Algeria"
Kết hợp với:
Chỉ duy nhất một HDV là nhân viên của Rừng quốc gia thông thạo đường đi lên đỉnh. Không có trong tay bất cứ một bản đồ nào. Ba người dân tộc bản xứ tham gia vận chuyển lương thực cũng không biết đường rành rẽ.
Thế nên ta có:
- Hốc người, vặn cạn kiệt mồ hôi trong cái nóng gay gắt của hoang mạc. Đến nỗi da vẫn đang tiếp tục bỏng rộp và bong tróc từng mảng.
- Các móng chân bầm tím do mũi giày cứng cấn mạnh khi xuống núi.
- Độ cao 1039 nghe tưởng ngon ăn nhưng là độ cao thực sự vì xuất phát từ mặt biển.
- Bất kể lý do nào làm chậm đoàn cho dù mê mải chụp ảnh do cảnh vật thiên nhiên quá đẹp; dừng chân nghỉ do mệt rốc người vì nóng hay leo vượt con dốc cao gần 90 độ...đều dẫn đến vỡ lịch trình.
- Mò mẫm trong rừng rậm bằng kỹ năng và bản năng khi lạc rừng. Cắt xuyên rừng gai theo dấu chân của bọn bẫy thú.
- Bỏ mất ước mơ tắm suối hay tắm biển Vĩnh Hy. Leo lên xe trong bộ quần áo hôi mù và chân đất.
......................
Và ta được:
- Những bài học sâu sắc về cách con người đối xử với rừng và những độc đáo của từng loại rừng qua con mắt của một nhà khoa học đồng hành trên cả tuyệt vời.
- Lại một lần nữa cùng con trai vượt lên chính mình. Gieo được vào lòng con đam mê khám phá thiên nhiên và giúp con rèn luyện được thêm ý chí cùng khả năng chịu đựng. - Được chia sẻ cùng bạn bè những khoảng khắc ý nghĩa nhất của cuộc sống. Lại tiếp tục học mãi thêm nhiều bài học về tình người và đức hy sinh.
- Bổ sung thêm được nhiều kỹ năng bổ ích.
Mới có 9h mà cái nắng chói chan, nắng như rang, từng luồng hơi nóng táp vào mặt, ngột ngạt khó chịu thế mà 22 con người vẫn hồ hởi leo con dốc đầu tiên tiến vào chân núi trước con mắt ngạc nhiên của bà con dân tộc Rakley vì từ trước đến nay ngoài mấy ông Tây mang trang thiết bị lỉnh kỉnh leo núi để nghiên cứu thì đây là lần đầu tiên họ thấy một đoàn toàn Dziệt Nam mũi tẹt da vàng mà trang bị lỉnh ca lỉnh kỉnh cũng leo núi, đặc biệt có cả một bà giống du kích Taliban mang balo bộ đội và một thằng nhóc con non choẹt.
Vượt qua con dốc đầu tiên một hồ nước trong xanh hiện ra trước mặt, Hồ Thái An là hồ nước cung cấp nước cho toàn vùng trong quanh năm vì mùa mưa ở đây chỉ kéo dài có vài tháng. Mặc dù mọc cạnh hồ nước nhưng những loài cây xung quanh vẫn cằn cỗi giống như cây khô, một đặc trưng của những thực vật sống trong vùng khô hạn khắc nghiệt.
Ngay con đường dẫn xuống miệng đập là một hình ảnh khá quen thuộc đối với tôi, một thằng lớn lên từ mảnh đất Miền Trung nắng cháy nghèo nàn, đó là phân bò khô, một loại chất đốt cực kì tốt và thân thiên với môi trường, Bò ăn rơm, rạ, cỏ và thải ra phân với thành phần cũng tương tự, sau khi được phơi khô thì phân bò cháy đượm như than. Ngày xưa đi theo lũ bạn chăn bò, nhặt phân khô đốt, đào trộm vài củ khoai mì khoai lang vùi vào nướng thì ngon ôi thôi rồi luôn!!!
Quay lại với cái nắng, chỉ vượt qua một con dốc khá thoải với đoạn đường vài trăm mét mà mọi người đã thấm mệt vì nóng và mất nước một nhóm nhỏ phải dừng lại nghỉ chân để dần dần làm quen với thời tiết. Đây là nhóm dẫn đầu do anh Điệp, một kiểm lâm đẹp trai, phong độ, đã từng công tác trong ngành công an, từng thi đấu trong đội tuyển teakondo Vũng Tàu và là một nhà khoa học, một vận động viên lặn biển nghiệp dư nhưng đầy kinh nghiệm. Nhìn dang vẻ thư sinh, nhưng anh leo chuyến này cứ như đi dạo.
Còn tiếp...
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5
Theo forum Phuot.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét