Thứ Năm, 2 tháng 12, 2010

Thưởng ngoạn cảnh đẹp Núi Sập

Một trong những ngọn núi góp phần tạo thêm vẻ đẹp cho vùng bảy núi An Giang, đó là núi Sập nằm cách TP. Long Xuyên 26km, thị trấn núi Sập nằm trên tuyến đường dẫn đến các khu du lịch nổi tiếng khác trong tỉnh.

Núi Sập có tên chữ là Thoại Sơn, là trái núi lớn nhất nằm trong cụm núi Sập bao gồm bốn núi: núi Sập, núi Nhỏ, núi Bà và núi Cậu, nằm trên địa bàn huyện Thoại Sơn. Núi Sập có độ cao 85m với chu vi 3.800m, cách thành phố Long Xuyên 29km theo đường tỉnh lộ 943.

Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức mô tả núi này như sau:

Thoại Sơn, tục gọi là núi Sập, ở huyện Vĩnh Định, bờ phía đông sông Thoại Sơn (tục gọi rạch Ba Rách), phía bắc cách cửa Thoại Hà hơn 69 dặm. Từ sông lớn quanh phía bắc sang đông, đến trấn thành 283 dặm. Núi cao 20 trượng, chu vi 11 dặm rưỡi, đỉnh núi nguy nga, cây cao bóng cả, đẹp đẽ trang nghiêm tợ như cái lọng đẹp ở biên giới phía tây.

Có Hương Tuyền (suối Thơm) chảy về tây 50 tầm đến đường sông mà bề sâu thuyền có thể đi được. Phía tây nam chân núi có Bửu Sơn (tục gọi là núi Cậu), xanh tốt cao 7 trượng, chu vi 1 dặm rưỡi, suối ngọt, đất tốt, cỏ cây tươi mượt, sơn dân ở vây quanh.

Vì vùng gần Cao Miên, hoang vu mút mắt, nếu dùng đường thủy thì phải do đường Kiên Giang; mà con sông này đầy cỏ lác, bùn lầy ứ đọng, chỉ lúc mưa lụt ghe thuyền mới qua lại được.

Tháng 4 năm Mậu Dần, niên hiệu Gia Long thứ 17 (1818), vua sai Trấn thủ Vĩnh Thanh là Thống chế Thoại Ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại kinh lý đường sông, việc hoàn thành, vua ban cho tên núi là Thoại Sơn để nêu danh tốt thần núi và cũng để ghi thành tích công lao của bậc nhân thần. Lại lệnh cấm dân chợ, dân Thổ đốn chặt cây cối để giữ lấy sinh khí, nhìn thấy non xanh mây phủ, suối đá ngọc ôm, thần sông nhượng đức, mẹ đất chứa linh, trấn giữ miền hiểm yếu, nêu sức mạnh để củng cố cõi Nam ta mà dâng thọ.

Trước kia, núi Sập có hình con thỏ nằm phủ phục bên những đồng lúa xanh ngút ngàn đến tận chân trời. Theo thời gian, ngọn núi bị biến dạng thành những hình khối muôn màu, vẽ lên một không gian núi non huyền bí.

Sườn phía Tây của núi Sập có danh thắng bậc nhất của vùng núi Thoại Sơn: hồ số 1, hồ số 2, hồ Ông Thoại, được thông nhau bằng các đường hầm xuyên núi và hang núi Sập. Ba hồ nước này chỉ được tạo ra cách đây vài năm khi núi Sập bị con người khai thác sâu vào chân núi để làm nên những sản phẩm bằng đá độc đáo.

Dọc theo triền núi quanh co, du khách có dịp tản bộ dưới những tán lá râm mát của cây rừng, tham quan vài ngôi chùa nằm rải rác trên núi. Nơi đây còn có một hang nhỏ gọi là Hang dơi nằm sau mấy gộp đá lớn, du khách có thể nghỉ ngơi ở đây để tận hưởng không khí mát mẻ của gió núi, vừa cảm nhận được nét thơ mộng của một vùng núi giàu tiềm năng về du lịch.
Một hệ thống đường lên núi cũng đã được mở rộng để lên đỉnh, dù không cao lắm nhưng vẫn tạo cho bạn cảm giác sảng khoái nhờ khí trời trong lành và từ đó phóng tầm mắt bao quát được cả thị trấn Núi Sập, xa hơn nữa là cánh đồng lúa mênh mông, vào mùa đốt đồng khói lan tỏa trắng xóa, huyền ảo.

Sự kết hợp hài hoà giữa nét hoang sơ của núi rừng cùng với sự hùng vĩ của thiên nhiên đã làm cho núi Sập không cao nhưng rất đẹp và thơ. Đó là những sợi nắng vàng óng của bầu trời pha lẫn chút tím biếc của núi rừng cùng màu xanh của cây lá hoà quyện với màu lam nhạt cùa nước hồ bên dưới chân núi đã làm cho cảnh đẹp nơi đây thêm quyến luyến bước chân người.

Tổng hợp từ báo Nội Thất, An Giang, Wikipedia - ảnh internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét