Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2011

Du lịch Hồ Đa Nhim

Hồ Đa Nhim thuộc thị trấn Đran huyện Đơn Dương tỉnh Lâm Đồng nên thường gọi là hồ Đơn Dương, cách thành phố Đà Lạt( về phía Phan Rang và Ninh Thuận) khoảng gần 40km. Diện tích mặt hồ là 9,7km2, ở độ cao khoảng 1.042m so với mực nước biển. Nước trong hồ bắt nguồn từ hai con sông Đa Nhim và sông Kronglet. Thời tiết ở đây xen lẫn giữa ôn đới và nhiệt đới, nắng mưa luân chuyển nhau.

Toàn cảnh Hồ Đa Nhim là sự kết hợp tuyệt vời giữa non nước, trời mây tạo nên một thắng cảnh tuyệt vời cho miền đất Đà Lạt thu hút nhiều du khách đến tham quan.

Hồ Đa Nhim là một công trình độc đáo của Đông Nam Á do người Nhật thiết kế. Nhìn từ đèo Ngoạn Mục cách gần cả mấy cây số về phía hồ: du khách có thể nhìn thấy hai đường ống rất lớn chạy song song nhau, dài khoảng gần 2km để dẫn nước từ trên núi xuống nhà máy nằm dưới chân đèo.

Tại nơi hợp lưu giữa sông Đa Nhim và sông Kronglet là một cái đập dài 1.460m với chiều ngang đáy đập 180m, mặt đập rộng 6m, cao gần 38m. Du khách sẽ ngạc nhiên hơn nữa khi nhìn xuống đáy hồ, tại chỗ này người ta xây dựng một đường hầm thủy áp dài tới 5km, rộng 3,5km chạy xuyên qua lòng núi đá graint đưa nước sông Đa Nhim từ sườn đông về sườn tây đến đầu dốc Eo Gió.

Không chỉ là một thắng cảnh đẹp hồ Đa Nhim còn là nơi cung cấp thủy điện lớn cho các tỉnh lân cận như Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa. Khách đến tham quan cảnh đẹp thiên nhiên hồ Đa Nhim còn có dịp tìm hiểu về công trình nhà máy thủy điện Đa Nhim được xây dựng ngay trên hồ. Đây là một công trình thủy điện lớn của Việt Nam được xây dựng từ năm 1962 đến 1964.

Gần đó có một địa điểm tham quan nổi tiếng của Việt Nam là đèo Ngoạn Mục hay còn gọi là đèo Sông Pha thuộc địa phận của tỉnh Ninh Thuận-một trong những đèo núi đẹp nhất Việt Nam. Đèo nằm trong khu vực chuyển tiếp giữa đồng bằng ven biển Nam Trung Bộ và cao nguyên Đà Lạt, ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, dài 18,5km với con đường vừa uốn lượn vừa gấp khúc, đặc biệt có đoạn cua gần như là một vòng tròn khép kín. Do vậy đây cũng là đèo có độ dốc lớn nhất ở các tỉnh phía nam.

Từ trên đèo nhìn xuống thấy bờ vực sâu thẩm, dốc đứng. Đứng trên đèo này, du khách có thể nhìn thấy toàn cảnh nhà máy thủy điện Đa Nhim, thấy đường bờ cát trắng dài và phong cảnh nên thơ của hồ. Ở tít xa xa, thấp thoáng là đồng bằng của Phan Rang và dòng sông Cái một màu xanh biếc.

Đèo Ngoạn Mục là một bức tranh hài hòa vói những suối thác cắt ngang vách núi và hệ thực vật khá đa dạng phong phú.

Buổi chiều phía Phan Rang rừng rực lửa tím như nho trên giàn chưa cắt, chiều se lạnh mà trời xanh ngăn ngắt. Hồ Đa Nhim khi gió dừng thổi, lặng đến im lìm, không một gợn sóng, nước thì xanh thăm thẳm.

Con đập thẳng tắp ngăn đôi bình nguyên Đơn Dương nối hai sườn núi dài 1.460m, cao sừng sững 38m, đáy rộng 180m, đỉnh còn 6m, tích nước từ hai sông Đa Nhim và Kronglet hòa vào. Hồ Đa Nhim có diện tích 9,7km², ở độ cao xấp xỉ 1.042m. Nước từ hồ theo hai đường hầm bê tông xuyên núi dài 5km tới chóp núi thì ùa vào hai ống thép có đường kính 2m (càng xuống càng nhỏ dần còn 1m), vận hành bốn tuôcbin sản sinh thêm 7.880kW điện, đủ dùng cho cả tỉnh Ninh Thuận.

Thời tiết ở Đa Nhim đan xen giữa ôn đới và nhiệt đới, nắng mưa luân chuyển như tính khí của cô gái mới yêu. Ở chân đèo Ngoạn Mục, mưa tuôn sương giăng mờ mịt, lúc đó hai rồng bạc nhòa mờ... Nhưng đừng thất vọng, hãy kiên nhẫn đứng dưới tán xoan chờ một chút. Mưa tạnh, trời hửng mây tan, đôi rồng bạc lại uốn khúc lộ từng đoạn lấp lóa trong màu xanh của núi rừng.

Với vẻ đẹp quyến rũ của hồ, theo dự án nơi đây sẽ xây dựng khu du lịch sinh thái rừng hồ Đa Nhim(theo dự án là từ năm 2008-2013). Đây là khu du lịch sinh thái, lịch sử, văn hóa, du lịch vui chơi giải trí lớn của Việt Nam trong tương lai.

Tổng hợp từ Vnexplore, Chudu24

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét