Chủ Nhật, 9 tháng 1, 2011

Nhật ký Hua Bum - Mường Tè - Lai Châu

Những dòng nhật ký chứa đầy cảm xúc của một bạn TNV trẻ trong chuyến đi tình nguyện tại Mường Tè - Lai Châu của CLB Tình Nguyện Trẻ sẽ phần nào giúp bạn hình dung ra toàn bộ hành trình ...

Ngày 18/12/2010…

Sáng hôm đó, tôi đã dậy từ rất sớm để chuẩn bị cho chuyến đi xa đầu tiên trong đời và rời nhà lúc 6h5’. Với một con bé 9x lần đầu tiên xa nhà để  nơi đến vô cùng xa xôi như Hua Bum- Mường Tè- Lai Châu thì đây đúng là một sự kiện lớn với bản thân và gia đình tôi, mẹ đã rất lo cho tôi, lo rằng liệu đứa con gái bé bỏng của mình có chịu được những khó khăn trong chuyến đi tới một miền đất xa lạ được hay không? Tôi nhớ rất rõ câu nói duy nhất mà mẹ dặn tôi trước khi đi ra khỏi nhà : “ Không chịu được thì quay về nhà luôn con nhé…” Con đã 18 tuổi rồi mà mẹ, con đâu còn bé nữa…

Theo lịch trình đặt ra, 7h sáng đoàn chúng tôi đã có mặt đông đủ tại ĐH Thủy Lợi để chuẩn bị cho chuyến đi xa xôi chinh phục miền đất Lai Châu. Song do một vài lí do cá nhân mà đoàn VTV6 đã đến muộn, khiến cho chuyến đi bị trì hoãn lại, tới 8h xe mới chính thức khởi hành. Ra khỏi mảnh đất Hà Nội nghìn năm văn hiến, chiếc xe ô tô chở chúng tôi vẫn lao nhanh về phía trước trong sự háo hức mong đợi của mọi người. Thật may mắn anh lái xe đưa chúng tôi đi trong cuộc hành trình này là a Đức- một cán bộ biên phòng rất trẻ trung và vui tính. Trên đường đi tiếng hát, tiếng cười đùa, nói chuyện huyên náo, sôi nổi giúp chúng tôi quên hết mệt mỏi trong chuyến đi đường dài này… Xe vẫn tiếp tục băng qua các nẻo đường. Trên đường đi bỗng nhiên có một anh cảnh sát giao thông đứng ra giữa đường chặn xe chúng tôi lại và nói rằng chúng tôi đi không đúng đường quy định, nguyên nhân là do có một chiếc xe đổ đất ở phía trước vì thế nên xe của đòan phải tránh chiếc xe đó vậy là lấn đường một chút… Anh Đức lái xe đã xuống giải thích nhưng dường như cảnh sát giao thông không chấp nhận lời giải thích đó và còn buông ra một số lời lẽ không hay… Điều này khiến cho bản thân tôi tự đăt ra một số câu hỏi với những con người làm cảnh sát giao thông ở đây...???

Điểm dừng chân của đoàn là một thị xã nhỏ tại tỉnh Yên Bái để nạp thêm năng lượng chiến đấu cho một chuyến đi xa.

Khoảng 13h, chúng tôi lên xe và tiếp tục đi. 14h38’, xe chúng tôi đi đến Mù Căng Trải nơi được coi là thung lũng đẹp nhất Việt Nam qua lời giới thiệu của cán bộ Đức. Giờ thì tôi đã hiểu không phải ngẫu nhiên mà nơi đây lại được trao tặng cái danh hiệu ấy. Ở đây cảnh như quyện với lòng người. Xa xa là những dãy núi trùng trùng điệp điệp, những thung lũng ruộng bậc thang cùng màu xanh lá mạ tràn ngập sức sống ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc. Chúng tôi đã ghi lại những khoảnh khắc ấy bằng những bức ảnh kỷ niệm khó quên…

Xe tiếp tục lên đường, dường như chính những con đường cũng như muốn thử thách lòng người. Những khúc cua ngoặt, những chặng đường khó khăn, có đôi lúc tôi tưởng như mình đang đứng bên lề của sự sống và cai chết khi một bên là những vách núi cao và bên kia là những bờ vực thẳm. Song cứ nghĩ tới những em nhỏ đang trong tình trạng khó khăn, đói khổ đang chờ chúng tôi đến và nhờ có anh lái xe khéo léo, can đảm đã tiếp thêm sức mạnh và giúp đưa đoàn vượt qua chặng đường vô cùng gian nan này. Tôi hiểu, đây mới chỉ là những thử thách, trở ngại đầu tiên mà chúng tôi cần vượt qua. Khoảng 18h30’ huyện Lai Châu trong ánh đèn lung linh của bầu trời đêm hiện ra trước mắt, chúng tôi dừng chân tại nhà nghỉ Tây Bắc Xanh của biên phòng tỉnh kết thúc chuyến Hà Nội- Lai Châu: 500km.

Đến đây chúng tôi nhận được sự tiếp đón nồng hậu, ân tình của các bác, các chú bộ đội biên phòng khiến cho những mệt mỏi của chúng tôi trong ngày đầu đi đường như được xua tan. Chúng tôi gặp chị Liên- người được phân công đi trước để áp tải xe hàng và nhận được chìa khóa phòng nghỉ của mình, tắm rửa, nghỉ ngơi và ăn tối. Tôi được ngồi cùng bàn với bác Tuất- chỉ huy trưởng của đồn biên phòng tỉnh, ăn cơm và nói chuyện cùng bác và các anh chị, tôi cảm nhận được sự mến khách của những con người nơi đây, được ăn món “ lợn cắp nách”, được nghe kể về truyền thuyết “ khe bà Hằng”,… đặc biệt được bác chỉ cho ăn món “cơm không” dưới với nước mắm Lai Châu và cảm nhận hương vị của gạo Lai Châu, của sự ấm áp tình người qua bát cơm ngọt lành ấy… Bác Tuất giới thiệu bác Hoài- chỉ huy trưởng đồn biên phòng Hua Bum nơi mà chúng tôi dừng chân sau cùng, bác Thông- cán bộ của tỉnh, và anh Giá- bí thư Đoàn ở tỉnh được cử đi cùng chúng tôi tiếp tục hành trình phía trước.

Sau khi ăn xong, một số anh chị nghỉ ngơi và chuẩn bị cho chuyến đi ngày hôm sau- một chuyến đi vô cùng gian nan. Một số còn lại thì đi dạo quanh thị xã Lai Châu và mua giấy quà chuẩn bị cho chương trình. Riêng tôi thức đợi một anh bạn- kể ra thì thật rắc rối, tôi có một người bạn học tại trường báo có quen một anh trên Lai Châu này, biết đc chuyến này tôi sẽ lên Lai Châu nên bạn ấy nhờ tôi chuyển giùm một lá thư và một gói quà cho anh bạn đó… Tôi gọi điện cho anh ấy nhưng anh ấy bảo đang theo dõi đá bóng và kêu tôi đợi anh ấy một chút. Cũng may có Đức đợi cùng tôi…Trao tận tay cho anh ấy xong, chúng tôi về phòng và được anh Trang giao nhiệm vụ đi báo cho mọi người 5h30’ sáng hôm sau dậy chuẩn bị tiếp tục hành trình…

Ngày 19/12/2010…..

Sáng hôm sau tôi dậy từ rất sớm, có lẽ do đây là đêm đầu tiên xa nhà nên tôi trằn trọc không sao ngủ yên giấc được^^ Tôi nhớ lại tin nhắn Cậu dặn tôi trước khi đi : “ Đêm không ngủ được, cấm có được ngồi khóc nhớ mẹ nghe chưa???”. Cháu của cậu lớn lắm rùi mà đâu có còn là trẻ con nữa đâu ạ.

5h30’ sáng mọi người có mặt đông đủ để chuẩn bị ăn sáng và tiếp tục lên đường, chiếc xe lại bon bon trên đường đến với Mường Tè. Chúng tôi có chút lưu luyến khi phải chia tay anh Đức- lái xe vui tính đã đồng hành cùng chúng tôi suốt hành trình ngày hôm qua. Có lẽ do cả đêm qa không ngủ nên dọc đường đi vào Mường Tè tôi đeo headphone và ngủ một cách ngon lành. Khoảng 14h, sau khi đã đi được khoảng 250km nhóm chúng tôi nghỉ chân tại một quán ăn nhỏ ven đường, ăn uống nghỉ ngơi.

Ăn xuống xong xuôi, bác Hoài gọi điện cho các anh bộ đội biên phòng và các thầy giáo trong bản Hua Bum mang theo khoảng chục chiếc xe máy ra ngoài tăng cường giúp đoàn đi 25km còn lại sâu vào trong Hua Bum. Nếu chặng đường hôm qua khúc khuỷu treo leo bao nhiêu thì đoạn đường sắp tới gấp nhiều lần như vậy. Có lẽ vì vậy mà muốn di chuyển được đoàn chúng tôi phải chia thành hai nhóm, một nhóm đi xe máy một nhóm đi ô tô. Vì bé nhất trong đoàn nên tôi được các anh chị nhường cho đi ô tô vào. Đang đi được khoảng 3-4km đoàn phải dừng lại do có một nhóm người đang thi công, các bác biên phòng tỉnh gọi điện lên cấp trên xin dừng công trình lại để xe tiếp tục đi qua. Tôi sẽ không bao giờ quên được những hình ảnh diễn ra sau đó, đoạn đường lên xuống gập ghềnh nhất mà trước giờ tôi đã từng đi qua, chị Liên đi cùng xe ô tô với tôi sợ quá hét ầm lên…đi đường ngồi trên xe ô tô cứ như ngồi máy bay hạ cánh vậy, giống như chúng tôi đang ở trên một vật thể bay từ trên tầng 5 của một ngôi nhà cao tầng lao xuống dưới mặt đất chưa kể là nếu chỉ sơ sẩy một chút thôi là chúng tôi sẽ ngã xuống vực bất cứ lúc nào, vì xe chỉ cách vực khoảng nửa sải tay, sau đó ô tô chúng tôi đi xuống suối, phải qua ba con suối nữa chúng tôi mới đến được đến nơi.

16h30’ trước mắt chúng tôi là đồn biên phòng Hua Bum. Dường như tôi quên hẳn cả sự bỡ ngỡ, lạ lẫm của một miền đất xa lạ, thay vào đó là sự tiếp đãi nồng nhiệt và thân thiện của những cán bộ nơi đây: Bác Hoài, anh Đại, anh Út, anh Trung,… Chúng tôi đi xuống điểm trường Hua Bum cách đồn biên phòng chừng một cậy số, dỡ hàng trên xe tải và thăm quan trường. Trao đổi nói chuyện với chú An- hiệu trưởng trường phổ thông cơ sở xã Hua Bum huyện Mường Tè, chúng tôi được chú cung cấp cho thêm một số thông tin về học sinh tại trường này. Cả nhóm quay trở lại đồn biên phòng nghỉ ngơi và ăn cơm tối. Đến đây chúng tôi được mọi người thịt một con “lợn cắp nách” và ăn những món rau chỉ có ở đồn biên phòng Hua Bum mới có.

Bác Hoài có nói : “ Nơi đây là mảnh đất nghèo vì vậy mà không có gì để tiếp đãi mọi người, bác lấy rượu để mời đoàn tình nguyện, mong mọi người cùng cạn chén… trước lời từ mời khó từ chối ấy, tôi – một đứa con gái chưa bao giờ uống rượu đã uống liền một lúc mặc dù đã được Đức uống hộ rất nhiều mà tôi vẫn uống tới 4,5 cốc, càng say càng không biết gì và cứ thế đưa cốc lên uống. Sau đó tôi về phòng đã được sắp từ trước. Các anh chị sang bên điểm trường để chuẩn bị những suất quà cho các em nhỏ ngày mai, vì bị say nên tôi được các anh chị ưu ái cho phép ở nhà nghỉ ngơi, ở đây tôi nói chuyện với rất  nhiều các anh bộ đội, với chị Liên, chị An cùng đoàn và có thêm nhiều kiến thức mới về con người và cuộc sống nơi đây. Một lúc sau mọi người trong đoàn xong việc quay trở lại, chúng tôi ngồi nói chuyện một lát và ai nấy quay về phòng mình nghỉ ngơi kết thúc ngày thứ hai đi tình nguyện.

Do vừa ngủ khi say rượu nên tôi không mấy buồn ngủ, tôi ra ngoài đi dạo tình cờ gặp Đức, cậu ấy cũng như tôi cả hai đều không ngủ được, chúng tôi cùng ngồi nói chuyện một lát thì gặp chị Giang và chị Bình đi sinh hoạt cá nhân về, một lát sau gặp chị Liên cũng thẫn thờ đi ra ngoài ngồi một mình, có lẽ chúng tôi đều giống nhau mỗi người có một tâm trạng riêng không ngủ được dưới đêm trăng tròn và đẹp quá, từng đợt gió hiu hiu thổi mang cái hơi lạnh rất riêng của Lai Châu nói chung và của Hua Bum nói riêng… Do bị say lúc trước nên Đức kêu tôi quay về phòng ngủ, tôi quay về nhưng vẫn không tài nào ngủ được, tôi gọi điện cho nhỏ bạn thân ở nhà, nói chuyện….

Ngày 20/12/2010…..

Sáng hôm sau khi nghe tiếng kẻng của bộ đội, tôi vùng dậy gập chăn màn và ra ngoài. Có tiếng một hai, mốt hai của các anh bộ đội biên phòng, ngồi xem các anh tập thể dục và thân hình uốn éo theo, tôi thấy cuộc sống này thật bình yên biết bao, khác hẳn so với cái ồn ã và xô bồ ở Hà Nội- nơi tôi sống. Chúng tôi cùng ăn sáng và chuẩn bị một ngày làm việc vất vả, hai ngày qua chỉ là trên đường đi, còn hôm nay mới thực sự là ngày làm việc chính của đoàn. Theo sự phân công tôi, Đức, chị Bình và anh Quý được cử đi lên Pa Treo; anh Trang, chị Giang, chị Liên, chị An được cử làm việc ở điểm trường Hua Bum. Nhưng do có chút thay đổi lên tôi được cử lại ở điểm trường Hua Bum, đoàn đi Pa Treo chỉ còn lại có ba người do Đức làm trưởng đoàn. Tôi được các anh chị cử dạy các em học sinh rửa tay và đánh răng đúng cách. Ở lại Hua Bum chúng tôi chia từng suất quà đã chuẩn bị sẵn cho các em học sinh bao gồm vở, bút, nến, kem đánh răng, khăn mặt, bàn chải, thuốc, quần áo, gạo, bột canh,…

Không được trực tiếp tham gia chuyến đi Pa treo nhưng qua lời tâm sự của chị Bình, của Đức và những bức ảnh mọi người chụp mang về, tôi cũng hình dung được phần nào những khó khăn và gian khổ mà người dân nơi đây nói chung và các em học sinh nói riêng đang phải đối mặt từng ngày. Người dân nơi đây tâm sự, do nhà cách chợ xa quá, mặt khác đường đi vô cùng khó khăn, vất vả, nghèo thì lấy đâu ra tiền vì thế nên có khi cả tháng họ không ra chợ một lần nào, họ ăn những thức ăn có sẵn của mình.

Chứng kiến cảnh một cụ già lớn tuổi gùi gạo vào đỡ cho đoàn lên đến điểm trường Pa Treo mà tôi không khỏi rớt nước mắt, trông cụ già yếu và lẻo khẻo, tuổi của cụ là tuổi đáng lẽ phải được hưởng thụ nhưng không cụ vẫn phải đi làm nương làm rẫy kiếm cái ăn. Buổi chiều cả nhóm chúng tôi cùng các bác ở đồn biên phòng và các cô giáo của trường đi đến Pa Mu- một trong 4 điểm trường mà theo như kế hoạch chúng tôi sẽ ở đó và phát quà cho các em, điểm trường thứ tư là Nậm Nghẹ nhưng do một vài điều kiện khách quan và cũng vì điểm trường Nậm Nghẹ quá xa mà chúng tôi không thể tận tay trao quà được cho các em ở bản mà phải nhờ một cô giáo dậy học ở bản đó ra nhận và chia cho các em. Khi được nhận những suất quà từ tay chúng tôi, ánh mắt các em rạng ngời niềm vui sướng, hân hoan và ngập tràn hy vọng trong tôi đặt ra những dấu chấm lặng lớn…. Có thể, đối với mỗi chúng ta, món quà ấy chẳng đáng là bao nhưng đối với các em nhỏ  này đó không chỉ là món quà thật đặc biệt và quý giá, mà còn là nguồn an ủi, động viên lớn nhất mà các em từng được nhận. Nhìn thấy nụ cười nở trên môi các em, lòng chúng tôi se lại và thổn thức, rưng rưng những giọt nước mắt và tự lúc nào lặng lẽ rơi.

Cảm động có, bang khuâng có, thương tiếc có, nghẹn ngào có,… ở một nơi nào đó trên đất nước này có những đứa trẻ hạnh phúc trong vòng tay bố mẹ, ấm áp trong chăn ấm đệm êm, đang ngồi trước bàn ăn với số lượng thức ăn nhiều đến nỗi với đứa bé ở đây cũng không bao giờ tưởng tượng được. Cơm ăn ba bữa, có một manh áo ấm lành lặn trong mùa đông giá rét và được cắp sách tới trường như bao đứa trẻ trên mọi miền tổ quốc khác là cả một ước mơ, cả một khát khao cháy bỏng trong các em. Tôi cảm thấy thật bất hạnh thay, cũng là trẻ em cũng là một kiếp người nhưng sao lại có những đứa trẻ đáng thương đến vậy…. Người ta thường bảo: “ Trẻ em như tờ giấy trắng, và xã hội cuộc sống của chính các em sẽ lần lượt vẽ lên tờ giấy trắng tinh khiết đó. Những đứa trẻ may mắn thì được vẽ lên đó là hoa là lá, là những sắc màu tươi đẹp tràn đầy sức sống. Còn những đứa trẻ bất hạnh này là những tờ giấy trắng bị bôi bẩn lem luốc…”

Và hôm nay đây, dường như tâm hồn trẻ thơ của các em  đang được sưởi ấm vì ít ra trong XH này vẫn còn có những tấm lòng quan tâm, sẻ chia tới cuộc sống nghèo đói của các em. Tiết trời mùa đông giá lạnh, khắc nghiệt nhưng có lẽ những gió quà tấm áo mà các em nhận được dù là một chút nhỏ bé sẽ phần nào xua tan đi cái lạnh giá đó. Tết cổ truyền của dân tộc sắp về,  và sẽ trở lên thật ý nghĩa khi Tết này các em có quần áo mới để mặc, hân hoan trong niềm hạnh phúc trẻ thơ. Các em hầu hết ở độ tuổi thanh thiếu nhi, ríu rít như bầy chim non mới lớn, vẫn đang cần lắm những tấm lòng hảo tâm, những nhà từ thiện giúp đỡ để hoàn thiện hơn. Gió mùa đông bắc vẫn đang tiếp tục tràn tới, tấm lưng gầy guộc ốm yếu của cá em bé nơi đây lại sẽ phải gồng mình nên để chống chọi với cái rét cái đói, cái thiếu thốn, nghèo nàn vật chất của cuộc sống khổ cực.

Tạm xa những em nhỏ, chúng tôi quay trở về đồn biên phòng nghỉ ngơi. Ở đây tôi, Đức, chị Bình đem những cây xanh được mang theo từ Hà Nội ra trồng trên mảnh đất của đồn biên phòng Hua Bum. Hy vọng các cán bộ nơi đây sẽ chăm sóc chúng thật tốt và nhìn thấy chúng như nhìn thấy môt kỷ niệm đẹp giữa đoàn tình nguyện và các anh. Thời gian trôi qua thật nhanh, sau khi ăn bữa tối cuối cùng với các anh, nhóm tham gia chương trình giao lưu văn nghệ với nhà trường và các cán bộ biên phòng nơi đây. Chúng tôi quay quần bên đống lửa trại hát hò nhảy múa tưng bừng trong ánh lửa bập bùng đang cháy rực một góc trời.

Có lẽ những giây phút cuối cùng được ở bên nhau bao giờ cũng khiến cho những người trong cuộc có cảm giác lưu luyến, bịn rịn nhưng tôi hiểu bữa tiệc nào rồi cũng sẽ có lúc tàn. Chúng tôi chia tay các em, chia tay bản làng, chia tay những cán bộ biên phòng tốt bụng và thân thiện, chia tay mảnh đất Hua Bum để quay về Hà Nội. Một chút bâng khuâng, môt chút nghẹn ngào,….

Chuyến đi đầu tiên này đã để lại trong tôi biết bao kỷ niệm, kỷ niệm nơi góc nhỏ của mỗi trái tim tình nguyện.

Theo Tình Nguyện Trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét