Thác êm đềm như tên gọi của nó. Bãi đá bằng phẳng, ngọn thác nhỏ cao gần 2m, những vạt nước trong veo in bóng những chú ốc đá.
Thác Hòa Bình, hay còn gọi là thác sông Ray, thác Xuân Sơn nằm ở ấp 5, xã Hòa Bình (huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu) là một thác nước đẹp của huyện Xuyên Mộc. Có hai đường đi đến thác. Nếu theo đường từ Vũng Tàu qua Bà Rịa đi Long Khánh đến Ngãi Giao, khi gặp Ngã tư Đường Đẹp Việt Nam thì rẽ về tay phải. Nếu đi từ hướng trung tâm huyện Xuyên Mộc tới lối rẽ đi thị trấn Phước Bửu thì rẽ tay trái sẽ đến thác.
Ẩn mình sâu trong vườn điều của người dân, đường đến thác ướp hương điều chín thơm nồng khiến những du khách chưa quen hương thơm này hít vội để cảm nhận mùi thơm ấy, Đến khi không nén nổi tò mò, xin vài trái của chủ vườn để nếm thử vị chua, cái chát nhẹ.
Đi đến cuối vườn điều, thác Hòa Bình hiện ra nên thơ, nhẹ nhành như tình cảm của một đứa trẻ đi tìm mẹ trong câu chuyện của người Châu Ro.
Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa có một người Châu Ro tên là Klêu vừa săn bắn giỏi, vừa có sức khỏe hơn người. Một hôm, Klêu lêu dắt chó vào rừng đi săn, đi mãi, đi mãi từ sáng đến xế chiều vẫn không săn được con thú nào. Vừa mệt, vừa đói, Klêu dựa lưng vào gốc cây định ngả lưng, bỗng nhiên đàn chó săn ào lên và sủa dữ dội. Rút tên, giương ná tiến về phía đàn chó với hy vọng tìm được một con thú dù nhỏ đỡ dạ, nhưng tìm mãi chẳng thấy con thú nào cả. Tức giận, Klêu tiến thẳng vào giữa đàn chó, thì phát hiện một chiếc lá to bằng bàn tay lật lên lật xuống đều đặn như người đang thở. Tò mò, Klêu dùng mũi tên khuề thử chiếc lá thì nước từ đâu phun lên thành một tháp nước khổng lồ, trắng xóa, bao quanh lấy Klêu. Chưa hết bàng hoàng thì từ trong nước Klêu nghe một tiếng nói rất to: “Mẹ Biển! Mẹ Biển! Đưa ta về với mẹ biển”.
Biết là một đứa con của biển đi lạc, Klêu lặng lẽ bước đi. Lạ thay, Klêu đi đến đâu nước theo đến đó, và dù Klêu có vòng vèo, trèo lên, lội xuống thế nào, nước cũng theo kịp. Nước cũng tăng sức mạnh cho Klêu để anh đi không mệt mỏi, hay làm no bụng Klêu để anh không bị đói. Anh đi mãi đi mãi, hết rừng thì đến đồng bằng. Không quen với địa hình lạ, Klêu đành du dây hay nhảy xuống vực, nước cũng nhảy theo. Vực thẳm nơi nước nhảy nay là thác Hòa Bình.
Như hình dung về câu chuyện đứa con nước vượt qua bao rừng núi, cây cối đi tìm mẹ, thác Hòa Bình không hùng vĩ với những cột nước tuôn ào ạt hay âm vang núi rừng mà như một đứa trẻ sợ làm đau cây cối, song không thể thu mình bé lại, đành trải rộng để chia nhỏ sức mạnh. Dòng nước của thác cũng hiền hòa với những dòng chảy cao gần 2m, tuôn trắng xóa bên những vách đá có màu đen với nhiều hình dáng kỳ lạ. Những khối đá này từng thu hút không ít người chơi đá cảnh đến đây tìm kiếm, sưu tầm.
Vượt qua đá, những dòng nước len lỏi giữa những tảng đá phẳng, bụi rù rì tươi tốt, hay những cây si xanh um tạo nên những chiếc lều, hốc thiên nhiên mát rượi. Mùa nước cạn, nên có nhiều chỗ, nước rút hẳn để lộ ra những bãi đá đẹp mắt cũng như tôn lên vẻ đẹp của những "ốc đảo xanh" của thác.
Ngoài cái hiền hòa của dòng thác, của dòng chảy, thác còn khiến du khách thích thú khi phát hiện khá nhiều chú ốc đá bé xinh bám trên những tảng đá, hay rải rác dưới đáy của những vạt nước trong veo mát lạnh, trông như những viên cuội nhỏ, ngộ nghĩnh và đầy sức sống.
Men theo đá, bạn sẽ cảm nhận cái nóng cảm nhận được cái nóng của bàn chân dưới nắng mặt trời, cái mát lạnh khi nhúng chân vào những vạt nước trong veo, cả cái cộm nhẹ của những vỏ ốc. Khi thấm mệt, tìm một hốc đá ấy, tựa lưng vào gốc cây, nghe mát rượi gió, mát rượi nước, cuộc sống như dễ chịu hơn.
Thác Hòa Bình vẫn còn hoang sơ, chưa phát triển du lịch nên bạn đừng quên mang theo đồ ăn khi tới đây tham quan.
Du lịch, GO! - Theo Zing
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét