Quỳnh Phương (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) được biết đến là nơi có lễ hội Đền Cờn độc đáo của ngư dân miền biển. Về Quỳnh Phương tham dự lễ hội Đền Cờn du khách còn có cơ hội khám phá vẻ đẹp hùng vĩ mà thơ mộng của bãi đá nơi đầu sóng này.
< Đứng trên tảng đá cao nhất phóng tầm mắt ra xa thấy choáng ngợp bởi vẻ đẹp của trời biển giao hòa.
Ưu thế biển bao quanh tạo cho Quỳnh Phương tiềm năng lớn về du lịch biển và ven biển với những bãi cát dài tương đối bằng phẳng, địa hình có sự kết hợp giữa núi, biển, sông, lạch… Ngôi Đền Cờn mới được trùng tu sừng sững đón gió biển, che chở cho những chiếc thuyền khơi xa lắm tôm nhiều cá, cho những người con xứ biển chân cứng đá mềm trở về bình an.
Đặc biệt, du khách khi đến với Quỳnh Phương không thể bỏ qua bãi đá dài hơn 1km. Bãi đá Quyết Tiến là một “kỳ quan” thiên tạo với những khối đá khổng lồ xếp chồng lên nhau.
< Những “giếng nước” trong vắt ẩn mình trong tầng tầng lớp lớp đá bao quanh.
Du khách sẽ được tận hưởng một chuyến du ngoạn kỳ thú với việc khám phá những tảng đá đủ hình dáng, những “giếng nước” trong vắt lẫn trong tầng tầng lớp lớp đá dựng quanh và chiêm ngưỡng dấu chân khổng lồ in trên tảng đá cao nhất của bãi đá này.
< Những hòn đá với hình thù ngộ nghĩnh.
Theo truyền thuyết, với tham vọng nối liền Quỳnh Lập và Quỳnh Phương, một vị thần đã quyết định gánh đất từ một hòn núi cao nhất của Quỳnh Lập sang núi Thằn Lằn (Quỳnh Phương).
Điều đặc biệt là thần dùng chính sợi tóc của mình để gánh đất. Công việc mới chỉ mới được bắt đầu, thần mới chỉ rải đá làm chỗ đặt chân làm cầu nối giữa hai bờ biển (chính là bãi đá Quyết Tiến ngày nay) thì xảy ra sự cố.
< Một góc bãi đã Quyết Tiến.
Khi gánh đất của thần chỉ cách núi Thằn Lằn vài chục mét. Cố dướn bước chân gần hơn về phía núi, nhưng ngọn tóc bị đứt khiến thần lỡ chớn, bàn chân phải của thần tì mạnh hằn vào tảng đá cao nhất. Gánh đứt, thần bỏ luôn “mộng” lấp đất nối liền hai bờ biển và bỏ đi đến một phương nào không ai rõ. “Chiến tích” ngày xưa bây giờ chỉ còn bãi đá Quyết Tiến, núi Thằn Lằn và dấu chân khổng lồ lưu trên đá.
< Dấu chân khổng lồ của khát vọng dời non lấp bể còn sót lại.
Trải qua nhiều biến thiên của cuộc sống, với sự bào mòn khốc liệt của thời gian, của sóng và gió biển, dấu chân của thần không còn đậm nét như thủa nào. Vượt qua bãi đá, nếu không phải là người can đảm du khách sẽ khó mà trèo lên tảng đá cao nhất để chiêm ngưỡng dấu chân của thần. Đứng trên cao, xung quanh là gió biển lồng lộng du khách sẽ thấy choáng ngợp bởi không gian bao la, xanh thẳm của trời và biển, của bãi đá ngút mắt.
< Chuẩn bị cho bữa hàu nướng thơm phức...
< Những nụ cười hồn hậu của người dân miền biển như níu chân du khách…
Dấu chân đã mòn vẹt nhưng vẫn mang hình thù xưa cũ, vẫn năm ngón tõe ra như chân người Giao Chỉ, in sâu vào đá chừng 3cm, chiếc gót đặt trượt vào tảng đá phía sau nông hơn phía mũi chân. Khám phá bãi đá Quyết Tiến với dấu chân khổng lồ, du khách sẽ được thưởng thức một bữa hàu nướng thơm phức, béo ngậy tại chỗ bởi bãi đá Quyết Tiến còn là nơi trú ngụ của hàng vạn con hàu.
Hãy một lần đến và khám phá bãi đá Quyết Tiến nơi đầu sóng ngọn gió. Khám phá vùng đất nơi trời biển giao hòa với vị mặn mòi của nước, mùi thơm phức của hải sản nướng, với nụ cười thân thiện, chân chất của người dân miền biển xứ Nghệ quê tôi.
Theo Dân Trí
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét