Nói đến tháp Chăm (tháp Chàm), người ta thường mường tượng tới những ngọn tháp dựng trên những quả đồi cao in bóng giữa trời xanh của vùng duyên hải miền Trung quanh năm dạt dào sóng biển và lồng lộng nắng gió.
Nhưng ở Tây nguyên cũng lại có tháp Chăm, thu hút sự quan tâm, chú ý của nhiều người làm công tác nghiên cứu văn hóa, khảo cổ. Đó là tháp Yang Prông nằm tại một khu rừng thuộc tỉnh Đăk Lăk.
Tháp Chăm Yang Prong Là tháp Chàm duy nhất ở Tây Nguyên , thuộc huyện Ea Súp cách Buôn Ma Thuột 100 km. Từ thành phố Buôn Ma Thuột, theo tỉnh lộ 1, vượt qua chặng đường khoảng 100 km là tới trung tâm huyện Ea Súp. Lại đi tiếp ngót 20 km nữa. Gần đến cầu Ea Rôk, rẽ phải, qua vài xóm nhỏ nhà cửa thưa thớt, chúng tôi tới cánh rừng nơi có ngọn tháp Yang Prông huyền bí.
Xây dựng vào cuối thế kỷ XIII để thờ thần Siva dưới dạng Mukhalinga, cầu mong sự nảy nở của giống nòi,và ấm no hạnh phúc.Tháp Yang Prong là một khối kiến trúc bằng gạch nung đỏ trên nền cao bằng đá xanh uy nghi bên dòng Ea H'leo. Theo tiếng của cư dân bản địa Tây Nguyên thì Yang là “thần”, Prong là “chức vụ cao nhất”, vì vậy Yang Prong có nghĩa là “thần tối cao”, hay “thần đứng đầu trong các vị thần”, hoặc “thần lớn”.
Việc xây dựng ngôi tháp này, trước hết đó là nhu cầu của cộng đồng cư dân, phù hợp với tín ngưỡng và tâm linh của người Chăm. Tháp thờ thần Mukha Linga cầu mong cho người Chăm sinh sôi, nảy nở ở vùng đất Tây Nguyên.
Tháp Yang Prong là khối kiến trúc có đáy hình vuông, xây bằng gạch (giữa các lớp gạch không thấy mạch vữa liên kết), mỗi mặt tường rộng 5m, cao 9m (không kể chóp), tháp có một cửa ra vào duy nhất mở về hướng Đông có bề rộng 1,06m; diện tích lòng tháp hơn 5m² - 3 mặt tường còn lại, mỗi mặt có 3 cửa giả; chóp tháp được tạo thành bởi những lớp gạch xếp chồng lên nhau. Phía giữa mở rộng và đỉnh hình thon vút hình tháp bút, khác biệt với kiến trúc của các tháp Chàm khác ở Trung Bộ.
Nền tháp được làm bằng những phiến đá xanh mài nhẵn và xung quanh tháp rải rác có những khối đá xanh với các kích cỡ khác nhau.
Trước kia, trong tháp có thờ một bộ linga - yoni bằng đá để cầu mong thần phù trợ cho hằng năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, muôn loài sinh sôi nảy nở (linga và yoni là tượng vật biểu trưng cho sinh thực khí của nam và nữ, thể hiện tín ngưỡng phồn thực của người Chăm). Trải bao thăng trầm của lịch sử, bộ linga đó đã bị mất. Trong tháp giờ có một ban thờ chính và ba ban thờ nhỏ. Đây là những ban thờ do người đời sau lập nên.
Sau tháp, cách không đầy 50m là dòng suối Ea H’Leo. Nằm giữa khu rừng hoang sơ sau lưng là suối, đây quả là điểm khác thường trong việc chọn vị trí xây tháp của người Chăm bởi thường các tháp Chăm đều được xây dựng trên đồi cao thoáng đãng, không bị che khuất tầm nhìn.
Năm 1991, tháp Chàm Yang Prong, ở thôn 5, xã Ea Rốk, huyện Ea Súp (Đắc Lắc) được công nhận là Di tích kiến trúc cấp quốc gia. Hằng năm, vào những dịp lễ tết, bà con các dân tộc trong vùng vẫn đến đây hương khói, cúng tiến... cầu mong mọi sự an lành.
Ðến thăm tháp Yang Prong bạn sẽ cảm nhận một nét độc đáo, hiếm thấy. Hiện nay đây là điểm thu hút nhiều nhà nghiên cứu và khách du lịch khi đến với cao nguyên.
Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Tuoitre, Daklakexpress
Hơn 10 năm trước, tỉnh Đắc Lắc đã thực hiện những đợt trùng tu, nhưng trước đó phần lớn hiện vật trong tháp đã bị mất, hoặc hư hại không thể phục chế. Tài liệu về tháp Yang Prong của những nhà nghiên cứu văn hóa khẳng định, năm 1906 hiện vật còn lại duy nhất trong tháp là 1 tượng thần Mukha Linga bằng đá, nhưng hiện nay tượng này cũng không còn.
.
Vào thời điểm trùng tu tháp, Bảo tàng tỉnh Đắc Lắc chỉ thu giữ được một đầu con chim hạc bằng đất nung. Những đợt trùng tu trước đây, để tránh cho tháp khỏi bị đổ, ở phần tiếp giáp thân và chóp tháp người ta đã phải sử dụng khung sắt để cố định. Xung quanh việc trùng tu còn có những ý kiến cho rằng, việc dùng gạch xây nhà để xây tháp là không phù hợp, cửa ra vào của tháp hiện làm không đúng nguyên bản…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét