Giữa một vùng núi đá xám xịt, quanh năm khô hạn và mây mù lại xuất hiện một công trình kiến trúc nguy nga theo lối cung điện, lâu đài, thành quách của vương triều phong kiến, đó chính là dinh thự của gia tộc họ Vương - vua Mèo ở vùng cao nguyên đá. Độc giả Nguyễn Văn Hưởng chia sẻ.
< Ngọn núi phía trước nhà Vương.
Nằm ẩn mình dưới thung lũng mây Sà Pìn, sau những tán cây Sa Mộc thẳng tắp vươn mình lên cao vút, khu di tích nhà Vương tại xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang từ lâu đã trở thành điểm đến không thể thiếu của nhiều đoàn khách khi lên cao nguyên cực Bắc, Hà Giang.
Tìm về lịch sử của người Mông ở Hà Giang gần một trăm năm trước, có dòng họ Vương dân tộc Mông mà đứng đầu là Vương Chính Đức, tài trí hơn người đã thống lĩnh được toàn bộ vùng cao nguyên rộng lớn này và tự xưng vương. Người Mông vẫn thường gọi là vua Mèo, với sức mạnh và quyền lực của mình, vua Mèo đã nhanh chóng trở nên giàu có nhờ những hoạt động trồng, chế biến và sản xuất hoa anh túc thành thuốc phiện cùng những thương vụ thuốc phiện xuyên biên giới với Trung Quốc, Miến Điện…
Hằng ngày, tại khu nhà Vương mọi người tập trung đông đúc, vui vẻ, náo nhiệt, các cuộc chơi mạt chược suốt ngày đêm…, một quá khứ vàng son không thể quên của họ Vương vùng núi đá.
Để khẳng định vai trò và uy quyền của mình, vua Mèo đã cho xây dựng một khu tư dinh theo kiểu kiến trúc Trung Hoa cổ bao gồm hàng trăm toà ngang, dãy dọc quy mô, bề thế với nhiều công trình phụ trợ khác làm nổi bật lên nét vương giả giữa vùng cao nguyên.
Sau khi vua Mèo đệ nhất là Vương Chính Đức mất đi, người con trai thứ hai của ông là Vương Chí Sình (vua Mèo đệ nhị) đã đứng ra chèo lái tiếp sự nghiệp nhà họ Vương. Nhật đảo chính Pháp, quân Pháp từ Hà Nội chạy lên vùng Mèo, cùng hợp tác với người Mèo chống Nhật. Quân của vua Mèo dưới sự chỉ huy trực tiếp của Vương Chí Sình đã tiêu diệt một đại đội bộ binh Nhật cùng một đội kỵ binh đi kèm. Sau chiến tích lẫy lừng ấy, nhận thấy rõ vai trò của các vua Mèo, Bác Hồ đã tìm cách cử người đến gặp để bàn về việc cùng nhau chống Nhật, chống Tưởng.
< Ảnh Lâu đài vua Mèo giữa vùng cao Hà Giang.
Cách mạng Tháng Tám thành công, đích thân Bác Hồ đã mời Vương Chí Sình tham gia khóa Quốc hội đầu tiên. Từ cao nguyên đá Đồng Văn, Vương Chí Sình lặn lội, đi ngựa xuống Hà Nội. Cũng trong lần gặp gỡ ấy, Bác đã đổi tên cho vua Mèo thành Vương Chí Thành và kết nghĩa anh em.
Trên đường đến cao nguyên Đồng Văn, đứng trên cổng trời du khách có thể nhìn thấy một khu vực cây cối um tùm, ẩn hiện dưới thung lũng mây Sà Phìn nổi bật hẳn lên giữa vùng cao nguyên hoang sơ, nơi đó chính là nhà Vương - một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo của người Mông vùng núi đá Hà Giang.
< Mộ vua Mèo Vương Chí Thành.
Phải mất 8 năm, và 150.000 đồng bạc trắng để có lâu đài quý giá này. Nhà Vương được vua Mèo Vương Chính Đức cho mời những người thợ giỏi nhất ở vùng Vân Nam (Trung Quốc) về xây dựng, nên mang nhiều dấu ấn của kiến trúc Trung Hoa. Tuy nhiên, đối với Việt Nam và ở miền cao nguyên đá này thì đây là một trong những công trình kiến trúc nghệ thuật khá độc đáo và đặc sắc.
Vật liệu để xây dựng nhà gồm đá xẻ, gỗ lim, gỗ nghiến, nền nhà bằng đất, lợp ngói âm dương… kết cấu kiến trúc gồm hai tầng, sàn nhà được lát bằng gỗ. Phía ngoài gian chính giữa có treo một bức hoành phi bằng chữ Hán do vua triều Nguyễn phong tặng vua Mèo “Biên chinh khả phong”.
< Mặt trước nhà vua Mèo.
Nhà Vương được kết cấu gồm 64 gian phòng khác nhau gồm nhà khách, phòng làm việc, phòng ngủ cho các thành viên trong dòng họ, phòng ở của các gia nhân giúp việc và quân lính, nhà kho lương thực, kho vũ khí, đặc biệt có một kho riêng để chứa thuốc phiện.
Tường thành được xây cao vút xung quanh, có quân lính bảo vệ khó có thể đột nhập từ bên ngoài, cách mỗi đoạn tường lại được bố trí các lỗ châu mai và chòi canh để bảo đảm an ninh cho cả khu nhà. Phía sau nhà có một bể chứa nước rất lớn được xây dựng toàn bộ bằng đá, thiết kế hứng nước mưa từ trên các dãy nhà xuống. Do nằm trong vùng thường xuyên khô hạn nên ngày nay chiếc bể nước này là nguồn cung cấp nước chính cho nhân dân ở Sà Pìn.
< Buôn làng người Mông.
Nội thất bên trong nhà Vương hiện còn lưu giữ được khá nhiều để trưng bày giới thiệu cho du khách bao gồm đồ dùng sinh hoạt, tư trang cá nhân…. Bên cạnh đó Bảo tảng tỉnh Hà Giang có trưng bầy thêm các hiện vật tiêu biểu phản ánh đời sống văn hoá và lao động sản xuất của dân tộc Mông vùng cao nguyên đá.
Khuôn viên khu dinh thự rộng rãi và vô cùng thoáng đoãng, được họ Vương trồng các loại cây ăn quả như lê, đào, mận…
< Trẻ em vùng cao.
Ngày nay, khu tư dinh của vua Mèo xưa đã được Nhà nước xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia nên không có ai ở đó mà chủ yếu để phục vụ khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu. Các hậu duệ của họ Vương đều sinh sống quanh khu vực lân cận.
Phía trước khu nhà Vương là chợ Sà Phìn, chợ họp mỗi tuần một phiên. Vào phiên chợ trong mỗi gia đình thường thì cả nhà cùng đi. Các bà mẹ, người vợ đi chợ để mua sắm; các ông chồng đi chợ để giao lưu uống rượu, ăn thắng cố, thổi khèn; trẻ em theo bố mẹ đi chơi chợ; thanh niên nam nữ đến chợ để giao lưu tìm bạn tình. Sau vài phiên chợ nhiều đôi trai gái đã nên vợ nên chồng.
Nguyễn Văn Hưởng
Theo vnexpress.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét