Thứ Tư, 13 tháng 10, 2010

ĐAMB'RI kỳ vĩ

Chàng ra đi biền biệt, nàng chờ đợi mõi mòn. Nước mắt nàng tuôn ra thành suối và chảy tràn khắp núi rừng thành ngọn thác Dambri. Câu chuyện thật xúc động về một mối tình, như “Hòn Vọng Phu”.
Nhưng khách du lich đến Dambri, nỗi buồn của người con gái trong câu chuyện chỉ điểm tô cho cảm giác choáng ngợp bởi thiên nhiên hùng vĩ của thác Dambri...

Thác Dambri nằm cách trung tâm thành phố Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) khoảng 18km, cách thành phố Đà Lạt ngàn hoa khoảng 100km khách du lich sẽ đến với khu du lịch sinh thái Đambri để được thưởng thức cảnh đẹp hùng vĩ cùng khí hậu trong mát của rừng nguyên sinh nam Tây Nguyên. Vùng đất này chỉ mới đưa vào khai thác du lịch gần đây nên vẫn còn nhiều nét hoang sơ. Đi cách thác chừng 1km đã nghe tiếng nước đổ ầm ầm. Đến gần, khách du lich như choáng ngợp. Thác hùng vĩ quá!

Thác Dambri cao khoảng 60 mét nước đổ quanh năm. Vào mùa mưa, thác nước càng dữ dội hơn, bọt tung trắng xóa. Khách du lịch có thể đi theo đường mòn hai bên bờ thác hoặc đi thang máy ngay chân thác. Thang máy có 3 phía là kính, đi lên khách du lich vừa cảm nhận vẻ hùng vĩ của thác. Xung quanh đó, lúc nào cũng có những hạt nước ti li, mát lạnh. Hơi nước gặp nắng tạo thành những cầu vồng, hấp dẫn. Những khách du lich trẻ tuổi thường chọn đường bộ để hòa mình vào không gian núi rừng, để nghe tiếng chim ríu rít và ầm ầm của con nước đổ.

Đi bộ đến đỉnh thác, ai nấy cũng mệt lã nhưng cũng cảm nhận được một phần hùng vĩ. Kia là chiếc cầu treo bằng gỗ, tre và mây... như các cây cầu thường thấy ở các bản làng Tây Nguyên. Cây cầu chênh vênh, bắc ngang qua ngọn thác. Ở độ cao này, ít ai dám mạo hiểm đong đưa trên cầu. Nhưng khi có gan ra được tới giữa cầu, khách vô cùng phấn khích vì đang đứng giữa một khoảng không: Bên dưới là con nước cuồn cuộn, len lách qua đá, qua cây, trước mặt là nước cuồn cuộn chảy qua những tảng đá lớn rồi bất ngờ đổ ào xuống. Núi rừng bạt ngàn với những thân cây to đến vài người ôm. Diện tích khu vực này rộng đến 300 ha, tồn tại nhiều loại cây quý, chim lạ. Ngọn thác Dambri gây cho khách cảm giác sợ hãi nhưng rất “đã”...

Nơi này khách sẽ được nghe câu chuyện về “Hòn Vọng Phu Tây Nguyên”. Đó là câu chuyện về mối tình của nàng H’Bi - cô con gái duy nhất của một gia đình giàu có và thế lực trong làng. Vì chê người yêu nàng nghèo, gia đình cấm tuyệt mối tình này. Cha nàng bắt chàng trai đưa đi xa thật xa đến không còn biết lối về. Nàng thương nhớ người yêu nên ban đêm lẻn vào rừng, ngồi ở nơi hai người từng hẹn hò và khóc. Hết mấy mùa trăng rồi bao mùa lúa chín, bóng chàng trai vẫn biền biệt. Nước mắt nàng biến thành dòng thác đổ ầm đi xuyên qua núi rừng, vách đá với hy vọng chàng sẽ lần theo đó mà trở về... Nước vẫn ngàn năm réo gọi, cuộc tình vẫn vô vọng. Người đời cảm thương, đặt tên ngọn thác là Dambri - tiếng dân tộc Mạ có nghĩa là “đợi chờ” để nhắc nhở sự thủy chung của những đôi trai gái yêu nhau.

Ngày nay, các đôi khách du lich tình nhân đến đây nay chọn Dambri làm chứng cho mối tình của họ.
Không gian khu du lịch thác Dambri rộng lớn và thơ mộng. Những ngôi nhà nghỉ được thiết kế hài hòa và thân thiện với cảnh quan, môi trường. Nhiều người nghỉ qua đêm tại đây để hòa mình vào chốn núi rừng, để nghe nàng H’Bi réo rắt tiếng gọi suốt ngàn năm qua.

Để những chuyến tham quan của khách du lich thêm sinh động, Ban Quản lý khu du lịch sinh thái Đambri còn khoanh một khu vực nuôi các loài thú. Đảo khỉ tại đây có hàng trăm con, hươu nai được nuôi thả tự do khiến khách du lich không khỏi ngỡ ngàng và thích thú khi bắt gặp. Cũng có cả những khu nuôi gấu, ba ba, rùa.

Đặc biệt, có những chú voi đã được thuần dưỡng và ngoan ngoãn tuân theo sự chỉ dẫn của quản tượng. Khách du lich có thể ngồi trên lưng voi để chụp ảnh lưu niệm. Đi một vòng quanh khu du lịch rộng lớn, khách du lich có thể nghỉ chân bên hồ nước Đambri rộng hàng nghìn mét vuông, thuê một chiếc thuyền để hưởng thú câu cá trên hồ.

Khu vực Dambri quá rộng lớn, phần nhiều khách không còn thời gian để đi thăm hai ngọn thác còn lại nối với thác Dambri. Đó là thác Đạ Sara cách đó khoảng 500 mét và thác Đạ Tồn cách khoảng 700 mét. Hai ngọn thác này thuộc “đàn em” của Dambri nhưng cũng hùng vĩ không kém. Nếu chưa có dịp đến Tây Nguyên, khách đến Dambri cũng coi như cảm nhận và chạm vào một phần không gian của Tây Nguyên. Ở đây còn có hang động cây hóa thạch, cách thác chừng khoảng 300 mét. Hang chỉ sâu 50 mét, có nhiều thân gỗ hóa thạch nằm xen lẫn với vách đá. Thuyền độc mộc là sản phẩm du lịch hấp dẫn để khách trổ tài vượt qua ghềnh thác đến với đảo khỉ giữa núi rừng. Khách cũng đừng quên thưởng thức thịt heo bản nướng và uống rượu cần trong đêm cồng chiêng cùng người dân bản địa. Trong tiếng trống, tiếng chiêng, dưới ánh lửa bập bùng, mọi người vui chơi múa hát đến quá nửa đêm.

Tham quan Dambri, khách du lich nên tổ chức thành nhóm du khảo để chuyến đi thú vị hơn. Có nhiều dịch vụ lưu trú, ăn uống nên khách không phải bận tâm. Ban ngày, khách du lich trải nghiệm chinh phục đỉnh cao của ngọn thác bằng chính đôi chân của mình. Sau đó, trổ tài vượt qua những ghềnh nhấp nhô và dòng nước cuồn cuộn bằng thuyền độc mộc. Đêm về cắm trại bên bờ suối và múa hát trong vũ điệu cồng chiêng Tây Nguyên...

Kết hợp trong chuyến đi này, khách du lich có thể đến Ma-đa-gui với nhiều trò chơi lý thú. Hoặc đi vườn quốc gia Nam Cát Tiên ở gần chân đào Bảo Lộc tìm cơ hội nhìn thấy loài tê giác quý hiếm và nhiều loài động lạ...

Theo Vietcaravan.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét