Đặc thù công việc đòi hỏi xê dịch liên tục, nhưng những chuyến công tác của người trẻ không đơn thuần chỉ mang nghĩa làm việc. Họ đã tận dụng chính nghề nghiệp của mình để được sải bước dài thêm nữa.
Đỗ Doãn Hoàng, phóng viên trang Phóng sự, Báo Lao Động: Cuộc sống của tôi là dấu cộng của những chuyến… lang thang
“Tôi có may mắn là được đến rất nhiều những miền hoang sơ đệ nhất của Việt Nam. Lắm nơi, chưa có dấu chân người, cuộc sống hoang sơ không tưởng tượng được. Không biết có người trẻ nào được đi nhiều như tôi không nhỉ?” (cười)Hoàng nói vui, và có vẻ thận trọng. Tuy nhiên, ít ai nghi ngờ tuyên bố này của Đỗ Doãn Hoàng, bởi như anh nói, đời anh là dấu cộng của những chuyến đi.
Những chuyến đi của Hoàng nức tiếng qua nhiều mặt báo, qua màn ảnh nhỏ và cả nhiều trang báo điện tử. Anh làm việc với cường độ cao, sự mê đắm và chấp nhận mạo hiểm. Thành quả thể hiện rõ nhất điều này là ở 9 tuyển tập phóng sự (và vài tập văn chương) ngồn ngộn sức sống.
“Lúc nào tôi cũng trong tư thế sẵn sàng đi ngay, không cần qua nhà lấy thêm bất cứ một cái gì cả! Công việc buộc tôi phải đi, nhưng tôi đi miệt mài, là bởi vì tôi đi cho… cá nhân tôi trước tiên! Sau mới là công việc” Hoàng nói.
Có lẽ cũng vì thế mà rất nhiều trưởng chuyên mục hay cán bộ chương trình truyền hình, không hẹn mà cùng thủ thỉ với Hoàng: “Cậu đi đâu thì nói trước với tớ một câu, tớ mượn cho cái camera nhỏ nhỏ quay về cho tớ vài thước phim! Không cần kỹ thuật gì, cậu cứ cho người ta nhìn thấy những gì cậu nhìn thấy đã là tuyệt vời rồi! Thấy cậu đi mà chỉ viết báo không thôi, “bọn” truyền hình chúng tớ tiếc lắm”.
Đỗ Doãn Hoàng luôn luôn mang theo mình tới 3 chiếc sim điện thoại, đến đâu là mở tất cả ra… thử sóng: “Mường này chỉ có Viettel còn chập choạng, Mường kia thì dùng được mỗi Mobi, một số Mường thì lại… Vina là nhất!”.
“Tôi đã từng đi bộ 9 ngày để tới được Apachải, ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc, nơi 20 năm trước có một nhà báo từng khám phá và tôi là người thứ 2. Có những lúc trên đường, tôi bật khóc vì cảm giác mệt mỏi bất lực, thấy mình đã quá ngông cuồng dấn thân. Lúc ấy, ước mơ đơn giản mỗi ngày là chỉ mong sao sống được đến sáng mai. Chỉ mong sao qua dốc núi trước mặt mà mình không… đột quỵ!”.
Đỗ Doãn Hoàng là một trong số những người hiếm hoi gây ngạc nhiên cho dân bản vì trình độ đi rừng của mình.
Thậm chí, chỉ nghe tên địa danh là tiếng dân tộc, Hoàng có thể mường tượng ra khá trúng địa hình vùng đó: “Có gì đâu, tên bản tên làng thường được bà con đặt theo dáng núi, dáng sông hay thổ nhưỡng rừng rú gì đó. Mình biết tiếng, cứ “chiết tự” ra mà suy thì khắc thấy đặc điểm vùng đất” - Hoàng bật mí.
Suốt năm lang thang mạn ngược, Hoàng bị đồng nghiệp gọi là “gã du mục”, “thằng thổ phỉ”. Sống đã 15 năm ở Hà Nội, nhưng ra cứ khỏi cơ quan mà không về nhà (con đường về nhà đã quen) là Hoàng phải đi xe ôm hay taxi vì… không thuộc đường!
“Không cơ quan báo chí nào lại nỡ bắt phóng viên của mình thường trực bị “đày ải” như thế đâu. Tại tôi mê mải vẻ đẹp của Việt Nam, của cộng đồng các dân tộc trên đất nước mình nên thích khám phá.
Càng đi, tôi lại càng thấy công việc làm báo của mình có thể làm được nhiều điều cho bà con vùng sâu vùng xa hơn. Chính từ trang viết của những người làm báo như tôi, nhiều cuộc đời tận khổ đã được bà con và các cấp hữu quan giúp đỡ; nhiều bất cập được tháo gỡ, nhiều góc khuất của cuộc sống được đem ra mổ xẻ. Đó là lý do sâu xa để tôi và những đồng nghiệp của mình không bao giờ ngừng cất bước!”.
Trần Ngọc Bích, hướng dẫn viên du lịch, Công ty Indo – China Services: Mỗi năm xin nghỉ không làm hướng dẫn viên 1 tháng để đi… du lịch!
Tóc ngắn, da nâu, và chưa bao giờ… cao ngang với khách, nhưng lúc nào phát sinh tour có đột biến về chương trình, cái tên “Tour guide Trần Ngọc Bích” sẽ được tin cậy đặt cao lên đầu tiên. 6 năm là hướng dẫn viên chuyên khách Mỹ, chưa bao giờ Bích ước chừng mình đã có bao nhiêu chuyến đi. “Như thế, nhanh cũng phải mất vài tiếng để tính! Mà vài tiếng ngồi một chỗ để nghĩ toàn con số thì tôi… hóa đá mất!” Bích nói: “Tôi sẽ chết nếu ai bắt tôi ngồi một chỗ ở nhà!”
Bích thừa nhận mình không phải là người có thể giấu cảm xúc. Đó là lý do chỉ cần nhìn mặt, bạn bè đã có thể suy luận về công việc của cô. Hoặc là để nghe kể về những chuyến đi gần đây: “Vừa đi đâu về đấy? Nom… sống động thế!”, hoặc là chép miệng rất thông cảm và… lo lắng: “Đã được 3 ngày ở nhà chưa hả em?“ Ở văn phòng, các chị lớn rất nể sức đi của Bích, nhất trí là “cô này mê đi hơn mê người yêu” (!)
“Đang trên đường từ Hạ Long về, mấy ông khách thỏ thẻ hỏi về thịt rắn của Việt Nam. Lúc ấy sắp đi đến Hưng Yên, tôi chợt nhớ đã từng đọc một bài báo về một một làng có cả đặc sản thịt chuột gần đấy. Thế là tôi nói với khách, rằng nếu các ông bà muốn thì chúng ta sẽ cùng khám phá. Tất cả đồng ý, xe chúng tôi tìm đường vào chợ Đường Cái.
Chuyến đấy cả khách, cả lái xe, cả hướng dẫn viên đều được một buổi khám phá không thể quên. Đoàn đi ngoài lịch trình thêm 7 giờ. Sau đó ít lâu, 500 bức ảnh “làng thịt chuột” được in thành catalog rất đẹp gửi từ Mỹ sang - đó là một trong những món quà cảm ơn vô giá nhất mà tôi từng nhận được!”. Điều đặc biệt là cả năm đi tour cùng khách nhiều như thế, nhưng không hè nào cô không xin nghỉ 1 tháng để… tự đi du lịch!
"Đấy là thời điểm khách Mỹ ít sang Việt Nam. Cả tuần mới có 1 tour, cho nên tôi tận dụng thời gian để đi chơi theo ý thích. Vừa trốn được thời gian ngồi nhà rông dài, mà vẫn có cảm giác… đi làm một nghĩa khác!”
Vì công việc là giới thiệu cho khách đến Việt Nam, nên lúc nghỉ để tự đi Bích sẽ chọn các nước lân cận để khám phá. “Mỗi năm đi 1 đến 2 nước, tính cả năm nay là tôi đi được 10 nước rồi. Đi thế này, ngoài thỏa mãn con mắt, tôi có điều kiện so sánh dịch vụ du lịch ở nước bạn, rồi cũng phục vụ chính những bài giới thiệu của mình khi đi làm”.
Với vốn tiếng Anh Mỹ cực chuẩn, ngay khi tốt nghiệp viện ĐH Mở, khoa Du lịch, Bích có nhiều cơ hội để lựa chọn công việc khác với mức lương khiến ai cũng… hoa mắt! Thậm chí cho đến nay, vẫn có những lời mời “treo” sẵn sàng đón cô tùy vào lúc nào cô muốn. Bích đã từng nghĩ rất kỹ để đến giờ cô luôn có sẵn câu trả lời: “Nghề hướng dẫn viên cho tôi được đi, chứ không phải được lương - đấy mới là điều tôi muốn!"
Nguyễn Trọng Chính, phóng viên Báo ảnh Việt Nam: Mỗi chuyến đi là một khám phá lớn! Công việc của Nguyễn Trọng Chính là phóng viên ảnh - chủ yếu thực hiện các phóng sự ảnh trên Báo ảnh Việt Nam.
So với Đỗ Doãn Hoàng, Chính tự nhận là mình “đi không bằng”: “Hôm trước nhận điện thoại của Hoàng, cậu ấy rủ: Ngày mai đi Lào không. Quả thực mình muốn đi kinh khủng nhưng đành chịu. Mình không được tự do như thế, mọi chuyến đi của mình đều phải có kế hoạch và chuẩn bị kỹ lưỡng”.
Tuy nhiên, ở một mức độ nào đấy, công việc của phóng viên ảnh thậm chí còn đòi hỏi phải đi nhiều hơn một người viết phóng sự bằng chữ: “Chúng tôi không thể nghe người nọ người kia kể hay nghiên cứu tư liệu để có một bức ảnh báo chí tốt! Nhất thiết, chúng tôi phải tận mắt chứng kiến!”
Đó là lý do những chuyến đi của Chính rất “dầm dề”, nhiều khi lăn lê, trực chiến bao nhiêu ngày chỉ để đợi một khoảng khắc may mắn. May mắn là yếu tố vô cùng cần thiết ở những chuyến tác nghiệp của các anh.
“Khoảnh khắc tôi thực sự xúc động khi thấy một đàn hơn 40 con Cò Thìa - loại động vật quý chỉ còn hơn 1000 cá thể trên khắp thế giới, đậu vắt qua 2 bờ đầm của vườn Quốc gia Xuân Thủy (Giao Thuỷ, Nam Định). Chúng tôi đã phải bò trườn qua các bụi cỏ, nín thở bấm máy. 3 lần chúng cất cánh là 3 lần tim chúng tôi ngừng đập, không ngờ nổi còn bám được chúng qua mấy bờ đầm khác. Đến lần thứ 3 thì chúng biến mất hoàn toàn, suốt 5 ngày còn lại chúng tôi tiếp tục đi tìm để bấm máy mà không thấy”.
Với Chính, đi công tác chính là… du lịch miễn phí, và du lịch có hiệu quả! "Đi vùng miền nào tôi cũng không phân biệt, miễn là được đi càng nhiều càng tốt! Nơi nào càng mới, càng lạ, càng mạo hiểm thì càng kích thích!”.
“Trước khi lên đường tôi không đặt quá nặng mục đích công việc phải đạt trước. Lúc ấy, chỉ còn cảm giác mong mỏi được đặt chân lên vùng đất mới, thỏa chí khám phá. Sự thật là những cú bấm máy đầu tiên bao giờ cũng sẽ cho ra những bức ảnh có thông tin tốt xúc cảm nhất!“. Tuy nhiên, xúc cảm cũng có thể mang lại cả những… tai nạn nghề nghiệp!
“Thuyền vừa đáp bãi triều ngập phù sa ở cửa sông Hồng (huyện Giao Thủy, Nam Định), tôi đi chân trần nhảy xuống lập tức bấm máy. Nhoằng một cái, chân tôi đau buốt, máu chảy không cầm kịp. Một con hà biển đã cứa sâu hoắm suốt dọc ngón chân cái tôi! Rịt tạm bằng thuốc lá rồi mượn công nhân một đôi ủng, tôi tiếp tục xách máy xâm nhập khắp nơi. Cũng có lúc thấy đau nhói lên, chân cứng như không bước được nữa, vậy mà không hiểu sao tôi vẫn chụp được thêm vài tiếng. Đến tối tháo ủng ra xem lại, không ngờ vết rách lại há to đến vậy! Tôi bị đưa đến “bác sĩ xóm”, buộc phải khâu 5 mũi vì lời đe dọa: có muốn ăn Tết nữa không? Đó là ngày 22 tháng Chạp (âm lịch) năm ngoái, tôi sẽ không quên được”.
Nguyễn Trọng Chính thú nhận rằng dù sợ tiêm và khâu đến thế nào, chuyện kinh khủng nhất đối với anh là “đến nơi rồi mà không làm được gì vì chân tay người ngợm bị thương! - “Sợ nhất, là đến một tuổi nào đó, không còn sức để đi, để làm việc nữa!” - anh nói thêm.
Nguyên Nhung
Theo VietNamNet, ảnh internet
Bài 6: Độc hành trên "đường xa vạn dặm"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét