Thứ Ba, 28 tháng 12, 2010

Chùa người Hoa tại thành phố Hồ Chí Minh

Nhắc đến người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh người ta thường nghĩ ngay đến khu buôn bán sầm uất ở chợ Lớn, những lễ hội, phong tục tập quán đặc sắc, chùa miếu với kiến trúc độc đáo mang đậm nét văn hóa.

Trải qua nhiều thế kỷ, ngày nay ở thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn hiện diện nhiều chùa miếu của người Hoa: chùa Bà Thiên Hậu, miếu Nhị Phủ, hội quán Hà Chương, hội quán Ôn Lăng, đình Minh Hương Gia Thạnh….

Những ngôi chùa miếu này là nơi tôn thờ tín ngưỡng, tổ chức các lễ hội, lễ nghi của người Hoa tại thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, chùa Bà Thiên Hậu, miếu Nhị Phủ là một trong những điểm du lịch hấp dẫn  của Sài Gòn thu hút  nhiều du khách nước ngoài đến tham quan và tìm hiểu.

Chùa Bà Thiên Hậu

Chùa Bà Thiên Hậu (chùa bà Chợ Lớn) theo cách gọi của người Việt, còn người Hoa gọi là Phò Miếu (tức là miếu Đức Bà) là một trong những ngôi chùa cổ nhất của người Hoa gốc Việt tại thành phố Hồ Chí Minh.

Chùa được khởi công xây dựng năm 1760. Trải qua nhiều lần trùng tu lớn nhỏ tốn kém nhiều tiền của, công sức và thời gian, ngày nay ngôi chùa trở nên tráng lệ, uy nghi với  nhiều nét kiến trúc độc đáo mang đậm văn hóa phong tục tập quán của người Hoa. Vị trí  ngôi chùa được xây dựng nằm ở khu trung tâm người Hoa tại Sài Gòn thời bấy giờ. Ngày nay chùa tọa lạc tại số 710 đường Nguyễn Trãi, Q.5, Tp. Hồ Chí Minh.

Chùa thờ bà Thiên Hậu hay còn gọi là Ma Tổ, Mẫu Tổ là chính, bà được xem như là một vị thần vị thần bảo trợ của ngư phủ và người đi biển được tôn kính đặc biệt trong tín ngưỡng của người Trung Hoa và người Việt gốc Hoa. Trong Phật giáo và Đạo giáo ở các quốc gia Đông Á nhất là Đài Loan cũng tôn thờ Bà như một vị Thánh .

Ngôi chùa được xây dựng theo kiến trúc đặc trưng của người Trung Hoa. Trên mái mặt trước của ngôi chùa có những phù điêu bằng gốm sứ biểu tượng nét văn hóa, tín ngưỡng của người Hoa như: Lưỡng Long tranh Châu, sự tích cá chép hóa rồng, và các phù điêu thể hiện phong tục tập quán của người Trung Hoa.
Ngôi chùa có tổng cộng bốn dãy nhà liên tiếp nhau. Ba dãy cuối  được gọi là Tiền điện, Trung điện, Hậu điện. Cách biệt giữa các dãy nhà là Thiên Tĩnh hay còn gọi là Giếng trời. Theo kiến trúc của người Hoa thì Giếng trời có chức năng tạo cho không gian của căn nhà  luôn thoáng mát và tạo ra  ánh sáng tự nhiên cho ngôi nhà. Đối với ngôi chùa thì Giếng trời còn có tác dụng làm cho khói nhang luôn được thông thoáng tránh  xảy ra hỏa hoạn.

Tiền điện thờ Phúc Đức Chánh thần (bên phải) và Môn Quan Vương Tả (bên trái). Tại Tiền Điện có bia đá ghi lại truyền thuyết về bà Thiên Hậu và nhiều bức tranh vẽ cảnh bà đang hiển linh trên sóng nước biển. Trung Điện đặt bộ lư có năm món gọi là ngũ sự được đúc vào năm 1886. Chính điện hay là Thiên Hậu Cung nơi thờ Thánh Mẫu Thiên Hậu ở giữa, hai bên thờ bà kim Hoa Nương Nương (bên phải) và bà Long Mẫu Nương Nương (bên trái). Tượng Bà được tạc từ chất liệu là một khối gỗ cao khoảng 1m. Tượng Bà có trước khi ngôi chùa được xây lên. Trước đây tượng được thờ ở Biên Hòa sau khi chùa được xây xong thì mới dời về đây. Trong chùa còn có nhiều cổ vật quý được đúc tạc rất công phu và điêu luyện của các nghệ nhân người Hoa.

Lễ hội vía Bà được diễn ra vào ngay 23 tháng 3 âm lịch. Ngày này được xem như là ngày hội lớn của người Việt gốc Hoa tại thành phố Hồ Chí Minh. Thánh Mẫu Thiên Hậu rất linh thiêng đã phù hộ nhiều người tai qua nạn khỏi, nên được nhiều người Việt gốc Hoa cũng như người Việt bây giờ tôn thờ Bà. Vì vậy Chùa Thiên Hậu chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của người Hoa.
Mỗi ngày, chùa đón  hàng trăm người Hoa, Việt và du khách nước ngoài đến chùa tham quan, cúng vái  Thánh Mẫu Thiên Hậu cầu mong cho mọi chuyện như ý, công việc kinh doanh thuận lợi, sức khỏe bình an…. Ngoài ra còn có nhiều bạn trẻ đến đây để cầu duyên.

Miếu Nhị Phủ

Khi đến khu vực chợ Lớn, du khách sẽ nghe người Hoa nhắc nhiều đến chùa Ông Bổn (một tên gọi khác của miếu Nhị Phủ). Theo tín ngưỡng của người Hoa,  Ông Bổn là một vị thần bảo vệ đất đai và con người. Ông chính là Châu Đạt Quan, một viên quan của triều đình Trung Hoa đời nhà Nguyên, thế kỷ thứ XIII. Trong hầu hết các miếu chùa của người Hoa đều thờ chính là bà Thiên Hậu Thánh Mẫu, Quan Đế  nhưng miếu Nhị Phủ là nơi duy nhất thờ chính Bổn Đầu Công (vì vậy có tên là chùa Ông Bổn). Đây chính là điều khác biệt lớn nhất của ngôi miếu này so với các ngôi miếu chùa khác của người Việt gốc Hoa ở Sài Gòn.

Vào cuối thế kỷ 17, khi nhiều người Hoa hai phủ Tuyền Châu và Chương Châu thuộc tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc vào vùng đất Đề Ngạn (ngày nay là khu vực Chợ Lớn) để mưu sinh, lập nghiệp đã xây dựng ngôi miếu này để thờ cúng, giữ gìn phong tục tập quán, nơi gặp gỡ giao lưu đồng hương. Vì vậy,trước đó miếu có tên là Hội Quán Nhị Phủ (sau này gọi là miếu Nhị Phủ).
Chùa Ông Bổn mặc dù trải qua nhiều lần đại tu nhưng vẫn giữ lại được nét cổ kính, kiến trúc trang trí truyền thống của người Hoa gốc Phúc Kiến.

Miếu Nhị Phủ tọa lạc tại  số 264 đường Hải Thượng Lãn Ông, Quận 5, thành phố Hồ Chí Minh trên diện tích rộng khoảng 2,5ha. Nhưng phần sân của ngôi miếu chiếm gần một nửa diện tích, phần còn lại là Điện thờ và phòng làm việc của Hội Quán. Theo lối kiến trúc đặc trưng của người Trung Hoa, miếu Nhị Phủ được xây dựng hình chữ khẩu gồm bốn dãy nhà liên tiếp nhau và liên kết giữa các dãy nhà là Giếng Trời. Nổi bật kiến trúc của miếu Nhị Phủ là mái nhà cong chồng chéo lên nhau, một mái cong khá độc đáo so với các đền, miếu, chùa ở Việt Nam. Mái có hình thuyền và được trang trí phù điêu rồng, cá chép bằng những mảnh sành sứ gép lại rất đặc sắc, công phu. Trên các bức tường của miếu đều trạm trổ những hình ảnh về phong tục tập quán,văn hóa của người Hoa gốc Phúc Kiến. Miếu Nhị Phủ là một công trình kiến trúc đặc sắc, độc đáo của người Hoa gốc Phúc Kiến với sự kết hợp nghệ thuật điêu khắc gỗ, gốm sứ và đá.

Miếu Nhị Phủ thờ chính là Ông Bổn. Phần chính điện, bàn thờ phúc đức chính thần chiếm vị trí trung tâm với trang thờ nguy nga, lộng lẫy, tráng lệ. Bao lam điện thờ được sơn son thiếp vàng, chạm khắc rồng, phượng… Điện thờ phúc đức chính thần có tượng ông Bổn bằng gỗ cao khoảng 1,5m. Tượng ông Bổn thể hiện một ông già khuôn mặt quắc thước, khoan hòa với chòm râu bạc trắng buông dài, dáng ngồi thoải mái, một tay gác lên tay ngai, một tay vừa mới vuốt chòm râu. Những nếp áo tượng buông chùng trong dáng nghĩ ngợi suy tư. Bên dưới tượng ông Bổn là hai tượng nhỏ khác như hai đồng tử đang đứng chờ được sai bảo. Ở miếu Nhị Phủ còn thờ các vị thần khác như Quan Công, Quan Thế Âm Bồ Tát, chúa Sanh Nương Nương, Hoa Phấn phu nhân.

Chùa Ông Bổn có nhiều ngày lễ lớn nhưng đặc biệt vào hai ngày lễ chính: ngày rằm tháng Giêng và rằm tháng Tám theo nhũng người đứng đầu trong hội quán cho rằng đây là hai ngày sinh và mất của Ông Bổn. Vào những ngày lễ hội này  tại chùa diễn ra nhiều hoạt động văn hóa của người Hoa: múa lân, múa rồng, biểu diễn võ thuật… Vào Rằm tháng Giêng một số bà con người Hoa đến lễ chùa và xin vay mượn tiền của các vị thần thánh trong chùa như Ông Bổn, Quan Công để làm ăn buôn bán.
Năm 1998, Miếu Nhị Phủ đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là một Di tích Văn hóa Lịch sử cấp quốc gia Việt Nam.

VnMedia

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét