Thứ Năm, 27 tháng 1, 2011

Huyền thoại thác Tình Yêu

Trong các địa danh du lịch của Sa Pa, các con thác chiếm một vị trí khá lớn và là điểm đến không thể bỏ qua của du khách. Mỗi con thác lại mang một vẻ đẹp riêng biệt và gắn với những huyền tích hư thực. Thác Tình Yêu là một địa danh như thế.

Thác Tình yêu thuộc địa phận xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, cách thị trấn Sa Pa khoảng 4km theo hướng tây nam. Từ thị trấn Sa Pa đi xuôi về hướng Tây Nam khoảng 4 km, thác Tình yêu nằm cách đèo Ô Quý Hồ chừng 3 km theo đường chim bay. Nơi đây có trái Núi xẻ, đồng thời cũng là điểm bắt đầu của hành trình tour du lịch leo núi Fansipan. Điều ngạc nhiên là mỗi địa danh ở đây đều có mối liên hệ với tên con thác này.

Hành trình đến với Thác tình yêu không dễ dàng với những du khách quen sống ở đồng bằng. Khi lên dốc thì phải căng chân lên để leo, còn khi xuống dốc lại chùng chân mà bám đường.

Thác tình yêu nằm trong hệ thống gồm 3 con thác lớn thuộc xã San Sả Hồ của huyện Sa Pa gồm: thác Bạc ở đầu nguồn chảy xuôi xuống nổi bật bởi một màu trắng như dát bạc, thác Cát Cát làm “than trắng” cho trạm thuỷ điện được người Pháp xây dựng từ những ngày đầu cai trị nơi đây, thác Tình Yêu là sự kết tinh giữa vẻ đẹp tráng lệ của thác nước với sức sống mãnh liệt của câu chuyện tình thơ mộng.

Lý Tả Mẩy, hướng dẫn viên du lịch người Dao đỏ cho biết, từ khi còn nhỏ đã được nghe những người lớn tuổi của dân tộc mình kể câu chuyện về sự tích thác Tình Yêu, cũng như câu chuyện tình cảm động giữa chàng tiều phu với nàng Tiên thứ bảy bên dòng thác trắng. Sự tích kể rằng, xưa, các nàng tiên trên trời thường rủ nhau xuống du ngoạn bởi nơi đây có cảnh đẹp của cỏ cây hoa lá, của dòng thác như tuôn chảy từ trời xanh mây thắm. Trước khi về trời, các nàng Tiên thường phơi xiêm y trên những khóm hoa sặc sỡ hay trên trảng cỏ mướt xanh.

Một lần kia, trong khi đang nô đùa, nàng Tiên thứ bảy phát hiện bên dòng suối có một chàng tiều phu đang nấu cơm trong những ống giang, cạy những hòn đá màu vàng, bắt những con cá suối, bẻ những ngọn măng mỡ màng làm thức ăn. Những lúc như thế chàng vừa nhóm lửa ở ven rừng thổi cơm, vừa lấy cây sáo trúc ra thổi. Tiếng sáo của chàng nghe vời vợi, khi như tiếng suối reo quấn quít, khi líu lo như tiếng chim rừng gọi bạn, khi lại thoang thoảng như cơn gió xuân nô đùa.

Có lần do mải nghe tiếng sáo của chàng, nàng quên mất đường về, đêm xuống những cơn gió núi như thổi từ các hốc đá lạnh run người, nàng đến bên đống lửa của chàng. Sau một thoáng ngạc nhiên, chàng và nàng hỏi thăm nhau. Nàng biết được chàng tên là Ô Quý Hồ, con trai cả của Thần núi ngự trị trên dãy núi Ai Lao, vì mê loài trúc nơi đây. Chàng đã ở lại mà sống và dùng những thân trúc làm thành thứ nhạc cụ kỳ diệu để thổi trong những khi vui buồn. Chính vì mải mê với thiên nhiên nơi đây mà quên phận sự của con trai cả là phải tu luyện để nối nghiệp cha. Có lẽ vì giận chàng nên Thần núi cha chàng đã hoá phép biến chàng thành người thường thả xuống đỉnh núi này để trồng trúc, chăn mây và thổi sáo...

Đêm ấy, bên đống lửa bập bùng, bên dòng thác lãng mạn, người con trai của Thần núi đã thổi sáo cho nàng Tiên thứ Bẩy nghe những bản tình khúc mê hồn, tiếng sáo của chàng Ô Quý Hồ hay đến nỗi hươu nai, hổ báo, chim rừng và cả cá dưới suối cũng rạch nước lên bờ nhảy múa theo giai điệu của tiếng sáo du dương và tiếng thác chảy tuôn trào. Rồi ngày nào cũng thế, nàng thường trốn cha mẹ xuống nghe chàng Ô Quý Hồ thổi sáo. Một hôm, cha mẹ sai người theo dõi, đã phát hiện ra con gái mình mê đắm tiếng sáo của chàng tiều phu nên không cho nàng theo các chị xuống chơi thác.

Nàng nhớ hạ giới, nhớ chàng tiều phu thổi sáo mà chiều nào cũng ra cổng trời nhìn xuống thác và lắng nghe tiếng sáo của chàng Ô Quý Hồ nhưng không thấy chàng đâu. Ngày tháng trôi qua, nỗi nhớ về chàng tiều phu trong lòng nàng ngày càng lớn dần và nàng đã biến mình thành một loài chim màu vàng cứ bay quanh đỉnh núi mà kêu: Ô Quý Hồ, Ô Quý Hồ. Tiếng kêu của nàng da diết không nguôi. Người dân nghe tiếng chim hót gọi người yêu nên đã đặt tên cho đỉnh núi bên dòng thác là Ô Quý Hồ, còn ngọn núi nơi chàng tiều phu đã đi qua là núi Xẻ và thác nước được gọi là Thác Tình Yêu.

Từ chân thác, phóng tầm mắt lên cao, Thác Tình Yêu tráng lệ bởi làn nước trong mát, dưới ánh mặt trời lớp đá của dòng nước dưới cũng ánh lên một màu vàng kỳ lạ. Từ trên cao gần một trăm mét, thác đổ xuống mang theo hơi lạnh đến run người, những giọt nước trắng xoá tung ra từ đỉnh thác tạo thành màn sương mỏng che khuất những tán cây rừng hai bên thác. Dòng nước đã tạo thành một bồn tắm thiên nhiên tuyệt đẹp, nước trong tinh khiết, cả bồn tắm lung linh một màu vàng.

Đến đây du khách mới hiểu phần nào lý do tại sao các nàng tiên trong câu chuyện kể của người xưa lại chọn nơi đây làm nơi thăm thú mà quên đường về trời. Những con cá bống hiền lành cư ngụ ở đây, đã tạo thêm vẻ sinh động, hấp dẫn cho thác Tình yêu. Xung quanh thác là cả một màu xanh ngút ngàn của trúc, tiếng lá cây xào xạc lẩn trong từng cơn gió, rồi chợt bừng lên muôn vàn sắc màu của loài hoa Đỗ Quyên, cánh hoa mỏng manh còn ngậm từng giọt sương mai, nhẹ nhàng đón tia nắng yếu ớt của miền cận nhiệt ôn đới.

Theo Đất Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét