Thứ Bảy, 18 tháng 12, 2010

Lên đỉnh Cô Tô

Đến vùng Thất Sơn, sau khi tham quan những thắng cảnh, di tích nổi tiếng như Núi Cấm, Núi Két Anh Vũ Sơn, đồi Tức Dụp, chùa Vạn Linh, điện Bồ Hong..., du khách nên thực hiện chuyến du hành chinh phục đỉnh Phụng Hoàng Sơn kỳ vĩ với nhiều huyền thoại.

Phụng Hoàng Sơn là tên chữ của núi Cô Tô (hay núi Tô), cao 614 mét, là một ngọn núi đẹp nằm trong cụm Thất Sơn (Bảy Núi) thuộc địa bàn xã Núi Tô, huyện Tri Tôn (An Giang).

Từ thị trấn Tri Tôn đến hồ Soài So dưới chân núi Tô chừng 4 cây số. Sang thu, gió mùa tây nam mang đến cho miền núi Thất Sơn những cơn mưa rào mát mẻ. Sau một mùa nắng hạn gay gắt hồ Soài So đang được nạo vét, gia cố và đã dần có nước trở lại.

Để chuẩn bị cho chuyến du khảo lên đỉnh Cô Tô, bạn nên trang bị gọn nhẹ với giày vải, áo gió và ba lô đựng những vật dụng cá nhân cần thiết để nghỉ đêm trên núi như mùng, tấm trải, võng, đèn pin, bật lửa, dao xếp, thực phẩm và nên có túi thuốc y tế dự phòng… Trong nhóm, nên có người mang bếp gas du lịch và soong, chảo nhỏ để nấu ăn buổi chiều.

Du khách gởi ô tô hoặc xe máy ở khu bảo vệ để bắt đầu lên núi. Nếu có sức cuốc bộ một mạch, độ chừng một tiếng rưỡi đồng hồ sẽ tới đỉnh. Nếu vừa đi vừa ngắm cảnh, chụp hình, nghỉ chân dọc đường, thời gian có thể kéo dài đến trên dưới ba tiếng. Bạn nên xuất phát lên núi vào khoảng 9 giờ sáng. Lúc ấy sương tan, có thể thưởng ngoạn được toàn cảnh quan chung quanh núi Cô Tô.

Mấy năm trước đây, muốn lên núi du khách phải đi theo những lối mòn nhỏ, dốc đá cheo leo, chen lách, vất vả lắm mới lên tới đỉnh núi. Len lỏi qua những rừng xoài, bạch đàn, lên cao chút nữa là rừng cây bụi xen với rừng rậm hoang dã chập chùng. Đường lên đỉnh Cô Tô ngày nay đã khá thông thoáng dù vẫn còn đi theo những bậc đá ngoằn ngoèo, quanh co theo triền núi.

Hai bên đường lên đỉnh Cô Tô, ngoài những khu rừng tạp và rừng phòng hộ còn có những vườn xoài, mít và các loại cây ăn trái khác, những nương rẫy trồng su su, bầu bí, rau đậu... Thấp thoáng có một vài ngôi nhà nhỏ chìm khuất giữa màu xanh ngút ngàn của núi rừng hoang sơ, yên tĩnh.

Nếu đi từ 9 giờ, lối giữa trưa ta sẽ đến điện Năm Căn và dừng chân xả hơi ở đây một đỗi. Điện Năm Căn là một ngôi điện nhỏ nằm khuất mình dưới những “vồ đá” to và những bóng cây cổ thụ thâm u, cao vút. Theo dân gian địa phương, xưa kia, chỗ nầy là nơi nghỉ chân của những “ông Hổ”, ấy là cách gọi thành kính của nhân dân trong vùng đối với những “chúa tể sơn lâm”! Từ điện Năm Căn đi lên khoảng trên trăm bậc đá sẽ gặp miếu Bà Cố rồi tiếp đến Vồ Hội...

Khi hoàng hôn dần buông xuống trên đỉnh Cô Tô, du khách nếu ở đêm sẽ tìm chỗ “hạ trại”. Những khách hành hương không ở qua đêm sẽ xuống núi, dù có mệt mỏi với con đường sơn khê khá hiểm trở nhưng gương mặt của mỗi người vẫn thể hiện sự thành tâm và hưng phấn khi đã đến được chốn “bồng lai tiên cảnh”, thoả mãn được nhu cầu văn hoá tâm linh!

Trên đỉnh núi có một di tích huyền thoại nổi tiếng gọi là Sân Tiên. Nơi đây có in dấu một bàn chân tiên lớn trên một phiến đá trông khá rõ. Vồ Hội, Sân Tiên là địa điểm thích hợp cho những ai muốn tìm đến nơi thanh vắng để cảm nhận cho mình sự bình yên và thanh thản. Giữa mênh mông, hoang vắng của núi rừng có một ngôi nhà nghỉ nhỏ, dành cho khách thập phương lưu trú qua đêm tránh mưa gió, bão bùng.

Những đêm trăng thanh gió mát đứng ở Vồ Hội, Sân Tiên du khách sẽ nhìn thấy được hình ảnh tuyệt vời của ánh trăng treo trên đầu núi, hít thở không khí tinh khiết, trong lành. Khi vào giữa mùa mưa, đến Cô Tô, ta sẽ có dịp ngắm nhìn vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của hai con suối Ô Thum và Ô Sora So như hai dải lụa trắng lượn lờ qua các vồ đá cheo leo rồi tuôn chảy vào hồ Soài So, đẹp như một bức tranh thuỷ mạc.

Đêm về trên đỉnh Cô Tô, du khách quây quần bên bếp lửa nhâm nhi chén trà hoặc lai rai chút rượu. Thường lúc khuya dần về sáng, trên đỉnh Cô Tô gió thổi vu vu qua các vồ đá cheo leo, chớn chở. Mây và sương luồn vào nhà trắng như bông. Du khách có cảm giác như mình đang trôi bềnh bồng trên đỉnh non ngàn với những vì sao như gần hơn!

Nếu có duyên gặp gỡ, bạn sẽ được nghe các vị sư huynh tu trên núi kể chuyện xưa ở vùng Thất Sơn kỳ bí, thủa mà nơi đây còn là vùng hoang địa với hùm beo, mãng xà... Chuyện những người đi tìm kho báu trong rừng sâu, núi thẳm biến thành “xà niêng”, chuyện các vị đạo sĩ trên núi chém rắn hổ mây, thu phục mãnh thú…

Buổi sáng, khi sương khói đã tan trên đỉnh Cô Tô, du khách có thể quan sát, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cụm núi Dài, núi Voi, Núi Cấm ở phía bắc, núi Tà Lơn ở phía tây, đồng bằng tứ giác Long Xuyên ở phía đông nam và thị trấn Tri Tôn nhà cửa lô nhô, san sát thấy như cận bên chân núi.

Trở xuống núi sau một đêm ngủ trên đỉnh Cô Tô, bạn sẽ cảm nhận sự khoái hoạt lạ thường và thấy lòng tự tin. Xuống đến chân núi, bạn hãy ngồi thư giãn bên hồ Soài So thơ mộng, đây là một hồ nước ngọt nhân tạo do người ta đắp đập chận dòng chảy của suối Vàng, suối Bạc, phục vụ tưới tiêu cho hàng ngàn héc ta đất quanh khu vực núi Cô Tô trong mùa khô hạn. Hồ Soài So cũng là một thắng cảnh nổi tiếng của vùng Bảy Núi bởi yếu tố “sơn” và “thủy” tạo nên “non nước Cô Tô” hữu tình đã làm xúc cảm, gây dấu ấn trong lòng người bản xứ và khách bốn phương.

Theo TBKTSG

Các công ty lữ hành của Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Kiên Giang thường có tour theo lộ trình sau: TPHCM - Cần Thơ - An Giang – Kiên Giang, hoặc Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang và ngược lại. Trong các tour ấy thường có ghé Soài So, Tức Dụp.
Bạn cũng có thể tổ chức du lịch “bụi” theo nhóm bằng xe máy. Hầu hết đường sá ở vùng đồng bằng ngày nay đã tốt, thông thoáng, dễ đi. Núi Cô Tô cách TPHCM 275km, cách Cần Thơ 115km và cách Rạch Giá 95km.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét