Hàng năm cứ sau rằm tháng Chạp, phố Hàng Lược lại tưng bừng náo nhiệt bởi chợ hoa truyền thống, vốn đã có từ đầu thế kỷ XX.
.
Đông vui nhất vẫn là ngã tư Hàng Lược, bạt ngàn đào thắm, đào phai, xen kẽ những cây đào rừng đem từ Tây Bắc về. Người dân Hà Thành ai cũng cố tình tìm cho mình một cành đào như ý để chơi tết.
Chợ hoa Hàng Lược thường họp từ 23 tháng Chạp – ngày ông Táo về chầu trời – và Ban quản lý chợ thường phải dùng vôi trắng vẽ vạch chia ô để từng hộ đăng ký thuê chỗ đứng bán hàng. Chợ họp kéo dài suốt từ sáng sớm cho tới tận đêm khuya. Nhiều năm sát lúc giao thừa, chợ mới tan bởi những người bán hàng muốn nán lại để bán nốt các cây hoa cảnh.
Bây giờ, ở chỗ nào người dân cũng có thể mua được đào, quất, hoa Tết và thậm chí đội quân bán dạo còn tiếp thị tận cửa nhà rất đông. Song, nhiều gia đình Hà Nội vẫn giữ thói quen tới chợ Hàng Lược trong phiên chợ Tết để mua sắm, thưởng thức không khí, vẻ đẹp của chợ hoa. Ba, mẹ tôi cũng vậy, thường đi chợ hoa Tết Hàng Lược vào đúng ngày 30 cuối năm và khi đi thường kéo theo cả gia đình, con cháu để ngắm, bình phẩm về hoa, cây cảnh sẽ mua…
Phố Hàng Lược ngày nay thuộc phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố dài 264m, nối từ phố Hàng Cót đến phố Chả Cá. Nơi đây, nguyên là đất thôn Phủ Từ và thôn Vĩnh Trù, tổng Hậu Túc (sau đổi là tổng Đồng Xuân) huyện Thọ Xương cũ. Ngày nay, ở phố Hàng Lược vẫn còn hai ngôi đình cũ: Đình Phủ Từ ở số nhà 19 và đình Vĩnh Trù ở số nhà 59.
Vào thời Lê và đầu thời Nguyễn, đây là nơi tập trung các nhà sản xuất và buôn bán lược chải đầu. Sang thế kỷ XX thì ở đây không thấy có nhà nào sản xuất hay bán lược nữa. Trước kia, ở khoảng giữa phố có một cái cống bắc chéo qua sông Tô. Từ đó, người ta quen gọi phố này bằng một cái tên là Cống Chéo-Hàng Lược.
Sông Tô vốn từ cửa sông (nơi phố Chợ Gạo ngày nay) qua các phố Nguyễn Siêu, Ngõ Gạch, cắt ngang phố Hàng Đường rồi đi lên phía Bắc, qua phố Hàng Lược, nhập vào dãy hào ngoài tường thành phía Bắc (tức phố Phan Đình Phùng) rồi lên Bưởi...
Như vậy là phố Hàng Lược đã chạy dọc trên bờ phía Đông của sông Tô, có đoạn lại chính là lòng sông. Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp phá thành Hà Nội, lấp luôn cả sông Tô và phố Hàng Lược được đặt tên mới là “rue du sông Tô Lịch” tức phố sông Tô Lịch.
Sau Cách mạng Tháng Tám, lấy tên là phố Hàng Lược. Nhưng, phố Hàng Lược còn có một mặt hàng mỗi năm chỉ xuất hiện một lần - đó là hàng hoa. Hàng năm, cứ vào khoảng từ Tết ông Công ông Táo (23 tháng Chạp) cho tới tận chiều ngày 30 Tết, chợ hoa họp ngay trên đường phố Hàng Lược.
Trước kia, khi chưa có chợ Đồng Xuân, thì chợ chính của “Hà Nội 36 phố phường” là chợ Cầu Đông. Chợ này họp ở cả hai bên bờ sông Tô, ngày nay là đoạn đầu phố Hàng Đường. Hoa cũng là một thứ hàng hóa bán ở đây.
Sang thời Pháp thuộc, thực dân dẹp chợ này đi, xây chợ Đồng Xuân và thế là hàng hoa cũng phải theo về đấy, ở cái cầu chợ cuối cùng sát ngay lề đường phố Hàng Khoai.
Nhưng tới khoảng 1910-1915 trở đi, cầu chợ đó không chứa nổi “rừng” hoa Tết ngày một phong phú về số lượng và chủng loại. Thế là đào Quảng Bá, Nhật Tân, cúc Ngọc Hà, Hữu Tiệp... và các loại hoa mới ở quanh hồ Tây, vườn Bách Thảo chọn ngay phố Hàng Lược làm nơi hạ trại. Chợ hoa Hàng Lược từ đó được phát triển. Suốt mấy chục năm qua, không tết nào là không có chợ hoa. Chỉ trừ Tết năm Đinh hợi 1947, lúc đó Hà Nội đang là chiến trường.
Dù chiến sự lan rộng, đồng bào ngoại thành vẫn theo dõi diễn biến của Liên khu I và để bày tỏ tình cảm gắn bó tiền tuyến và hậu phương, người dân làng hoa Nhật Tân, Quảng Bá vẫn gửi hoa vào, coi như quà Tết mừng Xuân các chiến sĩ Trung đoàn bảo vệ thủ đô. Và thế là hoa đào, hoa cúc... vẫn lộng lẫy khoe sắc khắp phố Hàng Lược.
Trong những năm chống Mỹ ác liệt nhất, chợ hoa có năm phân tán về phố Đường Thành nhưng ở Hàng Lược cũng vẫn có hoa. Có một tết, chính quyền cách mạng đã cho phép phi công lái máy bay Mỹ bị bắn rơi đi xem chợ hoa Hàng Lược trước khi về nước để cho họ tận mắt thấy được nét sinh hoạt thanh lịch, trang nhã của thành phố Thủ đô anh hùng.
Phố Hàng Lược cổ mà lại mới. Hàng Lược đang tự làm mới mình để hòa nhập vào xu thế chung của thời đại, ngoài Nhà thờ Hồi giáo được sửa sang lại, là địa chỉ cho khách nước ngoài theo đạo Hồi đến Việt Nam tham quan và học tập, phố còn có siêu thị, khách sạn, nhà hàng hiện đại.
Ngày nay, Hà Nội đã có rất nhiều chợ hoa như Quảng An, Tây Hồ, Hàng Đậu... nhưng Hàng Lược vẫn là nơi chợ hoa truyền thống được kéo dài đến chiều 30 tết. Hình ảnh trong bài hát “Nhớ mãi tuổi thơ Hà Nội” với “Phố Hàng Lược chợ hoa, phố Hàng Đào lụa tơ, đất Thăng Long người ơi…” quả là đẹp và sẽ chẳng bao giờ già nua với thời gian và mùa xuân.
Tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+, Cuocsongviet, Hanoimoi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét