Quật cường như “Rừng xà nu”
Trằm Trà Lộc thuộc làng Trà Lộc, xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng, nằm cách thị xã Quảng Trị 8km về phía nam. Toàn bộ Trằm là cả một hệ sinh thái phong phú, đa dạng. Bao quanh hồ nước là những cụm rừng với bạt ngàn cây lớn nhỏ, đặc biệt là đước và dây leo chằng chịt vắt ngang đầu người, cũng là tổ ấm của những đàn chim, đàn khỉ.
Vẻ hoang sơ ấy ngỡ chỉ bắt gặp ở miền sơn cước, nhưng giữa lòng Trung bộ, ta vẫn có thể cảm nhận được màu xanh ngút ngàn của rừng núi, có thể nghe từng nhịp thở của sinh vật bởi nơi đây bình yên và hiền hòa. Ngày trước, do có vị trí chiến lược nên Trằm Trà Lộc được chọn làm căn cứ địa kháng chiến và trạm phẫu thuật tiền phương phía nam Quảng Trị.
Chính vì vậy không ít bom đạn đã giội xuống mảnh đất này, đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Cây lớn nhỏ trong Trằm đan thành vòng tay lớn chở che cho hàng trăm chiến sĩ, bộ đội, gồng mình lên hứng chịu hết mưa bom bão đạn.
Cho đến ngày hôm nay, các cụ già trong làng vẫn chỉ ra được những dấu tích, những mảnh cắt của bom đạn trên thân cây. Cây bấu víu nhau mà sống, rễ dưới nước, rễ trên cạn đan chặt nhau qua bao đời. Sức sống mãnh liệt ấy cũng như sức sống của con người Quảng Trị, chịu thương chịu khó, nương tựa lẫn nhau.
Cứ mỗi năm tháng 7 về, các chiến sĩ, bộ đội về thắp hương cho đồng đội nằm lại trên các nghĩa trang Đường 9, nghĩa trang Trường Sơn lại không quên ghé về đây thăm lại chiến trường xưa. Ở đấy, người ta cảm nhận được cái quật cường của Trằm Trà Lộc như Rừng xà nu anh hùng trong kháng chiến.
Trằm “thống nhất”
Mùa nắng, ở mảnh đất Quảng Trị tưởng chừng thiêu đốt tất cả, nhưng khi đến với Trằm Trà Lộc, lớp lớp cây xanh làm chiếc ô khổng lồ che khuất ánh nắng mặt trời để cho du khách tha hồ dạo chơi. Thú vị hơn cả là ta có thể bắt gặp những chú khỉ đang ngất ngưởng trên cây, từng đàn chim, cò, vịt trời kéo về đem lại một cảm giác bình yên đến lạ.
Trằm hấp dẫn du khách không chỉ vì vẻ đẹp hiếm có giữa mảnh đất Trung bộ mà còn níu lòng rất nhiều người bởi vẻ nguyên sơ, mộc mạc như chưa hề có sự tác động của bàn tay con người. Rất nhiều động vật quý hiếm như trăn, rắn, khỉ, chim muông tịch thu được của những tay buôn được đem về thả ở đây.
Sát bên con đường dẫn vào Trằm là hồ nước rộng lớn. Mùa hoa súng, hoa sen nở, mặt hồ điểm thêm sắc tím sắc hồng khiến người ta tưởng chừng đang tận hưởng phong vị mộng mơ, buồn buồn của xứ Huế. Trên những cây cầu bán nguyệt, du khách buông cần câu cá lại thấy thi vị như đang sống trong nông thôn miền Bắc.
Cứ vào mỗi vụ lúa đông xuân, người dân trong làng Trà Lộc lại tổ chức lễ hội “phá Trằm”. Người ta quan niệm rằng Trằm là do tạo hóa ban tặng cho con người nên sau những chuỗi ngày lao động vất vả, bà con nông dân lại “phá” Trằm. Gọi là “phá” nhưng thực chất chỉ là đánh bắt cá, tôm, lươn, ốc... ở hồ nước trong Trằm. Từ cụ già cho đến trẻ nhỏ, ai cũng hồ hởi tham gia với rớ, lưới, nơm để bắt những chú tràu, chú chép...
Đến với Trằm Trà Lộc, du khách còn được thưởng thức những đặc sản mà chắc hẳn nếm thử một lần sẽ không bao giờ quên. Ngồi trên những chiếc chòi lá ngắm cảnh, nhâm nhi rượu Kim Long cùng với hến xào, ếch xào hay một con cá đồng vừa vớt dưới lồng lên thì không có gì tuyệt vời hơn.
Ngoài ra, có thể thưởng thức món cháo “vạt giường” được nấu từ sợi bột gạo trắng thơm cùng với cá lóc, vừa ngon ngọt lại thêm hương nồng của củ ném (nén) khiến ai cũng phải tấm tắc khen. Để làm quà cho người thân thì nên tìm mua cao lá vằng, lúc đầu uống nghe đắng cả cổ họng, nhưng uống xong lại thấy vị ngọt thanh.
Trằm Trà Lộc là điểm đến của nhiều đoàn khách tham quan du lịch, nhiều tốp sinh viên tới nghiên cứu, khảo sát thực địa. Mùa hè, học trò thường hay tổ chức những cuộc dã ngoại cuối tuần tại đây để tránh cái nóng bức và những đợt gió Lào. Đấy còn là cảnh quan lý tưởng cho những đôi trai gái sắp kết hôn đến chụp ảnh cưới.
Song nặng lòng hơn cả là tình người đan dệt vào thiên nhiên, để những ai suy tư sẽ thấy Trằm Trà Lộc quật cường, kiên gan và hết mình vươn tới ngày mai như chính những tố chất tốt đẹp bao đời nay của con người trên mảnh đất miền Trung chịu nhiều tang tóc, bom đạn chiến tranh này.
Theo TTO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét