Chủ Nhật, 5 tháng 12, 2010

Quần thể di tích danh thắng Hương Sơn - Hà Nội

Hương Sơn là một quần thể những danh lam thắng cảnh và di tích nằm trên một dải núi chạy từ núi Hoàng Con trong dãy Hoàng Liên Sơn, vượt qua sông Đà, núi Ba Vì, qua Chương Mỹ xuống mãi Nho Quan - Ninh Bình.

Trong cụm danh thắng Hương Sơn, bên cạnh các cảnh đẹp thiên tạo như suối Yến, động Hương Tích, động Tiên Sơn, động Tuyết Quynh, suối Giải Oan... còn rất nhiều các công trình kiến trúc nghệ thuật do bàn tay con người, qua các thời kỳ tạo nên, và đã trở thành những di tích lịch sử rất có giá trị như đền Trình, chùa Thiên Trù, đền Cửa Võng, Hương Sơn Tự...

Từ bến Đục của suối Yến, trước khi đến Thiên Trù, Hương Tích, du khách phải qua đền Trình - Ngũ Nhạc thắp nén nhang với ý nghĩa trình lên thần linh lòng thành lễ Phật. Trở ra, du khách lại tiếp tục cuộc hành trình cùng con đò đi vào bến Thiên Trù. Dọc theo dòng suối Yến, hàng ngày là con đường đi về của người dân trong vùng, nhưng khi đến mùa lễ hội, đây lại là một tuyến du lịch tuyệt vời.

Ngồi trên đò du khách được thả hồn vào phong cảnh thiên nhiên tuyệt vời sơn thuỷ hữu tình thoả sức ngắm những ngọn núi với những cái tên vô cùng dân dã như núi Con Voi, núi Lọng Cụp, rồi Mâm Xôi Con Gà, núi Đổi Chèo... Nhưng có lẽ thú vị nhất vẫn là được ngắm dòng suối trong có thể nhìn tới tận đáy với những vạt tóc tiên xanh mướt. Sau chừng độ non một giờ ngồi đò, du khách sẽ lên bến Thiên Trù bắt đầu lộ trình núi non trùng điệp. Từ bến Thiên Trù, có rất nhiều tuyến du lịch khác nhau như Thiên Trù - động Hương Tích, Thiên Trù - Hinh Bồng, Thiên Trù - Long Vân...

Tuy nhiên, tuyến mà nhiều khách du lịch thường đi và cũng là tuyến có nhiều cảnh quan kỳ thú nhất là bến Đục - Thiên Trù - Hương Tích. Theo tuyến này, du khách có thể lên thẳng động Hương Tích và chùa Hương Tích, sau đó quay ra đền Cửa Võng, chùa Giải Oan, động Tiên Sơn rồi động Đại Binh...

Kết thúc tuyến này, nếu còn thời gian du khách sẽ tiếp tục đi Hinh Bồng rồi sang Vân Long...

Bài học lịch sử của một chuyến đi.

Những chuyến đi đối với mỗi con người đều mang lại giá trị và ý nghĩa nhất định. Với người trẻ, khát vọng lên đường đều đáng biểu dương và trân trọng trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Có những chuyến đi để thực hiện lý tưởng nghề nghiệp, hoài bão công danh, có lúc đơn thuần đi chỉ để được hoà mình vào dòng chảy cuộc sống, khám phá ra giá trị đích thực của thiên nhiên và con người…
Một chuyến băng rừng, vượt núi về với thiên nhiên vùng Hương Sơn - Mỹ Đức - Hà Nội của nhóm chúng tôi cũng mở ra bao điều bất ngờ, không thể dự liệu trước. Một bài học lịch sử vỡ lòng đã phủ thêm vào kho kiến thức vốn chưa còn rất mỏng trong mỗi chúng tôi.

< Động Long Vân.

Lễ hội chùa Hương khai mạc được nửa tháng, chúng tôi mới quyết định cùng nhau hành hương về miền đất Phật này. Đơn giản bởi nhóm muốn tránh sự đông đúc chen chúc của những ngày đầu khai hội. Nhưng không ngờ ngay vừa đặt chân đến con đường dẫn vào suối Yên, nhóm đã bị một số tay cò đích thực bám đuổi quyết liệt. Để thoát khỏi sự theo bám bức xúc đó, chẳng ai bảo ai, cả nhóm phóng thẳng xe máy dọc theo suối Yến, rồi đi qua những con dốc ngoằn ngèo dưới chân núi để khám phá nơi hẻo lánh nhất vùng Hương Sơn. Đi được vài cây số thì đường đã hết, bởi hiện ra trước mắt chúng tôi là khu di tích chùa Long Vân án ngữ.

Một vùng cảnh sắc non tiên được hoà quện vào nét thiền tịnh của cõi Phật rất đậm nét. Chỉ cần một buổi bách bộ leo núi, lễ phật ở vùng núi này ta cũng cảm thấy lòng mình thanh tịnh, nhẹ nhõm biết bao. Nhưng hầu hết các đoàn du khách, hành hương về nơi hẻo lánh này chỉ cố leo đến chùa Hương Vân, chùa Cây Khế, động Tiên Tự…rồi vòng về. Họ, mà đặc biệt là những người trẻ có thừa sức khoẻ và lòng nhiệt tình đã bỏ qua một điểm nhấn lịch sử , văn hoá rất có ý nghĩa cuối vùng sơn cước này, đó chính là động Người Xưa.
Nhóm người trẻ chúng tôi đã quyết định phải băng qua những cánh rừng tre, trúc và đoạn đường dưới thung lũng để một lần tìm về di chỉ khảo cổ, nơi lưu dấu bằng chứng sự sống của người Việt cổ xưa.

< Đống vỏ ốc bên trong động Người Xưa.

Ông cụ Phạm Văn Toạ, 65 tuổi đã sống và làm công tác hướng dẫn di tích 20 năm ở đây là con người duy nhất mà chúng tôi gặp trong buổi sáng hôm đó. Vẫn điềm tĩnh như ngày nào, cụ Toạ bước từng bậc đá treo leo dẫn đoàn người lặng lẽ lên thăm động. Nhìn bước đi và nét mặt của người đưa đường ấy hiện lên bao nỗi buồn phiền của trần thế.
“Khu du tích này chẳng mấy ai biết tới các cháu ạ! họ chỉ đến chùa Hương và những cảnh đẹp bên ngoài kia thôi. Đặc biệt người ít tuổi như bọn cháu đi vào đây là cực hiếm. Có một số người đến thấy cảnh chẳng có gì đặc sắc, cũng không buồn leo mà công đức vài nghìn rồi quay về …”

Cụ đã tâm sự với chúng tôi trên hành trình leo núi những điều rất thật như thế. Khi cửa động đã hiện ra trước mắt, bất giác giọng cụ nghiêm trang, cất cao lời giới thiệu về di tích. Mỗi một câu từ, cử chỉ của cụ Toạ đều toát lên niềm tự hào khôn xiết về lịch sử, di chỉ khảo cổ này. Trong đó có những lời thơ ông Toạ đã cất lên thanh thoát hoà vào núi rừng hoang vắng:

“Mây vờn núi biếc thiên nhiên đẹp
Động cổ mãi còn dáng thanh cao
Nhũ đá tạo hình phong phú lạ
Vượn hót chim ca tiếng ngọt ngào
Thăm đây nhớ về tổ tiên trước
Quá khứ đi vào nỗi khát khao
Bao nhiều chuyện lạ đời mơ mộng
Tưởng niệm người xưa vẫn ngọt ngào”.

Qua những lời giới thiệu, vần thơ trong trẻo ấy, chúng tôi mới ngớ người nhận ra một điều rằng nơi đây chính là một trong những địa chỉ mà tổ tiên người Việt Cổ chúng ta đã từng cư trú. Trước đây, động Người Xưa vốn có tên gọi hang Sũng Sàm. Năm 1975 cố giáo sư sử học Trần Quốc Vượng và đoàn khảo cổ đã phát hiện ra di chỉ này với hàng trăm hiện vật đồ đá, chứng tỏ sự sống của loài người. Di chỉ có niên đại thuộc văn hoá khảo cổ học Hoà Bình cách đây từ 11365 đến 10770 năm trước.

Hang đá vắng lặng bóng người, hình hài cụ lão hướng dẫn viên ẩn mình trong những lùm cây rừng. Tất cả gợi lên trong tâm hồn chúng tôi bao cảm giác về một miền đất quá khứ xa xăm, hoài cổ. Trong những phút dây lắng lòng đó, chúng tôi cũng không nguôi trăn trở trước thực tại người trẻ đang lãng quên và quay lưng với quá khứ, với cội nguồn dân tộc một cách phũ phàng. Chúng ta dường như vẫy chỉ làm công tác giáo dục lịch sử cho lớp trẻ theo cách chiếu lệ qua sách vở và vài cuộc vận động hướng về cội nguồn rất gượng ép, hình thức.

< Di chỉ hóa thạch mang hình người cổ xưa trong động Người Xưa.

Ngay trong chính chúng tôi cũng tự trách bản thân mình, bởi khi động chạm đến một di chỉ khảo cổ có giá trị lịch sử đó ai cũng tỏ ra ngơ ngác, bất ngờ. Bài học lịch sử của qua chuyến sự khám phá vùng đất phật Hương Sơn có phần ngẫu nhiên ấy lại trở thành điều ý nghĩa nhất, giá trị nhân văn to lớn nhất của chuyến đi. Dù không tham quan, lễ Phật được những điểm di tích nổi tiếng lâu nay của Hương Sơn, nhưng đổi lại ai trong đoàn người trẻ chúng tôi cũng hài lòng về những cái mà mình đã khám phá ra, những cái nằm ngoài miền kiến thức vốn có trong đầu.

Ngay buổi tối hôm ấy, sau một ngày đi bộ vượt rừng núi mệt nhoài tôi vẫn phải tra ngay trên google toàn bộ những tài liệu nói về động Người Xưa mà hôm nay mình đã gặp ở Hương Sơn. Sự thực là rất ít người biết đến khu động cổ này, có chăng chúng ta chỉ quen nói đến động Người Xưa trong khu rừng Cúc Phương-Ninh Bình.. Sau chuyến đi đó, tôi mới thực sự hiểu được ý nghĩa đích thực của cuộc hành trình đi đến những còn đường, vùng đất mà chưa có ai hoặc còn ít người đã đi tới.

Tổng hợp từ DuLichVn, Thể thao & Văn hoá Hàng ngày

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét