Cách thành phố Đà Nẵng 7km về phía Đông Nam, Ngũ Hành Sơn sừng sững qua bao năm tháng luôn là một điểm đến hấp dẫn với mọi khách du lịch. Trong năm ngọn Kim Sơn, Mộc Sơn, Thuỷ Sơn, Hoả Sơn và Thổ Sơn thì Thuỷ Sơn là ngọn núi… ba nhất (đẹp nhất, cao nhất và hấp dẫn nhất).
Chinh phục được Thuỷ Sơn luôn là mong muốn của nhiều du khách khi đến tham quan một trong những thắng cảnh đẹp nhất của dải đất miền Trung.
Chốn bồng lai tiên cảnh.
Có nhiều truyền thuyết về sự ra đời của Ngũ Hành Sơn, nhưng phổ biến nhất là câu chuyện “ông già giữ trứng”. Truyện kể về một ông già sống đơn độc trong một túp lều tranh, được thần Kim Quy giao nhiệm vụ bảo vệ quả trứng rồng, giọt máu của Long Quân. Đến khi quả trứng nở, 5 mảnh vỏ trứng vỡ biến thành 5 ngọn núi và Ngũ Hành Sơn xuất hiện.
Rộng chừng 15ha, Thuỷ Sơn là ngọn cao nhất trong Ngũ Hành Sơn (106 m). Hầu hết các chùa chiền và hang động của Ngũ Hành Sơn đều tập trung ở Thủy Sơn. Đỉnh núi có 3 ngọn nằm ở 3 tầng. Ngọn cao nhất ở phía tây bắc gọi là Thượng Thai có Vọng Giang Đài, tháp Phổ Đồng, chùa Từ Tâm, chùa Tam Tâm, chùa Tam Thai, Hành Cung, động Hoả Nghiêm, động Huyền Không, động Linh Nham và động Lăng Hư. Ngọn phía nam thấp hơn gọi là Trung Thai có hai cổng động Thiên Phước Địa, Văn Căn Nguyệt và các động Vân Thông, Thiên Long, hang Vân Nguyệt. Ngọn phía đông thấp nhất gọi là Hạ Thai có Vọng Hải Đài, chùa Linh Ứng, động Ngũ Cốc, động Tàng Chân, phía dưới núi là Giếng Tiên và động Âm Phủ.
Theo những bậc thang bằng đá dài dằng dặc lên núi, chùa Tam Thai hiện ra. Theo sử liệu, chùa được xây dựng cách đây ít nhất 300 năm. Năm 1825, vua Minh Mạng, trong chuyến tuần du Ngũ Hành Sơn, đã cho xây lại chùa Tam Thai và đến năm 1827 đã cho đúc chín tượng và ba chuông lớn.
Phía phải chùa Tam Thai là Vọng Giang Đài. Đứng từ đây có thể nhìn bao quát cả một vùng rộng lớn, có núi có sông, nhà cửa san sát, gió thổi lồng lộng. Nhiều du khách đến đây, ngắm nhìn dòng Trường Giang uốn mình dưới chân mà có cảm giác như mình lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh.
Vòng ra sau lưng chùa Tam Thai, theo một con đường đất, bạn sẽ đến động Huyền Không. Trong động có đường dẫn sâu xuống lòng đất. Xuống đến hang, một không gian rộng hiện ra với ánh sáng mờ ảo được rọi xuống từ lỗ hổng trên miệng hang. Cái lạnh trong lòng động như tăng thêm bởi những giọt nước chốc chốc lại rơi xuống, thấm vào đất, ướt cả một khoảng rộng. Trên vách động có nhiều hình ảnh thiên tạo đẹp mắt. Anh Lộc (hướng dẫn viên công ty du lịch Những Người Bạn) kể: “Trước đây, vách động có hình một con hạc lớn, nhưng theo thời gian, hình ảnh con hạc đã bị nước trong động bào mòn. Hiện nay chỉ còn nhìn thấy một phần”. Không gian lành lạnh, mờ mờ ảo ảo tạo cảm giác huyền diệu, linh thiêng.
Gian nan “đường lên trời”
Rời động Huyền Không, đi về phía đông, cụm hang động Trung Thai hiện ra. Cụm này có động Thiên Phước Địa, hang Vân Nguyệt và động Vân Thông. Động Vân Thông nằm gọn trong lòng núi, hình tròn như đường ống chếch lên phía ngọn núi. Trong động có một tấm bia cổ, khắc 3 chữ “Ngũ Uẩn Sơn”, giữa động có một tượng Phật rất lớn. Sau lưng tượng là đường đi lên động. Vì người ta có thể theo đường này bò lên đỉnh núi nên mới có tên gọi là “đường lên trời”.
Để có thể “lên tận mây” không dễ nếu không muốn nói là gian nan. Nhiều du khách trong và ngoài nước đã thử, nhưng được một đoạn là quay trở ra ngao ngán lắc đầu. Đường đi trong động không chỉ tối mà còn ngày càng hẹp lại. Hơi lạnh, nước rỏ xuống tạo cảm giác “thấu xương”. Nhưng đây lại là thách thức đối với những bạn trẻ, những người muốn chứng minh khả năng vượt thử thách của mình.
Theo chân những người trẻ trong đoàn du lịch, tôi cũng quyết tâm "bò lên trời”. Hang càng lúc càng tối, càng hẹp, phải khom người xuống để đi. Hang ẩm nên khá trơn, hướng dẫn viên chốc chốc lại nhắc chúng tôi cẩn thận bám vào những mẩu đá hai bên. Gần 5 phút đi khom là đến giai đoạn “bò”. Hang dốc, những mẩu đá là điểm tựa để bám thì rất nhỏ, chỉ gần nửa bàn chân.
Không gian tối đen, tiếng người phía trước rên rỉ: “Phải chi hồi nãy mua đèn pin”, “Làm sao một hồi leo xuống, sợ quá”… Có những đoạn dốc cao, người sau phải nhờ đến sự “tiếp cứu” của người đi phía trước. Người trước lên được một tảng đá sẽ giữ máy chụp hình, sổ tay để người phía dưới bám đá vượt lên dốc. Đoạn đường “leo, bò, và cả nhảy” này khá xa, nhiều người bắt đầu nản và lầm bầm: “Chắc không tới quá, leo xuống đi”, “Làm sao xuống được, lỡ rồi lên luôn”... Vậy là hành trình lại tiếp tục trong bóng tối vì người đòi bỏ cuộc cũng không cách nào xuống được khi phía dưới cứ đẩy lên.
Thế nhưng, chỉ một đoạn ngắn sau, ánh sáng từ “cổng trời” đã chiếu rọi vào động như những ánh hào quang, ai cũng vui mừng, động viên, hối thúc nhau đi tiếp.
“Tới đỉnh rồi!”
Lên cửa hang, đỉnh núi hiện ra rực rỡ trong cái nắng pha chút hơi lạnh của khí trời Đà Nẵng. Những âm thanh vui sướng vang lên: “Quá đã, quá đã, lên đây rồi mới thấy không uổng công… bò”. Những bức ảnh được chụp vội, những cái nhìn như vội vã mở rộng hơn để bao quát hết sông biển, ruộng đồng. Nhiều khách du lịch sung sướng giơ hết cả chân tay lên la lớn: “Ta đã tới trời rồi, ta muốn ôm cả đất trời…”. Riêng tôi chỉ yên lặng, lấy quyển sổ mang theo ghi vội những cảm xúc đang dâng lên. Có ai đó chợt tiếc nuối: “Tội cho những người già, mình trẻ đỡ quá, lên tới đây thấy sướng hết sức”.
Đứng trên đỉnh động chỉ gần 5 phút mà ai cũng có cảm giác như lâu lắm, những cảm xúc sửng sốt, sung sướng, hạnh phúc làm cho không gian hình như ngưng đọng. Nhưng rồi cũng đến lúc hướng dẫn viên nhắc nhở mọi người: “Xuống thôi, sắp tới giờ đoàn đi rồi”. Mọi người đành luyến tiếc rời "trời".
Đường xuống nằm ở bên ngoài động. Con đường mòn bằng đất có nhiều đá tảng to và dây leo chằng chịt đẹp mắt. Khi xuống, theo đà dốc, thân người chúi về trước nên rất dễ ngã. Nhiều khách du lịch đã bị “tuột dốc”, nhưng nhờ bám vào những dây leo xung quanh nên thoát nạn. Đường đi xuống nhanh hơn nên chỉ một chốc đã đến chân động.
Tiếp tục hành trình tham quan Hạ Thai, chúng tôi đến Vọng Hải Đài. Thuỷ Sơn thật lạ, một phía có thể nhìn thấy sông từ Vọng Giang Đài, một phía lại nhìn thấy biển từ Vọng Hải Đài. Cả hai đài đều có kích thước giống nhau, kiểu dáng như nhau. Chỉ khác là từ một điểm bạn có thể ngắm dòng sông uốn lượn, nhà cửa san sát, còn từ bên kia có thể phóng tầm mắt khắp vùng trời biển bao la nhộn nhịp ghe thuyền.
Phía dưới Vọng Hải Đài là chùa Linh Ứng - ngôi chùa có giá trị lịch sử cao, được xem là quốc tự và di tích Phật Giáo. Khách đến đây có thể chiêm ngưỡng ngôi tháp xá lợi uy nghi, đẹp mắt. Tục truyền trong tháp có cất giữ những viên xá lợi quý giá. Chỉ những ai có duyên với Phật, có “căn tu” mới nhìn thấy được vầng hào quang phát ra từ xá lợi, người thường không thể thấy.
Đường lên Thủy Sơn gian khổ bao nhiêu thì rời nơi này lòng ai cũng thấy ngẩn ngơ, tiếc nuối bấy nhiêu. Bởi với một tour du lịch ngắn, bạn sẽ chẳng bao giờ có đủ thời gian để có thể đi hết Thuỷ Sơn và bốn ngọn núi còn lại. Có người cho rằng để tham quan trọn vẹn Ngũ Hành Sơn phải mất cả tháng mới đi hết từng hang động, từng ngôi chùa, từng giếng nước linh thiêng... Và có như vậy mới thấy hết cái đẹp, cái lung linh huyền bí của danh thắng Non Nước. Tuy nhiên, vượt qua đoạn hang Vân Thông, lên “tới trời” cũng là một chiến tích đáng nhớ với những ai một lần ghé thăm Ngũ Hành Sơn.
Du lịch, GO! Theo Minh Khuê, ảnh internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét