Là một quần thể núi đá, núi đất khá cao, xen kẽ lẫn nhau, nhấp nhô, uốn khúc qua địa phận của 3 xã Trường Thành, An Tiến và An Thắng của huyện An Lão, thành phố Hải Phòng. Cảnh sắc thiên nhiên và những giá trị lịch sử văn hoá của Núi Voi là niềm tự hào của người Hải Phòng, đã đi vào ca dao:
Kiến An có núi ông Voi
Có sông Văn Úc, có đồi Thiên Văn
Ai về An Lão quê tôi
Ghé thăm phong cảnh núi Voi oai hùng
Từ những thập kỷ 30 của thế kỷ XX, những nhà khảo cổ Pháp đã khám phá và khẳng định: khu vực núi Voi Xuân Sơn là một di tích khảo cổ học. Nơi đây là một cái nôi của những người tiền sử và sơ sử. Những công cụ lao động của người cổ hiện nay được trưng bày tại Bảo tàng Núi Voi như: rìu đá, bôn đá, quả cân đá, bàn mài đá... Những vũ khí bằng đồng: giáo đồng, dao găm đồng... đã minh chứng cho một thời kỳ phát triển của văn hoá Đông Sơn ở núi Voi Xuân Sơn.
Thế kỷ thứ XVI, vương triều Mạc đã từng đóng binh, thiết lập và xây dựng căn cứ tiền tiêu lớn ở đây để bảo vệ vùng cửa ngõ Dương Kinh (Dương Kinh Ngũ Đoan, quê hương nhà Mạc).
Nhà Mạc đã cho xây cung điện, thành quách, đào sông, khơi lạch, tu tạo chùa chiền ở khu vực núi Voi. Tiếc rằng những công trình này nay không còn nữa, chỉ lưu vết lại qua dấu tích tên một số địa danh như hang Chạn (bếp ăn), Đấu đong quân, kênh nhà Mạc, cung công chúa...
Với vị trí hiểm yếu, thuận về tấn công, phòng thủ và lưu binh bảo toàn lực lượng, khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, núi Voi trở thành căn cứ khởi nghĩa chống Pháp do Lãnh Tư, Cử Bình chỉ huy.
Đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Pháp do Đảng lãnh đạo, núi Voi là một trận địa phòng không quan trọng bảo vệ cửa ngõ Tây Bắc Hải Phòng. Trung đội nữ du kích núi Voi đã bắn rơi máy bay Mỹ, thành tích đó đã được Bác Hồ gửi thư khen và tặng huy hiệu của Người. Cũng tại đây, Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ hai (tháng 4/1968) đã thông qua nghị quyết động viên nhân dân Thành phố Cảng quyết tâm đánh bại mọi âm mưu và hành động xâm lược của Mỹ, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của địch.
Khu di tích danh thắng núi Voi còn ghi dấu nhiều địa chỉ đỏ, mãi mãi là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố như hang Thành uỷ, hang Huyện uỷ, hang ông Vin, trận địa súng phòng không... và truyền thống Du kích Núi Voi. Đây là di tích lịch sử, thắng cảnh được xếp hạng sớm nhất của thành phố Hải Phòng (28/4/1962).
Chùa Long Hoa bốn mùa thanh tịnh
Đình Chi Lai trung chính sườn non
Tương truyền, chùa Long Hoa xây dựng từ thời nhà Lý (thế kỷ 11). Do chiến tranh phá huỷ, ngày nay chùa không còn nữa. Song tên tuổi và vẻ đẹp u tịnh, cổ kính của nó vẫn lắng đọng và được truyền lại từ đời này qua đời khác.
Đình Chi lai hiện tại là công trình kiến trúc gỗ cổ không rõ năm xây dựng. Đình thờ Cao Sơn Đại Vương, một bộ tướng tâm phúc của Hùng Duệ Vương (Vua Hùng thứ 18). Bên cạch đình Chi Lai có ngôi chùa Chi Lai (tên chữ là Linh Sơn tự). Phần thượng điện của chùa có kết cấu kiến trúc khung gỗ làm vào thế kỷ 19. Phần tiền đường chùa mới được phục dựng.
Núi Voi có nhiều hang động đẹp: hang Họng Voi, hang Chiêng, hang Cá Chép, hang Bể... Phía nam núi Voi có động Nam Tào, phía bắc có động Bắc Đẩu. Trong hang động có nhiều nhũ đá, măng đá với muôn hình kỳ lạ như rồng chầu, hổ phục, đầu voi... Trên đỉnh núi Voi có một khoảng đất tương đối bằng phẳng gọi là bàn cờ cõi tiên.
Hàng năm vào trung tuần tháng Giêng, Lễ hội truyền thống Núi Voi mở trong 3 ngày( 15,16 17). Khách đến lễ hội rất đông vui. Trong lễ hội, nhiều hoạt động văn hoá, thể thao được tổ chức, thoả mãn một phần rất đông của khách thập phương. Tương lai, nếu được đầu tư xây dựng, nâng cấp thêm cho các di tích, công trình thể thao, văn hoá, chắc chắn quần thể di tích, thắng cảnh Núi Voi - Xuân Sơn sẽ còn thu hút nhiều hơn nữa du khách tới thăm quan.
Tổng hợp từ Yeudulich, Quehuongoi, Haiphong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét