Dã Viên là một cù lao nhỏ nằm giữa dòng sông Hương, về hướng thượng nguồn. Phía ngược lại, đối xứng với trục trung đạo của Kinh thành Huế là Cồn Hến. Đôi cù lao này được các nhà kiến trúc xưa chọn làm “Tả Thanh long, hữu Bạch hổ” canh giữ Kinh thành Huế.
Tôi thơ thẩn men theo con đường bê tông nhỏ chạy dọc bờ rào bên phải Nhà máy nước Dã Viên. Yên ắng quá. Chỉ có tiếng chim hót vọng ra từ những tán cây và tiếng vỗ cánh yên lành của những chú én đang treo tổ tít cao trên tháp nước. Cái tháp cao 40m, có dung tích đến 1.500 khối nước này được xây dựng năm 1953, vừa là biểu tượng, vừa là một bộ phận quan trọng của nhà máy để cung cấp nước cho thành phố sinh hoạt. Mà từ cái thuở xa xưa ấy, với công suất thiết kế 9.600m3/ngày đêm, chỉ một bộ phận dân thuộc hàng quý tộc, giàu có của Huế mới có tiền để vô đồng hồ nước, chứ không sướng như bây giờ, mãi tận vùng nông thôn cũng đã có nước máy đưa tới tận nhà...
Gần cuối con đường bê tông, trước khi đến chỗ gấp khúc dẫn vào khu dân cư, ngay vệ đường bên trái có một tấm bia đá được đặt trên một bệ bê tông chuông vuông mỗi cạnh chừng 1,4m. Tấm bia hướng mặt về phía Nam với 3 chữ Hán đại tự đề “Dữ Dã Viên”, bên phải là lạc khoản đề “Tự Đức nhị thập nhất niên ngũ nguyệt cát nhật phụng”, bên trái có 2 chữ “sắc tạo” cho biết bia được dựng vào tháng 5 năm Tự Đức thứ 21 (1868). Tấm bia được nhà nghiên cứu Phan Thuận An khảo tả: làm bằng đá Thanh cao 70cm, rộng 40cm, dày 11cm. “Trăm năm bia đá thì mòn” nhưng tấm bia này tính từ ngày được dựng đến nay đã hơn 140 năm, song chữ khắc trên bia vẫn còn nguyên đường đủ nét, rất dễ đọc. Nó là chứng tích khẳng định cồn Dã Viên từng là khu vườn ngự của vua Tự Đức. Dấu tích của khu vườn ngự không chỉ có tấm bia kể trên mà hiện vẫn còn một ngôi miếu thổ thần, một nền lầu Quan Phong đang hiển lộ.
Nghe nói, trong khoảng 15 năm cuối đời, Dã Viên được xem là ngôi nhà chí thiết của vị vua mà trong giai đọan trị vì đã vấp phải rất nhiều biến động. Năm 1883, sau khi Tự Đức băng hà, những biến cố dồn dập của nào “tứ nguyệt tam vương”, của “thất thủ Kinh đô” và phong trào Cần vương… Dữ Dã Viên dần dần thiếu vắng sự chăm sóc, trở về hoang tàn như cũ. Một số hộ dân từ Phường Đúc cũng nhân đó đã canh tác và định cư trên cồn.
Người ta bảo rằng, việc xây dựng cây cầu đường sắt cắt ngang cồn Dã Viên vào năm 1908, tiếp đó là nhà máy nước với đài nước Dã Viên năm 1953, người Pháp đã đặt dấu “chấm hết” cho một danh thắng thuộc loại bậc nhất trên dòng Hương Giang diễm lệ. Không những thế, với chiều cao 40m, đài nước cũng làm cho “cốt” của cồn Dã Viên đột nhiên trở nên cao vượt hẳn so với “cốt” nền của cồn Hến phía hạ lưu đối diện. Cồn Hến là Thanh long, Dã Viên là Bạch hổ. Theo lẽ tự nhiên long chầu-hổ phục, rồng phải vươn cao, hổ phải phủ phục.
Với việc dựng đài nước Dã Viên, người Pháp muốn đảo lộn phong thủy của Kinh đô Huế - trái tim của nước Việt lúc ấy - khiến cho long phục - hổ chầu, nước Việt ắt phải rối ren, bất phân thượng hạ, trên dưới… Sẽ không có sự đồng tâm nhất trí để mà nghĩ tới việc chống Pháp (?!!) Chẳng rõ chuyện có hay không, nhưng chỉ biết rằng, nếu có đi nữa thì chỉ sau đó 1 năm, chiến thắng Điện Biên Phủ 1954; tiếp nữa là đại thắng mùa Xuân 1975 đã khẳng định, sẽ không một thế lực nào có thể trù yểm, khuất phục tinh thần và ý chí của người Việt!
< Một tấm bia trên cồn làm bằng đá Thanh cao 70 cm, rộng 40 cm, dày 11 cm, khắc 3 chữ đại tự "Dữ Dã Viên" và lạc khoản cho biết bia được dựng vào tháng 5 năm Tự Đức thứ 21, tức là tháng 7-1868.
Năm 2006, Dã Viên lại gây sự chú ý cho công chúng cả nước khi có tin một dự án du lịch sẽ đựơc triển khai tại đây. Tuy nhiên, sau rất nhiều ý kiến, tỉnh đã thống nhất tạm dừng để nghiên cứu, quy hoạch, khai thác Dã Viên thế nào cho hợp lý, bảo đảm nguyên tắc vừa bảo tồn, vừa phát triển. Trong lúc đó, từ Tết trồng cây 2004, Trung tâm Công viên cây xanh Huế đã bắt đầu tiến hành việc trồng cây ở đây với các loài bằng lăng, muồng hoa đào, lim xẹt, giáng hương, nhạc ngựa, ô môi, dương liễu… và cả những giống cây quý hiếm khác.
Trên tổng diện tích 56.053m2, tổng cộng đã có 2.713 cây các loại đã được trồng và vẫn đang còn tiếp tục đựơc trồng thêm nữa. Năm ngoái, trước Tết Nguyên đán 2010 , cảnh sắc nên thơ hữu tình của Dã Viên đã lọt mắt xanh của đoàn làm phim “Nhìn ra biển cả”. Họ đã chọn nơi đây để dựng lại hình ảnh ngôi trường Dục Thanh để quay những thước phim về Bác Hồ trong những tháng ngày Người dạy học ở ngôi trường này…
Theo baodulich
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét