Ba Rền - U Bò là dãy núi án ngự phía Đông của Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng. Từ thành phố Đồng Hới trông về phía Tây, bạn sẽ thấy dãy núi Ba Rền chạy dài tít tắp, đỉnh cao nhất của dãy núi trông như khối u trên lưng của một con bò nên từ lâu người dân địa phương gọi nó là đỉnh U Bò.
Có hai con đường đến với đỉnh U Bò: con đường thứ nhất là từ ngã tư Trạ Ang (trên đường 20 - Quyết Thắng) bạn có thể đi theo đường Hồ Chí Minh theo nhánh Tây khoảng 40 km, hoặc từ ngã ba nông trường Phú Quý trên đường Hồ Chí Minh theo tỉnh lộ 11 (nhánh Đông) khoảng 35 km.
Đỉnh U Bò nằm ở độ cao 1.009m so với mực nước biển, giữa một khu rừng nguyên sinh ngút ngàn. Đứng trên đỉnh, vào những ngày hè thời tiết đẹp, trời quang mây tạnh, bằng mắt thường bạn có thể nhìn thấy thành phố Đồng Hới, xa xa là cửa Nhật Lệ, đảo Hòn La. Cảnh giống như một bức tranh sơn kỳ thuỷ tú. Mùa đông, khu vực này thường xuyên bị sương mù che phủ, xe ô tô đi vào lúc 12 giờ trưa cũng phải bật đèn pha.
Từ lâu, người dân xứ Quảng và du khách gần xa đến đây đều có chung nhận xét U Bò giống như Đà Lạt thu nhỏ. Khí hậu ở trên đỉnh của dãy Trường Sơn này rất mát mẻ, bốn mùa lộng gió. Nhiệt độ quanh năm dưới 22 độ C, phù hợp cho hệ động thực vật nhiệt đới ẩm phát triển. Các cán bộ của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng làm việc tại khu vực này cho biết, đây là nơi có các loại gỗ quý như mun, lim, sến, táu, tùng, thông… với nhiều cây cao 30 - 40 m, đường kính trên 1m.
U Bò cũng là nơi quy tụ nhiều loại cây ăn quả hoang dại như nang rừng, vú sữa, trám đen, trám trắng, bứa, dâu da…. Đến U Bò vào sáng sớm, bạn có thể nghe tiếng hàng trăm loài chim hót, hàng chục loại vượn kêu. Một dự án nghiên cứu về linh trưởng tại Phong Nha - Kẻ Bàng đã cho thấy nơi đây có hơn 30 đàn vượn Siki - một trong những loài linh trưởng quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới, hàng chục đàn chà vá chân nâu…
Ngoài ra, U Bò còn có hàng trăm loài chim, bướm, côn trùng, bò sát..., trong đó nhiều loại quý hiếm chưa được khám phá, khảo tra.
Hiện nay, trên đỉnh U Bò chưa có các cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch nên khách chỉ đến tham quan trong ngày rồi về. Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đang kêu gọi các nhà đầu tư để phát triển du lịch U Bò. Các loại hình dự kiến sẽ là: du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao bằng xe đạp và du lịch tìm hiểu khám phá. Với tiềm năng tự nhiên sẵn có và những sự đầu tư trong tương lai, hy vọng U Bò sẽ trở thành điểm mới cho du khách lựa chọn khi đến với dải đất miền Trung.
Du lịch, GO! - Theo báo Quảng Bình, , ảnh internet
ĐÈO U BÒ (TÂY TRƯỜNG SƠN)
Đèo U Bò nổi tiếng bởi cái vẻ "kỳ vĩ" của nó. Nếu ai đi đường quốc lộ 1 đoạn Lệ Thủy Quảng Bình, nằm ven sông Kiến Giang trong những ngày thời tiết vừa qua một trận mưa lớn, trời nắng ráo có thể nhìn thấy đỉnh U Bò với cái hình thù kỳ dị, quả núi u lên như cái vai con bò mộng.
Nó vượt hẳn lên trên dãy núi Trường Sơn trập trùng nhấp nhô hùng vĩ chạy xa tít phía tây tổ quốc.
Những năm chiến tranh, Núi U Bò là căn cứ của quân đội, là nơi tập kết hàng vạn quân tinh nhuệ, những kho quân khí, quân nhu của bộ đội Trường Sơn, là nơi bộ chỉ huy 559 đã từng đóng. Từ đỉnh U Bò theo đường chim bay để về Cộn, thị tứ giáp với rừng Trường Sơn chỉ có khoảng 20 km.
Con đường Đèo U Bò như rắn bò lên lên xuống xuống, quanh co gấp khúc cực kỳ nguy hiểm. Rừng ở khu vực này còn có vẻ hoang sơ, chưa bị bàn tay con người khai thác. Có những cây gỗ cao vút, thân nó to lớn dễ tới 2 - 3 người ôm. Ở khu vực đèo U Bò có rất nhiều cây gió, cho Trầm Hương loại 1.
Hồi những năm 1985, tôi nghỉ hè vào chơi quê hương của ông chú rể, gốc Lệ Thủy. Ở cái làng quê ven sông Kiến Giang quê ông quá nửa đàn ông, thanh niên đi tìm Trầm, mà ở đó người ta thường gọi là đi Điệu. Từng toán 2 - 4 người lập đoàn đi "tăm Điệu". Có những chuyến trúng lớn, lén lút về quê lúc nhập nhoạng tối, đêm khuya vác ba lô ra quốc lộ 1 bắt xe vào Huế, Sài Gòn để bán "hàng". Khi về, mổ lợn, mổ bò cúng tạ thần rừng rồi ăn khao ầm ĩ vài ba ngày. Đổi đời nhanh chóng. Cũng có người đi cả chục năm chưa bao giờ "đổi đời" mà chỉ nghèo đi và nợ như Chúa Chổm vì vay nóng sắm chuyến "tăm Điệu".
Trầm Kỳ là những câu chuyện "nóng giãy" lên bên những bàn trà, cuộc nhậu của làng quê này. Tôi cũng đã từng thấy ông chú rể, trước là lính Tăng thiết giáp, hòa bình về phục viên đi làm nghề Kiểm lâm, nhưng cũng nhanh chóng ra nhập đội quân "tăm Điệu", vác cả ba lô Trầm loại 2 - 3 có màu nâu nâu ra gọt giũa, tách bóc từng tý gỗ cặn. Sau đấy nửa đêm ông bắt xe khách đi Sài Gòn, tuần sau quay về mang theo cả bọc tiền nặng trịch, kêu anh em cùng nhóm đến chia. Chia tiền và cũng tạ, và nhậu. Nhậu ngày nhậu đêm, say quay lơ cả tháng. Hết rượu lại tiếp tục bàn chuyện sắm chuyến vào Trường Sơn, sang Lào tìm Trầm.
Những lúc đó, tôi đã "loáng thoáng" nghe đến các ông ấy nhắc đến địa danh đỉnh U Bò với sự thầm thì cực kỳ quan trọng. Nghe cứ như nó ở đâu xa tít mù tắp. Một địa danh mà lúc đó tôi không nghĩ nó lại chỉ cách Đồng Hới có hơn 20 km đường chim bay ....
Qua đèo U Bò, Trường Sơn vẫn trập trùng màu tím, hoang sơ và xa ngái ....
Du lịch, GO! - Theo Blog Phuc Hoang, ảnh internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét