Thứ Hai, 17 tháng 1, 2011

Nguyên sơ bãi đá cổ Nấm Dẩn (Hà Giang)

Bãi đá cổ Nấm Dẩn: Nằm chênh vênh trên triền núi cao quanh năm mây phủ, bên những bản người Mông của xã Nấm Dẩn, huyện Xín Mần có khu di tích đá cổ chạm khắc các hình vẽ từ cách đây cả nghìn năm.

Nằm chênh vênh trên triền núi cao quanh năm mây phủ, bên những bản người Mông của xã Nấm Dẩn, huyện Xín Mần (Hà Giang) có khu di tích đá cổ chạm khắc các hình vẽ từ cách đây cả nghìn năm.

Những người dân xã Nấm Dẩn bên phiến đá có chạm khắc hình vẽ cổ. Khác với di tích đá cổ ở Sa Pa (Lào Cai), bãi đá cổ Nấm Dẩn còn được ít người biết đến nhưng về mức độ tập trung của di tích và vẻ đẹp các hình vẽ cùng những điều bí ẩn quanh các phiến đá thì không kém phần hấp dẫn.Chúng tôi lên khu di tích bãi đá cổ Nấm Dẩn theo trục đường từ huyện Bắc Quang qua đèo Gió đi Xín Mần. Sau trận mưa rừng lớn, dọc con đường núi gồ ghề, khá nhiều dân bản, thanh niên tình nguyện và các đội công nhân giao thông mải miết san lấp những đoạn đường bị sạt lở đất cùng những ổ voi, ổ trâu.

Anh Hải, Phó Giám đốc Sở Thương mại - Du lịch Hà Giang nói với chúng tôi: "Biết có đoàn các doanh nghiệp lữ hành lên khảo sát bãi đá cổ Nấm Dẩn, lãnh đạo huyện đã túc trực cả tuần ở những cung đường bị tắc nghẽn do mưa lớn để chỉ đạo, động viên giải tỏa. Cái chính là nhân dân ở đây rất nhiệt tình ủng hộ vì họ mong muốn du khách lên với Xín Mần, với Nấm Dẩn và hiểu những lợi ích mà du lịch sẽ mang lại cho cộng đồng". Mỗi lần xe ô-tô đi qua, nhiều người dân bên đường và công nhân giao thông đều ngẩng lên cười, vẫy tay chào đầy tình cảm và lưu luyến. Anh Hải giải thích, người vùng cao là thế, gặp ai cũng hồ hởi dù mới chỉ gặp lần đầu bởi đất rộng, người thưa, nhìn thấy nhau cũng đã là quý lắm rồi.

Ðể lên khu di tích bãi đá Nấm Dẩn có chạm khắc các hình vẽ cổ, đoàn khảo sát đã phải dừng xe ô-tô và làm một cuộc lội bộ băng suối và leo qua một quãng đồi núi chừng khoảng hơn 1.000 m, xuyên qua thung lũng bạt ngàn ngô xanh đang mùa trổ bông. Dọc hai bên đường là một số di tích cự thạch mới được các cán bộ Viện Khảo cổ học Việt Nam phát hiện vào cuối năm 2006 và đầu năm 2007.

Theo hướng dẫn của chị Lý, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Xín Mần, các di tích cự thạch này nằm giữa dãy núi Tây Ðản phía bắc và dãy núi đồi Nấm Dẩn ở phía nam, ngay gần sát với con suối Nậm Khoòng. Suối không lớn nhưng cũng đủ để tạo thành các thác nước nhỏ nhiều ghềnh đá và chảy xiết bởi độ dốc cao với cảnh quan khá đẹp. Nhiều tảng đá trầm tích lớn nằm dọc bờ suối với hình thù đa dạng và độc đáo, có tảng đá như một bàn cờ phẳng, có tảng lại giống tấm phản nằm hay một chiếc ghế ngồi. Mỗi tảng đá đều gắn với những câu chuyện ly kỳ mang dấu ấn tín ngưỡng, thể hiện sự linh nghiệm cầu ứng các đấng thần linh của nhân dân các dân tộc thiểu số trong vùng.

Trong số các di tích này có hai tảng đá được gọi là cự thạch (đá lớn) của người tiền sử để lại. Di tích thứ nhất nằm cách bãi đá có hình khắc cổ khoảng 700 m về phía đông, là một tấm đá phiến magma biến chất (gọi là tấm trầm), có hình khối khó xác định, dài từ 2,3 m đến 2,4 m, rộng từ 1 m đến 1,1 m, dày từ 0,35 m đến 0,40 m, bề mặt khá phẳng. Trên bề mặt và ở các rìa cạnh của tấm đá còn giữ nguyên trạng thái phong hóa tự nhiên. Không có dấu vết gia công nhân tạo mà chỉ có sự sắp đặt lại của các cư dân cổ khi xếp chồng tấm đá này lên trên tảng đá lớn bên dưới bằng ba khối đá nhỏ hơn, kê theo hình tam giác. Sự tác động trong sắp đặt cấu trúc các tảng đá theo chủ đích nhất định đã khiến nó phân biệt hẳn với các tảng đá tự nhiên khác.

Di tích thứ hai nằm cách di tích thứ nhất 70 m về phía tây với kết cấu, sắp đặt các hòn đá kê bên dưới tương tự như di tích thứ nhất. Chị Lý cho biết, các nhà nghiên cứu của Viện Khảo cổ học và nhiều nhà dân tộc học khi lên đây đã cho rằng, di tích cự thạch Nấm Dẩn là loại hình di tích khảo cổ có niên đại khoảng 2.000 năm và rất hiếm có ở Việt Nam. Loại hình di tích này còn được gọi là Dolmel, một trong những loại hình của văn hóa cự thạch (Megalithic culture), có thể là di tích mộ của thủ lĩnh cộng đồng hoặc là khu đất thiêng, thờ cúng thần linh, tổ tiên và các nhân vật lỗi lạc của cộng đồng dân cư. Ngoài ra, di tích cự thạch Nấm Dẩn còn có khả năng liên quan tục thờ thần đá của các cư dân tiền sử ở đây.

Vượt qua khu di tích cự thạch, đi thêm khoảng gần 500 m đường mòn ven theo triền núi, chúng tôi lên tới khu bãi đá có hình vẽ chạm khắc cổ ở ngay giữa bản người Mông thôn Nấm Dẩn.
Trong toàn khu vực xã Nấm Dẩn có bốn tảng đá chạm khắc hình vẽ cổ nhưng tảng đá ở thôn Nấm Dẩn có nhiều hình vẽ được chạm khắc nhất với tổng số 79 hình cụ thể gồm: 40 hình tròn, hai hình chữ nhật, một hình vuông, sáu hình hồi văn hình vuông, hai hình hồi văn hình tròn, sáu hình vạch khắc song song giống như bậc thang, năm hình biểu tượng sinh thực khí nữ, hai hình bàn chân người, bốn hình người trong tư thế giơ hai tay, dạng hai chân, một số hình như mô tả ruộng bậc thang, đồi núi, còn lại là những hình với nhiều hình thù khác nhau.

Dựa vào sự so sánh tạo hình, mô-típ thể hiện với các di tích đồng dạng trong khu vực, các nhà nghiên cứu đã đi tới những kết luận ban đầu khi cho rằng hình vẽ trên đá ở Nấm Dẩn có niên đại khoảng hơn 1.000 năm. Nhưng điều bí ẩn là những hình vẽ đó nói lên điều gì thì vẫn là một vấn đề chưa được giải mã. Ðã có nhiều ý kiến cho rằng, các hình vẽ này là sự ghi chép đồ họa, hình họa tương tự như bản đồ về một vấn đề gì đó của khu vực hoặc là những hình vẽ gắn với tín ngưỡng thờ mặt trời, v.v. Một trong những bí mật khác cũng chưa có lời giải đáp đang cần sự quan tâm của các nhà khoa học còn là mối liên hệ giữa chủ nhân các di tích cự thạch và chủ nhân các hình khắc vẽ cổ ở Nấm Dẩn.

Tuy nhiên, điều quan trọng là các giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng của di tích bãi đá cổ và sự quan tâm bảo vệ, phát huy những giá trị đó trong khai thác du lịch, thu hút khách đến với Xín Mần của các cơ quan chức năng. Một ban quản lý bãi đá cổ với sự tham gia tự giác của người dân địa phương, sự chỉ đạo của huyện đã được thành lập. Tỉnh Hà Giang và huyện Xín Mần cũng đã cho xây dựng tại đây một nhà sàn văn hóa làm nơi đón khách và lập hàng rào kiên cố bảo vệ chung quanh di tích đá cổ. Thời gian tới, đang có khá nhiều hãng lữ hành có ý định đưa di tích này vào là điểm đến trọng điểm trong chương trình du lịch đi bộ, thăm các bản làng ở Hà Giang.

Theo báo Nhandan, ảnh internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét