Hang động nước dài nhất châu Á là danh hiệu của Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh đặt cho một hang sông ở Quảng Bình trong khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng. Hang kéo dài gần 20km giữa trường thành đá vôi hùng vĩ. Cho đến nay vẫn ít người biết đến hang động diễm lệ và vĩ đại này.
Báu vật giữa rừng già
Người đầu tiên đặt chân đến hang động này là người dân bản địa Ma Coong ở bản Ban, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, nhưng người đầu tiên miêu tả hang sông dài dằng dặc này là một người Anh, bà Martin Holroyd, một phụ nữ can đảm, dấn thân cho hoạt động tìm kiếm ở rặng núi Kẻ Bàng.
< Trong hang có những căn phòng mê hoặc.
Vào năm 1997 hang được xác định dài 14km, và đến nay, hang sông này lên đến gần 20km. Hang động này được đặt tên Khe Ry, theo tiếng gọi địa phương của cư dân trong vùng.
Các chuyên gia nói Khe Ry là một thế giới muôn màu về thạch nhũ, và các măng đá trồi lên từ đáy hang, rủ xuống từ trần hang là đa dạng không thể mô tả hết. Các viền đá, hoa đá với màu sắc không đổi từ hàng triệu năm đã đưa lại vẻ đẹp mê hoặc giới chuyên môn và thám hiểm.
Sau nhiều lần tính toán, Hiệp hội hang động hoàng gia Anh nhận xét: “Đây là hệ thống hang sông có quy mô lớn nhất ở khu vực châu Á đã phát hiện được cho đến nay”. Đấy là báu vật hiếm có của quốc gia.
.
Hệ sinh thái hang động bí ẩn
< Đẹp mê hồn và tráng lệ căn phòng “phục hưng” (do các chuyên gia đặt) trong hang sông Khe Ry.
Cho đến nay chưa ai nghiên cứu đến hệ sinh thái hang động ở Khe Ry, nhưng nó được xác định có hệ sinh thái trên khô và hệ sinh thái thuỷ sinh trong hang sông dài nhất châu Á này. Các nhà sinh học sau khi xem xét qua lòng hang rộng rãi, với hàng triệu thạch nhũ, măng đá vươn cao lên trần từ vài chục mét đến trăm mét là điều kiện thuận tiện cho các loài động vật như dơi, bọ cạp mù, bò sát lưỡng cư.
Người ta cũng tin rằng, có thể có loài chim mù, không cần mắt, chúng bay bằng cơ quan định vị tinh nhạy như loài dơi để tránh va vấp vào vách hang hoặc các cột thạch nhũ. Bọ cạp mù cũng được tìm thấy trong hệ thống hang động này. Người ta cũng cho rằng, có loài nhện độc được cho là mới đang hiện diện trong hang sông này.
< Thạch nhũ hang Khe Ry với màu bạc lấp lánh hiếm gặp.
Các nhà khoa học đã mất nhiều năm tìm kiếm câu trả lời vì sao có một hang sông vĩ đại như Khe Ry. Và họ đi đến thống nhất, một là khối núi Kẻ Bàng đồ sộ, tính nguyên khối rất lớn, không có những chặt khúc, đứt gãy như các khối núi đá vôi ở Ninh Bình và các địa phương khác. Thứ hai, địa hình ở Kẻ Bàng dốc, tốc độ dòng chảy của các mùa lũ là siêu lớn, dữ dội bào mòn qua hàng trăm triệu năm trong các đứt gãy đã tạo ra hang động tuyệt vời như thế.
Nhưng ở dưới lòng sông hang Khe Ry lại phong phú các loài cá. Nhiều nhà ngư loại học khẳng định có một số loại cá có gốc gác di cư từ biển vào, sau đó tiến hoá thành cá nước ngọt. Những cư dân gốc bản địa đã từng bắt ở đây nhiều cá chình hoa nặng đến 15kg, có người còn kể có con đến cả 20kg, đấy là loài cá của sách đỏ thế giới và Việt Nam.
< Một căn phòng khác trong hang động.
Và ở đây, do điều kiện ánh sáng tối ngự trị hàng trăm triệu năm nên có một loài cá gáy, nếu thấy ánh sáng đèn liền nổ mắt và tử vong, loài cá nổ mắt đó kiếm ăn nhờ sự nhạy cảm bởi các xung lực nhận rung rất nhạy ở hai râu và miệng, chúng săn mồi bằng hoạt động “rình rập” các loài cá nhỏ hơn theo nhóm. Một kiểu săn mồi thông minh, kỳ lạ.
Ở đây còn có khoảng hàng chục loài cá khác sinh sống, nhưng nếu hiểu biết đầy đủ, các nhà khoa học nói cần phải nghiên cứu trong nhiều năm, bởi trong số chúng, có nhiều loài khoa học chưa ghi nhận bao giờ.
Các nhà thám hiểm nhận định: Khe Ry là hang động nước vỹ đại, gây sững sờ về địa mạo và ấn tượng mạnh về các loài vật có trong mình nó.
Lần đầu tiên bà Martin Holroyd đến đây cùng một nhóm thám hiểm, bà không hy vọng tìm kiếm một hang động nước có chiều dài kỷ lục như thế, nhưng sự tình cờ đã dẫn đến một khám phá tuyệt vời trong lịch sử 20 năm tìm kiếm hang động giữa sa mạc đá vôi Kẻ Bàng. Nó là một hang động nối thông với hang Phong Nha.
Bà Martin Holroyd mô tả: “Từ đầu nguồn nước chảy vào nhiều cửa khác nhau ở vách núi đá vôi và hợp lại ở hệ thống Khe Ry, rồi nối vào hang Én, sau đó lặn xuống để đi vào hệ thống Phong Nha”. Các chuyên gia khẳng định, đây là báu vật của các hoạt động địa mạo từ vỏ trái đất với các đứt gãy hàng trăm triệu năm tạo ra một lòng hang động dài gần 20km.
Hang động này có những đoạn nông, thoáng đãng, thuận tiện cho chèo thuyền du ngoạn một cách yên tĩnh. Cửa hang rộng thoáng, tầm nhìn lớn theo mô tả của đoàn thám hiểm. Điều đặc biệt của cửa hang Khe Ry là các chuyên gia gặp ở đây các trầm tích vụn thô; cuội, sỏi bị bào mòn, đó là kết quả của các dòng suối bắt nguồn từ khu vực địa hình cao phi karst đổ vào và chính nó cũng đưa lại cửa hang thoáng đãng, hùng vĩ.
Du lịch, GO! - Theo Thegoihaichieu, ảnh SGTT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét