Du khách thường đến với khu đền thờ và lăng mộ thầy Chu Văn An vào lúc đất trời đang chuyển mình sang xuân, để được thưởng ngoạn cảnh sắc núi Phượng Hoàng (trước thuộc xã Kiệt Đặc, sau năm 1945 được đổi tên thành xã Văn An để tưởng niệm vị “vạn thế sư biểu” của Việt Nam).
Núi Phượng Hoàng nằm giữa một quần thể di tích như Côn Sơn, Kiếp Bạc, Thanh Mai..., cũng là nơi di dưỡng tinh thần của nhiều danh nhân thời Lý - Trần, có rừng thông bạt ngàn và suối mát chảy quanh năm, tĩnh lặng, yên bình khiến tâm hồn người trở nên thanh thản.
Nơi đây mấy trăm năm trước, ông tổ của ngành giáo dục Việt Nam sau khi từ bỏ mũ áo chốn quan trường trở về mở trường dạy học, viết sách, nghiên cứu y dược, sống cuộc đời của một ‘‘tiều ẩn” (tiều phu ẩn dật chốn rừng sâu) an nhàn, vui với cỏ cây mây nước.
Đền thờ Chu Văn An được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia và được trùng tu đầu năm 2008. Đền chính ngày xưa là điện Lưu Quang, nơi thầy Chu Văn An dạy học, nay được xây dựng bằng gỗ lim trên một vị trí thoáng đãng giữa đất trời với lối kiến trúc chữ đinh, chồng diêm tám mái thể hiện sự tôn vinh tầm vóc một danh nhân, những đầu đao trên mái đền cong vút thanh thoát, nóc đắp nổi lưỡng long chầu nhật. Ở bậc cấp dẫn lên đền chính là một đôi rồng đá lớn, có chữ “Học” được viết theo kiểu thư pháp tiếng Việt.
Đền thờ Chu Văn An còn là nơi từng diễn ra nhiều hoạt động nhằm tôn vinh những điển hình trong ngành giáo dục của cả nước. Nhiều trường học ở các tỉnh miền Bắc tổ chức cho học sinh đến đây tham quan kết hợp tuyên dương, khen thưởng học sinh đạt thành tích xuất sắc trong học tập. Khách đến viếng đền đầu xuân thường xin chữ thánh hiền từ các cụ đồ nho - một truyền thống có từ khi thầy Chu Văn An về trường dạy học và được duy trì đến nay.
Tương truyền ngày xưa có khu giếng son, đáy có lớp bùn màu đỏ thắm, được thầy An dùng để viết chữ. Hơn bảy thế kỷ trôi qua, giếng son đã bị vùi lấp nhưng người dân địa phương ngày nay đã chế tác được loại mực son bằng nguyên liệu tự nhiên chỉ có ở đây. Các cụ viết chữ ở đền cho biết du khách thường xin chữ cầu công danh hiển đạt, học hành, khoa cử tiến bộ.
Một nét son khác ở khu đền thờ Chu Văn An là không thu tiền vé khách tham quan. Theo bà Bùi Thị Miên - phó ban quản lý di tích thị xã Chí Linh, việc làm này thể hiện tư tưởng trong nho học ‘‘Hữu giáo vô loài”: nền giáo dục phải đến với muôn dân. Dù là người quyền quý giàu sang hay địa vị thấp kém, từ con vua đến thường dân, chỉ cần có ý muốn học tập thì thầy An đều dạy.
Hằng năm, lễ hội đền được tổ chức ngày 25-8 (âm lịch) để kỷ niệm ngày sinh và ngày 26-11 để tưởng nhớ ngày thầy Chu Văn An từ trần.
Chu Văn An sinh tại Thanh Trì, Hà Nội. Mới ngoài 20 tuổi, ông đã được vua Trần Minh Tông (1314-1329) mời làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám (hiệu trưởng Trường Quốc Tử Giám), dạy học cho con vua và các bậc vương giả trong triều. Thầy từng nói: “Ta chưa từng thấy nước nào coi nhẹ sự học mà khá lên được”.
Năm 1341, Chu Văn An viết Thất trảm sớ dâng vua đề nghị chém đầu bảy kẻ nịnh thần, vi phạm phép nước, gây tổn hại đến quốc gia, tất cả đều là những người thân cận được vua yêu quý. Không được chấp thuận, ông trả mũ áo từ quan về núi Phượng Hoàng dựng nhà dạy học, viết sách, làm thơ rồi mất tại đây năm 1370.
Theo Khachsanexpress
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét