Thứ Tư, 5 tháng 1, 2011

Du lịch Yên Bái

Yên Bái là một tỉnh miền núi, nằm ở khu vực chuyển tiếp giữa miền Tây Bắc và Trung du Bắc Bộ, có vị trí của ngõ của vùng Tây Bắc.

Yên Bái có diện tích tự nhiên 6.882,9 km2, nằm trải dọc đôi bờ sông Hồng. Phía đông bắc, Yên Bái giáp hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang, phía đông nam giáp tỉnh Phú Thọ, phía tây nam giáp tỉnh Sơn La, phía tây bắc giáp tỉnh Lai Châu và Lào Cai. Toàn tỉnh có 9 đơn vị hành chính (1 thành phố, 1 thị xã và 7 huyện) với tổng số 181 xã, phường, thị trấn. Hiện nay, toàn tỉnh có 699.900 người (2003) gồm 30 dân tộc anh em chung sống.

Địa hình Yên Bái có độ dốc lớn, cao dần từ đông sang tây, từ nam lên bắc, độ cao trung bình 600 mét so với mực nước biển và có thể chia làm hai vùng: vùng thấp ở tả ngạn sông Hồng và lưu vực sông Chảy mang nhiều đặc điểm của vùng trung du; vùng cao thuộc hữu ngạn sông Hồng và cao nguyên nằm giữa sông Hồng và sông Đà có nhiều dãy núi.

Yên Bái có khí hậu đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, nắng lắm mưa nhiều nên độ ẩm cao. Do địa hình và thời tiết đã tạo cho Yên Bái có các loại rừng nhiệt đới, á nhiệt đới và ôn đới trên núi cao. Đất rừng màu mỡ, thuận lợi cho phát triển chăn nuôi và trồng rừng sản xuất nguyên liệu giấy. Đất nông nghiệp chiếm gần 10% diện tích tự nhiên, trong đó có cánh đồng Mường Lò rộng 2.300 ha nổi tiếng vùng Tây Bắc. Dưới bàn tay lao động cần cù của người dân Yên Bái đã tạo ra nhiều sản vật có giá trị như: chè, quế, gạo nếp Tú Lệ, cam Lục Yên, nhãn Văn Chấn. Trong lòng đất có nhiều tài nguyên khoáng sản phong phú, trữ lượng lớn với nhiều mỏ kim loại, mỏ nguyên liệu, khoáng sản phi kim; đặc biệt là các mỏ thạch anh, đá fenspat, đá trắng phục vụ chế biến nguyên liệu sản xuất công nghiệp có chất lượng hàng đầu khu vực Đông Nam á.

Ngoài hai con sông lớn là sông Hồng và sông Chảy, khoảng 200 ngòi, suối lớn nhỏ cùng hệ thống hồ đầm, Yên Bái còn có hồ Thác Bà - hồ nước được tạo nên bởi bàn tay con người có diện tích mặt nước trên 20.000 ha, trên đó có 1.300 đảo lớn nhỏ. Hồ có sức chứa 3 – 3,9 tỷ m3 nước là điều kiện để phát triển nguồn thuỷ sinh vật và là nguồn năng lượng phục vụ hoạt động của Nhà máy thuỷ điện Thác Bà - Công trình thuỷ điện đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Hồ Thác Bà cùng với những tiểu vùng khí hậu, các lễ hội, di tích danh thắng của Yên Bái đang trở thành điểm đến của du khách gần xa.

Giao thông ở Yên Bái khá thuận lợi với sự có mặt của hệ thống đường sắt, đường bộ, đường thuỷ. Thông thương từ Yên Bái đến các tỉnh lân cận của miền Tây Bắc và Việt Bắc ngày càng phát triển nhất là khi hệ thống đường bộ tiếp tục được hoàn thiện, tuyến đường sắt Hà Nội - Yên Bái - Lào Cai nối liền tới nước bạn Trung Quốc được nâng cấp. Bên cạnh đó, hệ thống bưu chính viễn thông được hiện đại hoá, đáp ứng mọi yêu cầu về thông tin liên lạc. Công nghiệp khai khoáng và chế biến đã khai thác được tiềm năng sẵn có, thu hút sự chú ý của nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Kinh tế lâm nghiệp phát triển mạnh, nông nghiệp có bước đột phá trong việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Nhiều mô hình kinh tế trang trại thể hiện tính đa dạng trong hoạt động nuôi trồng của người dân và tạo ra một lượng sản phẩm đáng kể đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Kinh tế thương mại có nhiều khởi sắc, chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Yên Bái có thiên nhiên đa dạng, nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hoá đã được xếp hạng. Người dân Yên Bái có truyền thống văn hoá tốt đẹp lưu truyền qua nhiều thế kỷ. Nơi đây có hang Hùm (tiền sử có dấu tích của người cổ đại khoảng 10.000 năm), có các công cụ bằng đá ở hang Thẩm Thoóng (Văn Chấn), hai thạp đồng cổ sưu tầm được ở Ðào Thịnh và Hợp Minh có niên đại cách đây 2.500 năm ...
Yên Bái còn có những di tích kiến trúc lịch sử rất quí hiếm đối với các tỉnh miền núi, đó là quần thể di tích tháp Hắc Y thời Trần.

Ngoài ra, còn phải kể đến các thiết chế tín ngưỡng gắn với lịch sử như các đền: Ðông Cuông, Tuần Quán, Thác Bà, Ðại Cại... hiện đang được nhân dân địa phương tu bổ nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tín ngưỡng.
Những lễ hội, phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số ở Yên Bái như: lễ "tăm khẩu mẩu" của người Tày ở Ðồng Khê (Văn Chấn), lễ cưới của người Dao ở Bảo Ái (Yên Bình), lễ đón mẹ lúa của người Khơ Mú ở Nghĩa Sơn (Văn Chấn)... cũng là các sản phẩm văn hoá truyền thống cần được lưu giữ, phát huy.

Dệt thổ cẩm là nghề thủ công truyền thống của dân tộc người Thái ở Yên Bái. Hiện nay mặt hàng này khá phát triển, đã xuất khẩu sang Lào và bán trên thị trường trong nước, đang được người tiêu dùng ưa chuộng. Ðây không những là mặt hàng thủ công truyền thống mà còn chứa đựng trong đó cả bản sắc của đồng bào các dân tộc vùng cao.

Theo wikipedia

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét