Thứ Hai, 25 tháng 10, 2010

Trở lại phá Tam Giang

Lần này trở lại, tôi đã có thêm một cảm giác mới với Huế, không hề định trước, tôi đến Tam Giang, nghe mùi gió biển mằn mặn, ngồi trên thuyền phóng tầm mắt ra mãi xa chỉ thấy hoàng hôn lặn dần trên phá.

4 giờ chiều từ Huế, tôi ngồi sau lưng người bạn trên chiếc xe gắn máy cọc cạch mới thuê, theo đường Huỳnh Thúc Kháng ra phố cổ Bao Vinh.

Đi qua một đoạn phố cổ toen hoen phía bắc thành Huế này, tôi lại nhớ “gánh bún bò chị Niệm” của mạ chú bé Mừng trong Tuổi thơ dữ dội, nhớ những chi tiết về cái xóm ngoại ô nghèo khổ đó, nhớ cả những lúc còn bé khóc sướt mướt mỗi khi đọc truyện này...

Ðồng bằng ven biển Thừa Thiên Huế có nhiều đầm phá, vũng như phá Tam Giang, đầm Thanh Lam, đầm Thuỷ Tú, đầm Cầu Hai, vũng Lập An. Ðây là tụ hội của hầu hết các con sông trước khi đổ ra biển.

Tam Giang và Cầu Hai là 2 đầm phá nước lợ lớn nhất, tiêu biểu nhất ở Việt Nam với chiều dài gần 70 km đã án ngữ hầu hết chiều dài của tỉnh Thừa Thiên Huế là vùng nước lợ lý tưởng cho nhiều loại thủy sản sinh sống.
Phá Tam Giang có độ sâu từ 2 đến 4m, có nơi sâu tới 7m, mặt nước rộng mênh mông là địa bàn hoạt động kinh tế quan trọng mang lại những giá trị tài nguyên to lớn. Hàng năm khai thác trên vùng đầm phá hàng nghìn tấn hải sản, cá, tôm các loại. Những năm gần đây, trên vùng đầm phá đã phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm và trồng rau câu. Dự án xây dựng cầu Thuận An bắc qua Phá Tam Giang đã hoàn tất, tạo điều kiện phát triển kinh tế và du lịch tại vùng này.

Từ Bao Vinh, rẽ trái đi chừng chục cây số về thị trấn Sịa là chúng tôi ra tới bến đò Vĩnh Tu. Theo chân những người dân ở đây, chúng tôi cũng chất xe máy lên thuyền, ngồi trên thành giữa hàng đống đồ đạc, xe cộ. Thuyền nổ máy và lao ra giữa phá. Gió thốc lồng lộng vào mặt. Mùi tanh nồng, vị mằn mặn lờ lợ của nước phả vào giữa mặt.

Qua đến bờ bên kia đã chừng 5 giờ. Hoàng hôn ở vùng đầm phá ven biển này chừng như kéo dài hơn ở những nơi khác. 5 giờ, trời hãy còn rất sáng. Chúng tôi vứt xe máy trên bờ ruộng, lội nước đi thăm thú.

Chiều xuống, mọi lối đi ra phá đều vắng hoe, không có ai để hỏi thăm đường. Đi loăng quăng một lúc thì chúng tôi nhìn thấy một  ngư dân đội nón đang ngồi vá lưới. Hỏi thì bác bảo giờ này không còn thuyền để đi thăm phá nữa đâu.

Ngồi uống trà nói chuyện với bác một hồi, bác chủ động lấy chiếc ghe nhỏ chở chúng tôi đi thăm phá. Chiều muộn, ghe nhỏ, bác lái đò lại già, chúng tôi đi gần gần không dám ra xa. Hoàng hôn xuống đỏ lịm cả một góc trời. Những con chim bói cá lông xanh ở đâu thỉnh thoảng chúi xuống đớp mồi.
Chúng tôi ngồi trên ghe trôi mơn man trên khắp khu đầm phá. Mặt trời đậu trên những cột tre, tiếng người đi đánh cá về gọi nhau râm ran râm ran...

Bác lái nói ở lại phá đêm nay đi, sáng mai dậy sớm ghe cá về tha hồ ăn mực, tôm đất, tôm bạc, cá chình, cá lệt... tươi roi rói. Người ta bảo, khắp vùng biển nước Nam này, không có nơi nào cá ngon và thơm như cá ở  Tam Giang... Thế mà, vì không có thời gian, chúng tôi đành phải quay lại Huế và hẹn một ngày quay lại phá Tam Giang, để ngủ đêm trên phá, nghe mùi gió biển mơn man chạm vào cơ thể, để đi theo ghe đánh cá trên khắp vùng đầm phá rộng lớn, để nếm vị hải sản tươi giòn của vùng đất hiền hoà này...

Tổng hợp từ SGTT, Vietnamtourism...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét