Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2011

Lễ hội pháo đất Hải Dương

Pháo đất là trò chơi dân gian có từ lâu đời. Tương truyền, các đội quân của nước ta đã gieo pháo đất đồng loạt, tạo nên những tiếng nổ rền vang để uy hiếp quân xâm lược phương Bắc. 

Pháo đất là trò chơi có ở vùng đồng bằng sông Hồng. Tại Hải Dương, trò chơi pháo đất có ở hai huyện: Ninh Giang và Tứ Kỳ.

Pháo đất được chơi quanh năm, nhưng thường diễn ra ở những tháng nông nhàn. Từ tháng Giêng đến hết tháng 4 âm lịch là khoảng thời gian đánh pháo nhiều nhất trong năm. Những ngày lễ hội lớn của dân tộc và địa phương,  không thể thiếu trò pháo đất. Các hội thi pháo có mối quan hệ mật thiết với mùa màng. Những năm cây lúa tươi tốt, hứa hẹn một vụ mùa bội thu thì các cuộc thi pháo tổ chức nhiều hơn những năm mùa màng kém. Các trận đấu pháo thường được tổ chức ở những nơi sinh hoạt văn hóa công cộng như: nhà văn hóa thôn, sân đình.

Đất để đánh pháo ở xã Nghĩa An là tốt nhất tỉnh Hải Dương. Các xã khác thường đến đây mua đất làm pháo. "Chúng tôi lấy đất ở khu Chiều Cửa, thôn Đa Nghi. Từ mặt ruộng, đào sâu xuống 2m mới đến tầng đất làm pháo.

Tầng đất này chỉ dày 30cm, có thể ví như một miếng “giò nạc”, không lẫn cát, sỏi và tạp chất khác. Sau khi lấy về, pháo thủ dùng dao, liềm thái đất thành từng miếng nhỏ, vụn, rồi tiếp tục lấy búa tạ đập, giã thật nhuyễn. Đất được trộn, thấu nhiều lần, sau đó sẽ đánh thành từng quả đất. Thông thường, pháo thi đấu có trọng lượng 60-80kg/quả".

Từ quả đất ban đầu đến khi gieo pháo là một quá trình làm rất công phu, pháo thủ dùng các bộ phận của bàn tay và bàn chân để dận, đấm, lèn chặt quả đất. Quả pháo phải có hình bầu dục, mõm pháo nhỏ hơn gáy pháo, phần giữa dày hơn hai bên.
Pháo thủ dùng khăn vải thấm nước, rồi vắt khô để lau mép pháo. Dùng hai tay bấm manh pháo cho đều, gọi là lên manh. Manh bấm xong, pháo thủ dùng dao (hoặc một thanh tre nhọn) khía sâu vào rãnh của manh cho đứt hẳn.

Sau đó, tiếp tục bấm một lần đất phủ kín chỗ đã khía để làm liền manh. Ở phần mõm pháo, pháo thủ rạch một đường dài khoảng 5cm, gọi là ngắt manh, nơi để manh pháo bung ra. Ngắt manh xong, người làm pháo chỉnh cho pháo cân đối lần cuối, rồi chuẩn bị gieo pháo.

Do quả pháo có trọng lượng 60-80kg nên cần vài người cùng nâng pháo giúp pháo thủ.

Khi chuẩn bị gieo, chỉ có một pháo thủ đỡ pháo. Chân pháo thủ đứng vuông với hai vai, khuỷu tay tỳ vào bụng, hai bàn tay xòe ra đỡ lấy bụng pháo và giữ pháo cân bằng. Khi gieo, pháo thủ nín thở rồi thả pháo vào bàn.

Trong các cuộc đấu, các pháo thủ được chọn kỹ lưỡng qua những cuộc thi trước đó. Trước mỗi trận đấu, pháo thủ phải luyện tập trước nhiều tuần. Mỗi trận đấu có số lượng các sòng thi đấu và số pháo khác nhau.


Thông thường, mỗi trận đấu có 4 sòng và mỗi sòng có 20 lần gieo pháo. Trong một sòng, mỗi pháo thủ chỉ được gieo 1 pháo. Đội thắng ở một sòng thi đấu phải có tổng số thước các pháo cộng lại lớn hơn đội khác từ 2 thước pháo trở lên (một thước pháo bằng 40cm). Pháo được đo là manh pháo phải bung ra lớn hơn 2 thước và không bị tan. Trọng tài sẽ dùng thước đo hai mép của manh pháo để tính độ dài pháo ra. Đội chiến thắng trong một trận đấu có số thước pháo lớn nhất và hơn đối thủ 2 thước trở lên.

Sau mỗi cuộc đấu pháo, các pháo thủ tổ chức họp rút kinh nghiệm và liên hoan. Cả pháo thủ và khán giả cùng vui bên mâm cơm sau mỗi trận đấu. Pháo đất mang lại tiếng cười sảng khoái, sự đoàn kết cộng đồng, niềm tự hào với truyền thống quê hương. Nhiều người dù khản giọng, mất tiếng sau mỗi trận đấu vì cổ vũ nhiệt tình, nhưng ai cũng vui vẻ, yêu đời.

Theo Báo Hải Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét