Thứ Ba, 31 tháng 5, 2011

Tục lệ cưới xin của dân tộc La Hủ

Người La Hủ chủ yếu làm nương du canh với nhịp độ luân chuyển cao. Gần đây họ chuyển dần sang trồng lúa trên ruộng bậc thang. Người La Hủ nổi tiếng về nghề đan lát (mâm cơm, ghế mây), rèn. Săn bắt, đánh cá, hái lượm có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống kinh tế. 

Tháng 11, 12 hàng năm - là dịp Tết của người La Hủ - cũng là mùa cưới của các đôi trai gái yêu nhau. Chàng trai tìm hiểu cô gái, đã tới độ "chín muồi", anh có thể tới nhà cô gái ngủ một vài tối. Tục lệ cho phép anh, chị có thể ngủ chung giường.

Lễ na-nhí, tức lễ dạm hỏi như vùng xuôi, thường vào buổi tối. Ông "mối" cùng bố mẹ và anh em nhà trai sang nhà gái để "có lời". Lễ vật là rượu và một thứ "quà quý" của rừng - ("quà quý" này nhất thiết phải có thịt sóc rừng). Qua trò chuyện, nhà gái thấy bằng lòng thì hai bên cùng uống rượu, nhắm thịt sóc.
.
Sau lễ dạm là lễ hỏi, hai lễ này cách nhau khoảng bảy, tám ngày. Theo tục lệ, lễ hỏi gồm hai chai rượu và số con sóc phải là số chẵn chứ không được số lẻ, chừng 6 đến 8 con.

Nhà trai phải "tuân theo" số lượng con sóc của nhà gái: 6 hoặc 8 con, vì theo lệ từ xưa, số sóc không được ít hơn 4 nhưng cũng không được nhiều hơn 8. Người làm mối trong lễ hỏi còn là người "đầu bếp", tự tay làm thịt sóc, trình bày các món ăn này sao cho ngon để mời nhà gái.
Trong khi ăn uống vui vẻ hai bên trao đổi về tiền cưới và thời gian ở rể. Ngày xưa, tiền cưới khá "nặng túi": những 70 đến 80 đồng bạc trắng. Trường hợp nhà rể nghèo, không có bạc trắng, thì anh phải ở lại làm rể ngay tối hôm đó. Thời gian ở rể bây giờ rút xuống còn từ 2 đến 4 năm, thời trước từ 8 đến 12 năm.
Nếu lễ ăn hỏi có số con sóc phải chẵn, thì lễ cưới quy định: đoàn đi đón dâu phải là số lẻ, trong đó có hai ông "mối" và chàng rể. Khi nhà trai đón dâu đi, ông "mối" trao tiền cưới cho nhà gái. Trên đường đi, dù có nhớ bố mẹ, cô dâu cũng không được ngoảnh lại nhìn ngôi nhà cô sinh ra và lớn lên, vì nếu vấp ngã, e sau này vợ chồng có chuyện cãi cọ không hay.
Rước dâu về đến nhà, bà mẹ chồng đã đứng đợi ở cửa. Bà lấy một nắm gạo xoa lên lưng con dâu, ngụ ý "xóa hết cỏ để con dâu không mang cỏ về, trên nương sẽ không có nhiều cỏ mọc".

Lại còn tục lệ: bà mẹ chồng trồng hai cây riềng ở hai bên cửa vào nhà, rồi buộc sợi chỉ trắng qua hai cây riềng. Lúc vào nhà, cô dâu đi phía tay trái, chú rể đi phía tay phải, rồi chú rể dùng tay trái, cô dâu dùng tay phải "cắt" đứt sợi chỉ đó, bước vào nhà. Xong thủ tục này hai họ cùng nâng chén chúc những câu tốt lành và ăn uống vui vẻ.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ DulichVN, internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét