Thứ Năm, 14 tháng 10, 2010

Hoang sơ Hồ Núi Một.

Núi Một nằm ở phía tây nam tỉnh Bình Định. Trên bản đồ nó có hình dạng như một con sâu nằm vắt ngang ranh giới giữa hai huyện Vân Canh và An Nhơn. Nguyên là một thung lũng được dãy núi An Trường bao bọc, sau năm 1975 hồ đã được quy hoạch thành một hồ chứa nước điều tiết nước cho sông Côn.

Diện tích mặt hồ 110.000 m2, chứa 110 triệu m3 nước, có thể tưới cho hàng ngàn ha đất canh tác của hai huyện An Nhơn và Tuy Phước. Những năm gần đây, Hồ Núi Một còn là một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn với người dân Bình Định bởi những nét hoang sơ mà kỳ thú.
Hồ Núi Một với những làn gió the mát, rừng câyt xanh tầm mắt với vành đai núi rừng che phủ những thác nước không tên nhiều tầng nhiều lớp và tinh trong những tiếng động khẽ khàng được phát ra rõ mồn một từ chốn vắng bóng người.

Từ TP Qui Nhơn, theo quốc lộ 19 đi về phía tây độ 30km, đến địa phận thôn An Trường (xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn) thì rẽ trái, đi độ 8km nữa là tới hồ. Nếu đi bằng ôtô thì mất độ 1 giờ đồng hồ.

Trước mắt bạn là một hồ nước rộng mênh mông, phẳng lặng, mặt nước trong xanh có thể soi rõ mặt người. Một bầu không khí mát lạnh, trong lành làm bạn như quên đi sự mệt mỏi của một giờ ngồi xe. Hồ Núi Một hiện do Xí nghiệp khai thác thủy lợi Bình Định đầu tư và quản lý. Vé vào hồ là 4.000đ/người. Tại bến có 2 nhà sàn gỗ để du khách có thể ngồi nghỉ ngơi, giải khát trong khi chờ những chuyến ca nô tới đón.

Hiện nay, ở đây có ba chuyến tham quan để bạn lựa chọn là Thác Đổ, Thạch Động và làng dân tộc Chăm. Tuyến đến khu Thác Đổ là xa nhất và thu hút nhiều khách du lịch nhất (mỗi ngày có đến cả trăm khách, ngày nghỉ, ngày lễ số khách tăng lên 2-3 lần. Tại bến có 6 chiếc ca nô. Nếu bạn đi tập thể thì có thể thuê trọn gói một chiếc 10 chỗ ngồi với giá từ 300.000đ-350.000đ và có thể đi thăm nhiều nơi trong một ngày. Còn nếu đi cá nhân thì mua vé ca nô 20 chỗ ngồi, giá vé đi và về là 25.000đ/người.

Từ bến đò đến Thác Đổ mất 45 phút. Rời canh, du khách theo lối mòn đi lên núi, luồn lách qua rừng cây với nhiều dây leo ken dày, tỏa bóng mát rượi. Đến độ cao khoảng 20m, Thác Đổ sẽ hiện ra ở bên trái lối đi. Thác cao 30m, nước đổ xuống chân thác rồi theo những con suối nhổ đổ vào lòng hồ. Bên phải thác có đường mòn đưa du khách tiếp tục lên đỉnh thác. Trên đường đi có những bãi đất tương đối bằng phẳng dưới những lùm cây, du khách có thể ngồi nghỉ chân, ngắm toàn cảnh, nghe nước chảy róc rách dưới những khe đá. Hầu hết các nhóm du lịch đều mang theo thức ăn để cùng thưởng thức. Dưới chân thác, một số bạn trẻ tắm rửa, nô đùa. Đến khoảng 4 giờ chiều là ca nô sẽ đưa bạn về lại bến.

Để tạo một môi trường tham quan du lịch sinh thái và văn hóa hấp dẫn, cơ quan quản lý và đầu tư cần tổ chức tại Thác Đổ dịch vụ ăn uống dã chiến. Còn ở làng dân tộc, nên tổ chức một số những sinh hoạt văn hóa mang bản sắc của dân tộc Chăm, trưng bày và bán những vật lưu niệm đặc trưng.

Du khách sau những cuốc thuyền khám phá thiên nhiên quanh thung lũng, ngôi làng nhỏ của dân tộc Bana hiện ra len lỏi nơi cuối hồ như món quà lưu niệm đáng giá dành tặng cho chuyến đi ngắn ngày. Thềm làng ngoan ngoãn đón đưa những chuyến đò mưu sinh ngắn ngày đi và về.

Hơn 90 hộ dân tạo ra bản làng này thực sự là những trang đời sinh động. Làng hoang sơ từ mái nhà đến tận tư duy sinh tồn của người dân. Sự đa sắc từ các mối quan hệ trong gia đình này là một minh chứng thuyết phục cho bản năng yêu thương của loài người.

Đã có những “ao nuớc lã” được biến thành “giọt máu đào” nơi đây. Một phần thành viên trong gia đình này là những người xa lạ cơ nhỡ. Tình cờ họ đến, ở lại, yêu thương và gắn trách nhiệm với nhau qua nhiều đời con cháu. Đó là những thím dì độc thân, lưu lạc vẫn hàng ngày đi bán cái nón, cái áo tự đan đổi vài cân gạo góp công nuôi cháu tiếp ông anh nối khố…

Có những nét mặt, những khoé cười không thể nhoà khi đã gặp tại đây. Từ nếp cằn cỗi của người ông người bà đến cái mơn mởn ngăm đen của đứa trẻ vừa chập chững. Được gặp họ thú vị và hồ hởi như gặp lại mình của ngày hôm qua. Những chằng chịt quan hệ trong đời sống giờ đây dường như được hoá giản đến tối giản nhất. Đây chính là nét nguyên sơ có thể bạn cần tìm và đã thấy trong chuyến đi này.

Theo SGTT + TBDL

Khu du lịch sinh thái hồ Núi Một cách TP Quy Nhơn 40 km, sân bay Phù Cát 30 km, ga Diêu Trì 25 km. Từ TP Quy Nhơn, nếu không có phương tiện di chuyển, có thể bắt xe khách hoặc xe buýt đến ngã tư Cai Ba (xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn) thì xuống, tiếp tục đón xe ôm tại đây đi vào khoảng 8 km nữa là đến khu du lịch. Nếu đi theo đoàn đông người cần liên hệ với đơn vị quản lý khu du lịch theo điện thoại (0563) 837250 - 0988860824 (gặp anh Thanh Quy) để đặt trước thuyền du lịch trên hồ, các món ăn…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét