Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2011

Hít hà...Don!

Đó là những âm thanh phát ra với những ai lần đầu thưởng thức món don. Bắt về, đem ngâm cho don nhả hết bùn ra rồi mới cho vào nồi luộc chín...

Trên hành trình 130km, từ dãy Ngọc Linh tỉnh Kon Tum, đến phía cuối nguồn - huyện Sơn Tịnh, sông Trà tặng cư dân những sản vật không nơi nào có: Những chú cá bống chỉ to bằng đầu đũa, hương vị rất riêng, những nàng thài bai lớn hơn đầu tăm một tẹo, không trộn lẫn bất cứ loài nào... Đặc biệt hơn cả là con don - "độc quyền" của sông Trà.

"Độc quyền" của sông Trà

Khi những trận lũ cuối cùng ở miền Trung vừa dứt, mùa xuân bắt đầu gõ cửa từng nhà. Đó là thời điểm "hồi hương" của một số loài thủy sản sông Trà sau mùa cuồng lưu phải đi lánh nạn nơi bờ tre gốc rạ để tránh tai ương bị cuốn phăng ra biển. Sông chợt hiền lành như chưa từng biết mình đã gây bao sóng gió suốt một mùa lũ dữ.

Cùng những bãi cát vàng ươm dòng sông kịp để lại hai bờ, phấn hương của các loài thảo mộc thượng nguồn cũng đã kịp lắng lại nơi cuối dòng nước. Đó là nguồn thức ăn vô tận của loài don. Chúng vùi mình sâu trong cát để duy trì nòi giống và tận hưởng những "sản vật" sông để lại trước khi nhập vào bao la biển cả. Nguồn thức ăn đặc biệt từ phấn hương của các loài thảo mộc Trường Sơn đã làm nên hương vị của con don.

Anh Hai Chì, quê xã Nghĩa Hà cho biết: "Phải đan một cái nhủi chuyên dụng, làm sao đó khi "nhủi" thì cát rớt lại xuống sông còn don thì nằm trên nhủi. Có một cái đụt (giỏ) đặt trên chiếc phao, cột vô thắt lưng, hễ mình nhủi đến đâu thì chiếc đụt "theo" đến đó. Khi thấy hòm hòm đầy đụt thì dừng tay mang lên bờ, trút don vô bao tời. 3 giờ sáng là phải "xuống sông" rồi, đến 10 giờ mới xong việc. Mỗi ngày cào được chừng 100 lon don, giá bữa nay khoảng 200 ngàn".

Nghe anh Hai nói vậy, tôi nhẩm phép nhân: "Mỗi tháng anh kiếm đến 6 triệu lận à?". Hai Chì cười rung rốn: "Thôi đi chú em! Chỉ cào được những ngày nắng ấm thôi. Còn những ngày mưa phùn và lạnh giá như bữa nay, chỉ cần ngâm mình dưới nước một tiếng đồng hồ là tất cả mọi thứ trong người mình nó cũng thun lại như con don vậy".

Hít hà... hết

Đó là những âm thanh phát ra với những ai lần đầu thưởng thức món don. Bắt về, đem ngâm cho don nhả hết bùn ra rồi mới cho vào nồi luộc chín. Sau đó đãi ra lấy ruột (thịt don). Ruột don chỉ to bằng cái móng tay út của trẻ con nên để có một tô don, có khi phải mất hàng trăm con như thế!

Nước luộc don một lần nữa lại đem nấu với số ruột vừa đãi. Sở dĩ người ăn phải "hít hà" là do tô don vừa nóng lại phải vừa ăn với một loại ớt đặc biệt, dân miền Trung gọi là ớt tép, hoặc ớt chỉ thiên, lớn hơn đầu tăm một chút. Ớt này không quá cay, lại rất thơm, ăn với don là... số dzách!

Ngoài chất "phụ gia" là ớt tép, tô don còn được rắc lên một ít hành lá và bánh tráng, một loại lương khô khá phổ biến ở Quảng Ngãi. Những ai không phải là dân Quảng Ngãi, khi lần đầu ăn don thường ngộ nhận điều này: Ăn hết tô don mà cứ ngỡ đó chỉ là "khúc dạo đầu", vì thịt don rất ít, nước trong tô lại lễnh loãng, ngồi đợi bà chủ quán bưng món don "chính thức" ra.

Chủ quán cũng ra, nhưng không phải bưng món don chính thức như suy nghĩ của khách mà là ra để... tính tiền. Bấy giờ, vị cay của ớt, mùi thơm của don, chất đậm đà của hành và bánh tráng mới bắt đầu ngấm. Khách vừa tính tiền, vừa vỡ ra rằng mình vừa ăn xong một loại đặc sản. Cái lạ của don là khi anh cảm nhận được vị ngon của nó thì cũng là lúc phải... đứng dậy tính tiền!

Có phải vì "lạ" như thế không mà nhà thơ Thanh Thảo đã ví mình như con don ở sông Trà? Vì ông cũng là một nhà thơ hết sức đặc biệt vậy!

Theo Danviet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét