Sau khi đã ổn định chổ ở tại Phương Yến, tụi này bắt đầu khám phá thế giới xung quanh bằng việc tấp vào hàng bún giò, cà phê lề đường ngay trước nhà nghỉ. Chỉ qua dăm ba câu chuyện, bổng chốc khách du lịch phương xa tụi tôi trở thành như người quen ngay.
Ly cà phê có giá 5K, cũng y như những vùng đất từ Bình Thuận trở ra: phê đen là phê đá, phê sữa là phê sữa đá - dù trời lạnh buốt nhưng bao giờ cũng có ly đá kèm theo, bạn muốn uống nóng cũng được, ly đá cứ chế trà vào, thơm ngát. Còn tô bún giò thì 15K với một hai miếng giò heo to chà bá, ăn xong no tới trưa.
Giọng người Phú Yên đã có âm sắc Bình Định, xứ Quảng nghe hay hay - nếu không nói quá nhanh thì người miền Nam hiểu liền.
Khu vực tụi này ở trọ có rất nhiều nhà nuôi chim yến, nghành nghề này đem lại thu nhập khá lớn hàng năm từ tổ yến sào. Khi ở đây, bạn cứ nhìn chung quanh thấy nhà nào có tầng trên bít bùng, các vách có những lỗ tròn nho nhỏ là nơi nuôi yến - tiếng chim kêu ríu rít cả ngày thật vui tai.
Sau khi xây dựng hoặc cải tạo nơi trú ngụ cho chim yến, người ta mở máy phát gọi chim vào, đặt sẳn thức ăn chúng thích và kiên trì chờ đợi, có thể đến một vài mùa. Chim yến thấy an toàn, nơi sống tốt thì sẽ rủ nhau đến và tặng lại cho con người sản vật quý giá từ thiên nhiên là tổ yến.
Tuy hòa nhiều xe gắn máy nên các cửa hàng Head Honda khá nhiều, Ngay nơi bọn này trú ngụ tại đường Ngô Quyền này, đầu ngõ là Honda head Dũng Tiến với dịch vụ bán xe mới, bảo trì... tấp nập ngày đêm. Nhờ cái chỗ này mà hôm sau xuống sức - đạp máy Win không nổi, mình nhờ các anh bảo trì tại đây canh xăng cho dể khởi động và đạp máy giúp - thật là xi cà que!
Chợ Tuy Hòa với lối kiến trúc mặt tiền rất đẹp nằm xéo bên kia đường, phía trong buôn bán sầm uất. Giá cả tương tự như Saigòn nhưng dĩ nhiên là mặt hàng hải sản thì tươi rói, các loại cá lóng lánh làm mê hoặc các bà nội trợ.
Chợ rộng rãi, phía phải còn có siêu thị Coopmart Tuy Hòa khang trang tấp nập, cạnh tranh nhau nên chợ không có nạn nói thách, giá cả mềm mại.
Giá tô bún cá tại đây 10K, bún giò 15K, bánh tiêu giòn rụm chỉ 1K/cái. Thứ bánh gì đó cuốn lá chuối dài dài cũng 1,5K, ăn lạt lạt deo dẻo hao hao như bánh ít nước tro cúng rằm tháng năm.
Trời vẫn âm u và lạnh, gió ầm ầm nhưng tụi này vẫn nhất quyết lăn lóc mọi nơi, điểm đầu tiên trong đích nhắm là núi Nhạn.
< Đường lên núi Nhạn.
Như đã đề cập: Tuy Hòa là nơi độc đáo với hai ngọn núi nằm trong thành phố là núi Nhạn phía Nam và núi Chóp Chài phía tây bắc.
Núi Nhạn được thành phố đầu tư cải tạo thành công viên với 2 nơi: Đài Liệt sĩ và Tháp Chăm. Cả hai nơi đều sạch và đẹp, sừng sững trong gió lạnh ban mai.
< Đài Liệt sĩ trên núi.
Lúc tụi này lên tới đài Liệt sĩ thì nơi đây đang sửa sang tu bổ gì đó nên vật tư còn bỏ lăn lóc ở một góc còn các kỹ sư, công nhân xây dựng túm tụm săm soi các bản vẽ thiết kế.
Gió lồng lộng trong bầu trời âm u (chậc, sao giống Đà Lạt quá!) nên bà xã bận tới ba cái áo. Giờ mới thấy cái áo gió của mình đúng là thứ bất ly thân, lợi hại vô cùng: vừa chống rét, vừa có cả mớ túi chứa đồ linh tinh như túi bửu bối của mèo Doremon!
< Nhìn từ núi Nhạn: xa xa kia là cầu Hùng Vương giăng ngang cửa sông Đà Rằng sắp hoàn thành.
Đứng ở độ cao 64 m trên đỉnh núi Nhạn, du khách có thể bao quát một vùng non nước Phú Yên với toàn cảnh thành phố Tuy Hoà, làng hoa Bình Ngọc, núi Đá Bia, biển Đông và hai chiếc Cầu đường sắt và đường bộ dài 1.100 m bắt song song qua sông Đà Rằng.
Trên đỉnh núi Nhạn có Tháp Chàm cổ kính, còn có tên gọi là Tháp Nhạn được người Chiêm Thành xây dựng. Từ cổng đài Liệt sĩ: bạn sẽ nhìn thấy một con đường tráng xi măng khá dốc để lên tháp Chăm.
< Tháp Chàm trên núi Nhạn.
Tháp Nhạn là một tháp Chăm nằm trên núi Nhạn, thắng cảnh tiêu biểu của Tuy Hòa, TP của Phú Yên. Tháp được người Chăm sinh sống ở lưu vực châu thổ sông Ba xây dựng nên vào khoảng thế kỷ 12. Qua sự tàn phá của thời gian và chiến tranh, nhiều phần của tháp bị hư hỏng nặng nhưng nhờ được sự trùng tu, tôn tạo của chính quyền tỉnh Phú Yên, tháp được phục dụng lại nguyên gốc và mang một vẻ đẹp mới.
< Từ công viên tháp Chăm nhìn về hướng Tây Bắc, xa xa là ngọn núi Chóp Chài với tháp truyền hình trên đỉnh.
Chổ này có anh thợ chụp hình, thấy tụi mình tới nhào lại bắt chuyện làm quen. Thoạt đầu anh ấy mời chộp ảnh, mình nói có máy rồi thì anh chàng săm soi mãi chiếc Win Nhật mình đang đi và xúi... phát mãi cho anh ta! Hi hi, bán rồi thì lấy gì mà phượt tiếp đây?
Rời núi Nhạn, tụi này vòng xuống đường Độc Lập chạy ven sông Đà Rằng tới cửa biển.
< Đường Độc Lập ven sông Đà Rằng (sông Ba).
Khúc này tụi mình được một bà cụ bắt chuyện rất vui, cụ sấp xỉ 80 nhưng vẫn còn linh hoạt lắm.
< Cầu Hùng Vương dài thậm thượt hơn cây số vắt ngang sông Đà Rằng.
Cuối đường có thể nhìn rõ ra cửa biển sông Đà Rằng với những bãi cát rộng, phía ngoài sóng biển vỗ ì ầm.
< Nơi này cũng là chỗ chế biến vi cá - các cô gái cắt những phần thừa, cạo sạch rồi đem phơi trên dàn sắt gần đó.
Vi cá, yến sào, cá ngừ đại dương... Phú Yên là nguồn cung cấp những sản vật cao cấp này.
Ngoặt sang trái theo lối đang thi công là ra đoạn Độc Lập ven bờ biển, con đường này rộng thêng thang, còn kéo dài năm sáu cây số dọc theo biển Tuy Hòa nhưng khúc đấu nối từ cửa sông vào lộ chính còn dang dở, phần phía Bắc còn trong giai đoạn làm nền đất.
< Đoạn cuối đang thi công.
Con đường hoành tráng như bạn thấy nhưng thưa người, thỉnh thoảng mới có vài chiếc xe chạy ngang.
Bãi biển không có ai vì những ngày này biển động mạnh... nhưng chính vì điều đó mà khách lãng du chúng tôi thích thú vô cùng khi được thoát khỏi cảnh chen chân ở một TP đông dân và náo nhiệt nhất nước là TP Hồ Chí Minh rồi có mặt tại thành phố biển Tuy Hòa.
Còn tiếp
Điền Gia Dũng
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 -
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét