Thứ Tư, 27 tháng 10, 2010

Bài 2: Leo núi: Chinh phục những đỉnh trời

Xuyên rừng, băng đèo, vượt thác... trong những chặng đường dài hàng cây số, để đặt chân tới đỉnh núi cheo leo. Đứng giữa đỉnh cao mây ngàn gió lộng, phóng tầm mắt ra xung quanh để cảm nhận sự hùng vĩ của đất trời.
Nhiều người trẻ tìm đến rừng núi để tận hưởng cảm giác thú vị trong những tour dã ngoại mạo hiểm.

Mọi ngả đường đều dẫn tới Fansipan

Nếu như cách đây 5-7 năm, Fansipan - "nóc nhà Đông Dương" vẫn là ước mong chinh phục xa xôi với nhiều người thì hiện tại: Chuyện chẳng có gì mà ầm ĩ!
Fan mùa Đông, Fan mùa Xuân, Fan Dương lịch, Fan Rằm tháng Giêng, Fan 30/4, Fan 2/9… trên các diễn đàn du lịch, những lời kêu gọi lập hội leo Fan không lúc nào thiếu vắng.
Trước đây, từ Sapa lên đỉnh Fan và quay trở về mất khoảng 5-6 ngày, nhưng hiện tại hành trình phổ biến được rút ngắn xuống 3 ngày. 3 ngày hành quân giữa rừng, “ăn bờ ngủ bụi”, hết cuốc bộ, đu dây thừng, bám rễ cây, vịn vách đá lại leo mấy quả đồi… nếu sức khoẻ không dẻo dai, có thể phải bỏ cuộc ngang chừng.
Vì thế, dân leo Fan được khuyến cáo rèn luyện thể lực chừng 1 tháng trước khi “nhập hội”.

Trước mỗi chuyến đi, các đoàn đều có một buổi kiểm tra thể lực và khởi động tinh thần bằng những trekking tour (đi bộ đường trường) ở mức nhẹ nhàng hơn như Ba Vì, Cúc Phương…
“Leo Fan có đủ cả sự lãng mạn và hùng vĩ” - chứng minh cho quảng cáo của mình, Thu Trang say sưa tả về hành trình mà cô và đoàn của mình kinh qua.

... Có những đoạn đi giữa rừng trúc ngút ngàn, nắng chiếu xuyên kẽ lá nhảy nhót như trong "Thập diện mai phục". Đôi lúc cảnh vật thanh bình quá đỗi khiến nhiều tên cao hứng bắc loa hú vang để xao động không khí. Nửa đêm, quây quần bên ánh lửa bập bùng, thưởng thức cái gió lạnh vùng cao ở nhiệt độ dưới 10, cùng ngân nga những giai điệu bất tận...

"Có khi, cả lũ chúng tôi chen nhau nằm trên nền bạt, ngửa mặt ngắm sao, tâm sự những câu chuyện vu vơ… Đó là những khoảnh khắc đẹp thực sự”.Với T. Nhung thì ấn tượng không quên là lúc bị lạc lại cùng 2 người trong đoàn vì tội say sưa chụp ảnh.

"Lần đầu tiên đi trong rừng giữa đêm tối, nhìn quanh, những bóng cây cháy đứng im lìm, trơ trọi, hơi sương vùng cao chạm vào da lành lạnh và tiếng gió rít… đủ để rợn mình.
Ánh đèn pin loạng choạng, không người dẫn đường, không phương tiện liên lạc, chúng tôi đang hoảng sợ thì một bạn phát hiện ra một dải giấy an an trắng được buộc vào nhành hoa bên đường, do những người đi trước đánh dấu chỉ đường. Hú vía!".

“Hạnh phúc không phải là đích đến mà là cảm nhận trên đường đi” – slogan này dường như đã trở thành quá quen thuộc với dân du lịch bụi. Nhưng, với các đoàn leo Fan thì chưa hẳn đúng.

Khi leo lên đến đỉnh, chạm tay vào hình chóp tam giác - cột mốc đánh dấu “nóc nhà Đông Dương”, dường như mọi khó khăn, mệt mỏi tan đi nhường chỗ cho các cảm xúc vỡ oà. Khung cảnh hùng vĩ, mây ở phía dưới chân, xa xa là chân trời tít tắp, tiếng lá cờ đỏ sao vàng bay trong gió phần phật khiến ai cũng hân hoan, reo hò, thậm chí hét vang thật to… để ghi lại cảm xúc.

Leo núi mạo hiểm: Vừa sợ vừa thích

Đỉnh Langbiang, Đà Lạt. Một nhóm người tụ tập trên mỏm đá sừng sững, tạo với phương ngang một góc xấp xỉ 90%. Ngó xuống vách núi dựng đứng, ngay nhiều người chẳng yếu tim cũng thấy rùng mình. Lần lượt, từng người hoặc từng đôi bám vách đá trèo xuống, sau khi đã được thắt đai leo núi, đeo dây bảo hiểm và móc an toàn.

Ở hai đầu của hành trình: trên đỉnh và dưới chân núi... là các huấn luyện viên leo núi án ngữ, chăm chú theo dõi để đưa ra những lời hướng dẫn trực tiếp... Đột nhiên, một nhân leo núi kêu ré lên vì hoảng, run rẩy đòi bỏ cuộc. Lúc khác, hai dây leo của cặp nọ tạm thời bị đan vướng vào nhau, lại toát mồ hôi.
Chẳng quá “chan hoà” với thiên nhiên như tour leo Fan phía Bắc (một dạng trekking), các tour leo lên vách núi (rock climbing), leo xuống vách núi (abseiling) hay vượt thác (canyoning) phía Nam vẫn giới hạn trong một phạm vi tương đối, có lẽ vì tính chất mạo hiểm của nó.

Môn leo núi mạo hiểm vào Việt Nam thông qua 2 người Pháp. Năm 1994, Stephane và Didier đến TP.HCM dự định phát triển máy bay siêu nhẹ, nhưng không thành công. Họ là dân chuyên nghiệp trong một số môn thể thao mạo hiểm, và đã từng kinh qua khá nhiều quốc gia để khai thác thị trường cho các môn này. Sau 2 năm, tiến trình triển khai vẫn chậm chạm vì nhiều lý do khách quan, nhưng họ vẫn không về nước mà chuyển sang thử nghiệm những môn khác, như dù lượn, leo núi... Có thể nói, đây là những người góp phần đem đến sắc thái mới cho thể thao mạo hiểm Việt Nam.

Đến năm 1996, Didier Rexach lên Đà Lạt, khai trương môn leo núi với văn phòng có tên Action Dalat. Công ty này sau đó chuyển về Sài Gòn đổi tên là Action Max.
Hiện tại, có một số công ty chuyên tổ chức những tour du lịch mạo hiểm như Công ty du lịch Hồng Bàng, Công ty dã ngoại Lửa Việt… thậm chí còn có cả công ty đầu tư dịch vụ leo núi trong nhà, với các vách đá nhân tạo để phục vụ những người thích làm quen với cảm giác mạo hiểm.
Trần Xuân Đức, công ty Youth Action Việt Nam hiện là một người có tiếng trong mảng tổ chức các tour leo núi mạo hiểm.

Năm 1997, khi 21 tuổi, đang là SV khoa Toán - Tin, ĐH Đà Lạt, một lần anh tình cờ được tham gia một tour leo núi tại Langbiang do công ty Action Đà Lạt của Didier Rexach tổ chức.
“Cảm giác lần đầu đứng trên một mỏm đá dựng đứng cao 25m nhìn xuống, phía dưới sâu hun hút khiến tôi hơi lạnh gáy. Thực sự là vừa sợ vừa thích.

Sau khi tự mình dùng dây đi xuống mặt đất an toàn tôi có cảm giác rất mới lạ. Tôi nghĩ con người còn có những khả năng diệu kỳ mà đôi khi ta không tự biết. Quan trọng là có biết cách khai thác nó không. Mặt khác, khi người ta đã nghĩ và chế tạo ra những dụng cụ để hỗ trợ bạn vượt qua những thách thức thì hãy cứ tận dụng để tự trải nghiệm”. Sau vài lần đi theo tour, Đức bắt đầu đam mê và chuyển sang nghề hướng dẫn viên leo núi lúc nào không hay.

Tiếng gọi nơi hoang dã…

Đức kể, thời gian đầu, gia đình và bạn bè chỉ thấy ngạc nhiên là “người ta hướng dẫn du lịch thì trắng trẻo và ăn mặc lịch sự còn thằng Đức là hướng dẫn mà da đen và lúc nào đi tour cũng mặc quần short”.
Ngoài LangBiang, công ty anh còn tổ chức các tour tương tự ở thác Datanla (Đà Lạt), Bửu Long (Sài Gòn), Hòn Rơm Mũi Né (nhưng vách đá ở đây không tốt), Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), Ba Vì...
Trung bình mỗi năm, loại hình du lịch này đón khoảng 200 lượt khách, mỗi lượt từ 2 cho đến 15 người. Tuy nhiên, khách nước ngoài vẫn là chủ yếu, “có thể vì dân ta vẫn chưa quen với những trò mạo hiểm”.
“Về nguyên tắc, leo núi mạo hiểm rất an toàn vì khi sản xuất thiết bị, người ta đã tính toán thông số kỹ thuật, nhưng không có nghĩa là an toàn tuyệt đối vì nó còn phụ thuộc vào địa hình khí hậu và thời tiết” - Đức cho biết.

Để chuẩn bị cho việc leo xuống, phải đi lên đỉnh núi theo một quãng đường dài vài cây số trong lòng núi. Có những đoạn vượt qua vực khá nguy hiểm. Đã từng có người tử nạn khi sơ suất mắc kẹt chân dưới đá, trong lúc lũ bất ngờ ập tới.
Bản thân anh cũng nhiều lần phải vận dụng kinh nghiệm để đối phó với các biến cố. “Một lần đưa khách đi tour Canyoning tại Đà Lạt, nửa đường, nhìn nước thấy đục và khác so với mọi hôm, tôi quyết định dừng tour. Nhiều khách ngạc nhiên không hiểu, khi tôi chuyển khách đến vị trí an toàn để trở về thì lúc đó nước đã dâng cao lên gần 1m và chảy rất mạnh”.

Ai cũng biết an toàn là quan trọng. Nhưng được liều lĩnh một chút để đánh đổi những cảm giác thách thức cũng rất thú vị. Đội Fan bụi Xuân leo Fan đầu năm 2007 khiến nhiều người chú ý vì quyết định: leo Fan không cần tour guide, tự gùi đồ không cần porter. Tự định vị và tìm đường bằng các thiết bị chuyên dụng.

Kết quả: Lạc đường mất 2 ngày đêm trong rừng, phải lần theo một con đường mòn hết sức khó khăn, trơn trượt, nằm ven sát vách núi. 5 ngày dạ diệt, có lúc phải dùng dao phát quang cây cỏ xung quanh để đủ chỗ dựng trại, nhặt cây ướt về làm củi đun tạm để nấu cơm. Dù thể lực hoàng tráng nhưng cũng có khi tưởng như kiệt sức, thấm thía hơn bao giờ hết cảm giác “đường đến ngày vinh quang”.

“Cứ nghĩ đến cảnh nhìn lên trời toàn một màu xanh ngắt, mây lúc đấy chỉ ở dưới chân mình là lòng mình lại cảm thấy rạo rực. Những bông hoa đỗ quyên, những cánh rừng trúc bạt ngàn, những đêm vất vả leo trong bóng tối, những tiếng cười đùa khúc khích trong lều giữa đêm khuya và cả niềm hạnh phúc vô cùng khi chạm tay vào cái đỉnh chóp nhọn nữa chứ. Tất cả tạo nên một cảm xúc vô bờ bến…” - Nguyễn Văn Huy, thành viên đoàn Fan Trăng Rằm (đón Rằm tháng Giêng trên đỉnh Fan) hào hứng.
Vừa “tụt” từ đỉnh Fan xuống cách đây hơn 2 tháng, cậu lại chuẩn bị trở lại vào dịp 30/4 để chia sẻ những khoảnh khắc hạnh phúc cùng cô bạn gái. Đây chẳng phải là trường hợp hiếm hoi. Có người còn mê Fan đến mức đã thượng sơn lần thứ 9.

... 10 năm trong nghề, đến giờ nhìn lại, Đức vẫn khẳng định anh không hề hối hận khi bỏ qua ngành học được đào tạo chính quy, để theo đuổi đam mê mạo hiểm này.
“Hiện tại, tôi vẫn tiếp tục tìm hiểu thêm những gì chưa biết hoặc mới mẻ có liên quan đến môn này, tổng hợp lại và phổ biến cho những người chơi. Leo núi mạo hiểm chưa phát triển mạnh ở Việt Nam, nhưng tôi tin nó có tiềm năng rất lớn, trong vài năm tới”.


Hoàng Lê
Theo VietNamNet, ảnh internet

Vật dụng leo núi
@ Leo Fansipan
- Ba lô du lịch nhiều ngăn: Tốt nhất là ba lô chống nước, có dây cài ở bụng, để ôm sát lưng khi leo núi, đỡ tốn sức.
- Giầy: Loại thể thao đế cao su hoặc loại giầy vải cao cổ (Mềm, đỡ đau chân và bám chắc mặt đất).
- Tất: cotton cao cổ giữ ấm (2 đôi) và tất chống vắt
- Bọc khớp mắt cá và bọc đầu gối: Tránh chấn thương khi va chạm, đồng thời khi xuống núi nó giữ cho khớp xoay đúng vị trí, tránh trẹo khớp.
- Quần: Quần rộng ống, ở gấu có dây buộc túm cho gọn gàng.
- Áo: Khi leo thì nên mặc áo thun thấm mồ hôi dài tay. Khi dừng nghỉ thì khoác áo ấm tránh gió.
- Găng tay: Nên mua loại bảo hộ lao động dệt bằng vải sợi, có gai nhựa mặt trong (giúp thoải mái bám víu vào mọi nơi).
- Mũ: Có thể mua loại mũ của bộ đội biên phòng (có trùm kín tai cho ấm), giá 8.000đ.
- Đèn pin du lịch loại nhỏ
- Còi: Đeo cổ, đề phòng lúc cần báo động (như bị tai nạn, cần trợ giúp.. )
- Áo mưa: Tránh sướng, đỡ gió, đặc biệt trong điều kiện thời tiết không tốt
- Nilon: Che, quây đồ đạc
- Thuốc lặt vặt: Dầu cao, dầu gió, thuốc kháng sinh, thuôc cảm, đau bụng, sát trùng, băng urgo, salon gel chống mỏi cơ.

@Leo núi mạo hiểm
- Dây thừng: Thông dụng nhất là loại lõi xoắn bằng sợi thuỷ tinh. Giá từ 100-200 USD tuỳ loại.
- Đai leo núi: Hệ thống được “mặc” bao quanh thân người, có thiết bị gắn với dây thừng trong quá trình leo. Có 3 loại: Đai eo (bao quanh eo và 2 đùi), đai ngực (bao quanh vai) và đai toàn thân.
- Thiết bị điều chỉnh lên xuống: Cho phép chỉnh dây thừng theo hướng xác định. Thiết bị này vừa được gắn vào đai leo núi, đồng thời kẹp vào dây thừng.
- Mỏ neo: Hệ thống những nút móc, nhằm gài vào các vách núi. Giúp người leo núi giữ tốc độ khi xuống. Nên có nhiều cái dự phòng.
- Mũ bảo hiểm: Bảo vệ đầu khỏi va chạm với vách đá.
- Găng tay chuyên dụng: Tránh bị rát tay khi nắm dây thừng
- Giầy leo núi: Tốt nhất là loại đế cao su, có ma sát lớn, có đệm mắt cá chân giúp cho việc di chuyển nhẹ nhàng.
- Bọc đầu gối và bọc khuỷu tay
- Túi đựng đồ: Đựng tất cả những vật dụng lặt vặt

Kỳ 3: Trekking: Lông Nhông trên những nẻo đường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét