Đây là một trong những ngôi chùa hình thành sớm vào hàng đầu ở Nam bộ (ở nửa sau TK XVll) với những công trình kiến trúc Phật giáo độc đáo, vẻ đẹp yên bình, thoáng đãng của chùa thu hút nhiều khách thập phương đến viếng thăm.
Ngọn núi Châu Thới cao khoảng 85m, gồm 220 bậc thang lên núi (các bậc này do chư tăng ở chùa xây đắp bằng xi măng vào năm 1971) - Cổng chùa bằng đá dưới chân núi có đề tên chùa bằng chữ Hán ''Châu Thới Sơn Tự'. Cho đến nay, tuổi của chùa Châu Thới vẫn chưa xác định rõ ràng.
< Lối lên chùa.
Giữa chùa có một tấm biển đề “Tân Dậu niên, chánh ngoạt sơ kiến nhật” (ngày tốt đầu tháng Giêng năm Tân Dậu), bên dưới ghi 1612, như vậy có thể hiểu chùa được xây vào năm 1612. Nhưng thượng tọa Thích Huệ Thông cho rằng lấy năm Tân Dậu (1681) là năm dựng chùa thì hợp lí hơn, vì năm 1612 là năm Nhâm Tý.
< Một góc chùa Châu Thới.
< Đại hồng chung nặng 5 tấn.
Chùa Châu Thới hiện đang giữ gìn nhiều tượng và chuông có giá trị văn hoá và lịch sử. Chùa có bộ tượng đồng nơi chánh điện, có 2 bộ tượng cổ là Thập bát La Hán và Thập điện Diêm Vương bằng đất nung, 3 pho tượng đá từ thế kỷ 18, 1 tượng Quan Âm bằng gỗ mít hàng trăm tuổi…
Vào năm 1988, chùa đúc một đại hồng chung theo mẫu chùa Thiên Mụ (Huế), nặng 1,5 tấn, cao 2m. Năm 2003, một chiếc đại hồng chung bằng đồng được đúc ngay tại chùa với trọng lượng khoảng 5 tấn. Ngoài ra, chùa còn có một tượng Quan Âm Bồ Tát lộ thiên cao 22,5 m, nặng trên 100 tấn, được xem là pho tượng cao nhất của tỉnh Bình Dương.
< Tượng Quan Âm Bồ Tát cao 22,5m
.Ngoài yếu tố tâm linh, chùa Châu Thới còn thu hút du khách nhờ không khí mát mẻ trên núi, bằng phong cảnh hữu tình và yên tĩnh với những hàng cây trăm năm tuổi.
Đứng trên đỉnh núi, phóng tầm mắt xa xa sẽ thấy thấp thoáng cảnh TP.HCM, TP Biên Hoà, thị xã Thủ Dầu Một và dòng sông Đồng Nai quanh co uốn khúc…
Theo PNTPHCM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét