Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2011

Phong tục đón tết của người Dao quần trắng

Người Dao quần trắng sống tập trung ở xã Tô Mậu, xã Trung Tâm, huyện Lục Yên, xã Vũ Linh, Vĩnh Kiên, Bạch Hà, huyện Yên Bình. Người Dao cũng như nhiều dân tộc khác, đều ăn tết vào dịp tết Nguyên đán, song mỗi nhóm người Dao lại có những nét văn hoá đặc sắc riêng để đón tết cổ truyền của dân tộc.

Ông Tướng Văn Bội, thôn Ngòi Tu, xã Vũ Linh tâm sự: "Năm nào cũng vậy, từ đầu năm gia đình người Dao quần trắng trong xã đã phải chuẩn bị một con lợn từ 50 kg trở lên. Lợn phải do chính gia đình nuôi chứ không được mua ở chợ hay nơi khác bởi nếu vậy sẽ không linh ứng và năm đó gia đình không gặp may mắn". Giờ người Dao quần trắng đã biết chăn nuôi theo hướng hàng hoá nên chuẩn bị lợn, gà, lá bánh, lá dong, giò chả cho ngày tết cũng không còn khó khăn như trước.

Bắt đầu từ ngày 28 tết nhà nào cũng phải dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị đầy đủ mọi vật dụng như: tiền, vàng, hoa quả, bánh kẹo giống người Kinh, chuẩn bị các phép, bùa dán vào cổng ra vào 4 góc nhà từ trước tết để tránh được bệnh tật, điều xấu xảy ra với gia đình trong suốt một năm mới.

Nếu gia đình nào có con gái đi lấy chồng xa thì mổ lợn từ hôm 28 cúng tổ tiên, thần linh báo cáo công việc cho con gái mình về làm dâu bên đó được hạnh phúc, bình an suốt cuộc đời, còn nếu lấy chồng gần thì 29 hoặc 30 tết mới mổ lợn. Nghi lễ cúng gia tiên những ngày trước tết cũng giống như người Kinh cúng tất niên, khác một điều là lợn mổ xong phải để cả con dâng lên cúng trong khoảng thời gian 45 phút, sau đó mới đem chế biến làm giò, chả, nhân bánh...

Người Dao quần trắng cũng có quan niệm âm dương ngũ hành và bàn thờ cũng giống người Kinh, song mỗi gia đình lại có thêm một bàn thờ để thờ thánh Linh công, Tôn đại thánh, Bồ tát. Tuỳ thuộc vào tổ tiên gia đình nào thờ thần Linh công, Bồ tát hay Tôn đại thánh thì con cháu cứ thế mà thờ cúng theo.

Người Dao quần trắng quan niệm rằng, các vị thần này sẽ cung cấp lương thực, thực phẩm, tiền bạc, của cải, sức khoẻ và trông coi bảo vệ gia đình. Việc cúng không tiến hành ngoài sân mà được làm trong nhà. Tất niên là cúng cho thánh các vị thần như Linh công, Tôn đại thánh, Bồ tát. Sau đó đến sáng 30 cúng gia tiên gồm thịt lợn, thịt gà, hương hoa, bánh chưng, bánh gio, bánh mật. Vào đêm giao thừa, bắt đầu từ khoảng 23 giờ đêm tất cả mọi nhà đều đóng chặt cửa, cổng ra vào không cho bất cứ người nhà, người lạ đi ra, đi vào.

Khoảng thời gian đón giao thừa của người Dao quần trắng từ 2 – 4 giờ sáng. Lúc này chủ nhà sẽ làm lễ cúng và khấn những bài khấn được truyền lại của tổ tiên từ nhiều đời. Nội dung là cầu một năm mưa thuận gió hoà, làm ăn được may mắn, gia đạo bình an, không có tai ương bệnh tật, nhân dân được ấm no, thái bình và xua đuổi tà ma không đến quẫy nhiễu gia trung. Ngày trước còn súng kíp thì người dân dùng súng bắn lên trời 3 phát để xua đuổi tà ma, còn ngày nay thì dùng những ống nứa, ống tre, vầu đốt lên để gây lên những tiếng nổ vang thay cho súng.

Khi đã làm xong mọi thủ tục, tất cả mọi gia đình đều mở hết các cánh cửa để đón một năm mới và đón khí thiêng của đất trời đến với gia đình mình. Một nghi lễ nữa trong ngày Tết của người Dao quần trắng là lễ cúng vào sáng mồng 1 tết để cảm tạ đất trời, thần linh, tổ tiên. Trước khi làm lễ, các gia đình sẽ cho con trẻ nhà mình từ 8 – 14 tuổi cầm tiền, vàng, hương ra giếng nước đầu làng xin một ít nước trong mát, tinh khiết về làm lễ cúng.

Mồng 1 Tết là ngày kiêng kỵ nhất với người Dao quần trắng, trong khi làm lễ, tất cả mọi người không ai được ra ngoài và đến nhà nhau, bởi họ quan niệm như vậy sẽ mang điều xấu đến với gia trung và năm đó họ sẽ gặp nhiều tai ương, vận hạn. Nhưng đến chiều mọi người có thể đi chơi thoải mái. Người Dao quần trắng chỉ cũng lễ đến hết sáng ngày mồng 1 Tết sau đó không cúng nữa, lúc này mọi người đều có thể vui chơi thoải mái không phải bận tâm đến bất cứ điều gì.

Cứ như vậy, người Dao quần trắng đón Tết vui xuân đến hết ngày mồng 5 tết, sau đó lại bắt đầu công việc lao động, sản xuất của một năm mới.

Theo báo Yên Bái

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét