Thứ Năm, 28 tháng 4, 2011

Khe Lim, thắng cảnh miền Đại Lộc.

Thác Khe Lim bắt nguồn từ núi Am Thông, nằm trên đỉnh HIO-HIU có độ cao 882m  so với mặt biển, có dòng nước cao ngất đổ xuống tạo thành nhiều tầng, bậc,
chảy qua địa phận của hai thôn: thôn 8 và thôn Đông Phước gặp sông Cái, sông Vàng, từ đây hoà cùng sông Vu Gia xuôi về cửa Đại.

< Khe Lim nhìn từ cầu Hà Tân với ngôi nhà thờ đang xây dựng.

Sở dĩ có tên gọi Khe Lim vì khu vực này có rất nhiều lim, một lọai gỗ quý của núi rừng miền Trung. Dọc hai bên bờ suối có những cánh rừng nguyên sinh, những thảm thực vật quanh năm xanh tốt. Cùng với dãy Hio – Hiu sừng sững ở phía nam và dãy đồi núi nhấp nhô phía tây bắc, tất cả tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình. Trên đỉnh thác nước ở Khe Lim vẫn còn dấu tích Chùa Am với những giai thoại dân gian huyền bí. Khe Lim thuộc địa bàn xã Đại Đồng – huyện Đại Lộc.

< Dãy núi mờ xa bên trái là vùng Đại Hồng, nhìn từ cầu Câu Lâu.

Lần đầu tiên tôi đến Hà Tân và xứ đạo Hoàng Phước là vào mùa hè năm 1964 theo chân quý cha F.X Nguyễn Xuân Văn (xứ Phú Hương) cha Giuse Lê Văn Ly ( xứ Hà Tân ) thăm linh mục Giacôbê Nguyễn Thành Tri , cha sở Hoằng Phước vừa khánh thành nhà thờ mới. Chúng tôi đi ghe đò từ Hà Tân sang một bải cát rồi theo một con lộ nhỏ cây cối khá um tùm đến ngôi nhà thờ nằm lưng chừng một ngọn đồi.

Từ bến đò phía Hà Tân, tôi thích thú nhìn ngắm một dảy núi dựng thẳng in hình trên dòng sông. Trên vách núi  xanh là những dòng thác bạc tuôn nước xuống trắng xóa. Đẹp như tranh vẽ. Tuy quý linh mục đến bất ngờ, chợ lại xa,  nhưng cha sở Giacôbê tiếp đãi mọi người rất trọng hậu với món gà núi sẵn có và một món thịt heo mà tôi nhớ mãi. Thịt heo kho nước mắm “nhứt” cuốn cải xanh.

< Bức ảnh quý: trực thăng vừa cất cánh. Toàn khu vực Hà Tân cạnh đồn Thượng Đức. Chỉ vài tháng sau đó (8.1974) thì tất cả nơi này thành bình địa . Bên kia sông chính là Khe Lim.

Vì ngăn sông cách chợ nên hai chị em ngài thường mua nữa con heo  nhỏ địa phương nuôi bằng rau lang, chuối cây , “cá vụn” (cá vụn thời ấy khá chất lượng)  , nước cơm và cám gạo,  cọng bắp xay ( thổ sản vùng nầy là bắp đỏ) và sau đó, cắt từng khúc hình như cỡ 4 x 15 cm, không biết có ướp gia vị gì không,  nấu chín, “giầm nước mắm ngọn hạng  nhứt ( nhất)” nấu chín với chút đường, để nguội , gài thanh tre cho chìm dưới lớp nước mắm. Khi ăn , vớt ra  hâm lại xắt lát mỏng, cuốn cải xanh hoặc với củ hành ” ta”.. cắt tỉa sạch, xào héo, ngâm nước mắm nấu với chút đường.

< Con đường bê tông sắp khánh thành.

Thịt heo phần mỡ trong suốt, thịt nạc chắc,  thơm, không mặn lắm, rất dân dã, chuẩn bị nhanh gọn và no bụng nhất là khi không có thời giờ nấu nướng hoặc thực phẩm khác. Mà phải là thịt heo… “ta”  kia! Từ đó đến nay, tôi đã nhiều lần yêu cầu bà con và nhà bếp làm món nầy nhưng khi thì thịt heo không đạt vì toàn là “ heo tây, heo tàu”, nuôi bằng bột gia súc, hèm rượu, hèm bia và các thứ linh tinh khác. Nước mắm càng ngày càng “ dỏm” nữa vì đâu còn cá cơm tươi dồi dào như xưa.  Món này kể như “thất truyền” dù ai cũng biết công thức rất đơn giản!

< Nước từ Khe Lim chảy ra.

Mãi nói chuyện ăn uống, tôi xin trở lại chuyện dảy núi cạnh giáo xứ Hoằng Phước , Ngọc Kinh. Cuối năm 1964, trận lụt lịch sử theo Thông tin giáo phận Đà Nẵng giết chết  5000 dân Đất Quảng, rồi chiến tranh ngày càng tàn khốc đã khiến các giáo xứ nầy trở nên vùng “no manland”, đất không người, tự do oanh kích. Mùa hè 1974, chiến tranh đạt đến đỉnh cao, nhân Năm Thánh, không ai dám phiêu lưu trên con đường nổi tiếng Hà Nha, Ba Khe, Hà Tân nhưng do yêu cầu của linh mục Martinô Trần Văn Đoàn, quản xứ, tôi đã gồng mình cùng ngài đến Hà Tân giúp giáo dân chuẩn bị Năm Thánh.

Cái sườn núi với các thác nước kia lại mời gọi tôi nhưng làm sao đến được. Hết mấy ngày ở Thượng Đức, cha Đoàn xin theo trực thăng quân đội bay về Đà Nẵng. Trực thăng thường đáp xuống các tiền đồn trên núi cao. Mỗi lần đáp xuống, chúng tôi được yêu cầu sẵn sàng chạy núp pháo kích vì lúc may bay đáp  thường là mục tiêu bắn phá. Chuyến bay hôm ấy bình yên! Lần đầu tôi nhìn thấy toàn cảnh con sông Thu Bồn, còn rất ít làng mạc và chạy ngoằn ngoèo trăm ngã.

Chiến tranh kết thúc,hòa bình lập lại, nhiều lần đến giáo xứ Hà Tân, hoặc ngồi  xe trên quốc lộ 14B  đi về phía Tây, ngang qua những dãy núi và các ngọn thác kia nhưng tôi cũng chưa có dịp đặt chân đến. Một ước mơ rất gần sao lại quá xa!

Nhưng hôm nay có mấy anh em rũ đi Đại Lộc để chọn mua  một số gỗ sửa chữa cung thánh, không ngờ anh em lại đưa tôi đến Khe Lim để tham quan công trình các anh đang thực hiện là “bê tông hóa”  một con đường dẫn đến thác nước ước mơ trên.

Con đường trên một cây số rộng 4 mét và bê tông dày 20 cm chỉ còn vài chục thước nữa là hoàn thành nên với xe gắn máy chúng tôi dễ dàng đến khu vực thác nước trên. Lâu lắm tôi mới lại được vào một vùng đất hoang vu với rừng nguyên sinh như nơi nầy. Khí hậu trong lành mát mẻ. Dưới sâu kia, suối nước rì rào len qua nhưng tảng kết thạch muôn hình vạn trạng.
< Sắp đến thác rồi!

Không ngờ thác nước đẹp đến thế. Tôi nhớ lại những thác nước tôi đã từng thăm viếng các thác nước vùng núi Bà Nà quê tôi  như Thác Mơ. Thác, suối và rừng Lăng Cô những ngày lúc còn bé (năm 1950) theo các anh lớn đi cắm trại  hình như trở thành mỏ đá. Đã từng tắm thác Suối Dầu, Nha Trang.

Tám năm sống tại Đà Lạt tôi bao lần đến thác Cam Ly, thác Đa Tân La, thác Prenn,  thác Pongour hùng vĩ. Sang nước Pháp với các thác  lạnh lẻo vùng Chamonix hay Pyrenée. Hoa Kỳ với thác vùng Spokane; Washington  State; Multnomah, Oregon . Israel với thác Banias  và một thác không cây cỏ  tại sa mạc...
Mỗi thác nước một vẻ đẹp khác nhau. Thác Khe Lim nầy phải nói là một thác rất đẹp nếu chúng ta biết giữ gìn nguyên trạng.

Thác mang tên lim vì rừng quanh đó còn nhiều gổ lim , một loại thuộc nhóm thiết mộc (bois de fer), “gổ sắt” vì cứng cáp và chịu mối mọt.

Thác Khe Lim còn là nơi dự báo khí tượng  mà ngày nay không thấy ai nói đến. “Nếu trời đang nắng mà nghe tiếng ồ ồ rì rầm từ Khe Lim, ông bà cha mẹ liền nhắc ” Mai trời mưa” và ngược lại trời đang mưa nghe tiếng rầm rì ồ ồ từ Khe Lim thì họ cho biết ngày hôm sau trời nắng”. Đây là đóng góp của một Việt Kiều gốc  xã Đại Lãnh, khá xa Khe Lim. Mong  nhưng ai sống gần Khe Lim xác nhận thông tin nầy. Chuyến đi kỳ thú


Từ xa, ai cũng thấy được thác đổ xuống bảy tầng  gần trăm thước tây. Con đường đến chân thác còn xa có lẻ vài ba trăm mét, đá lớn chồng chất và cây bụi còn rậm, trời đã về chiều, chân “ già “ đã hơi lảo đảo vì mất thăng bằng, nên đành đứng xa mà nhìn. Hẹn chờ dịp khác!

Nghe nói đã có những công ty dự định khai thác tiềm năng du lịch trên “ cao nguyên” rộng trên 300 hecta trên đỉnh thác nầy với giá tiền trên 1000 tỷ. Cũng nghe đồn rằng trên ấy đất bằng phẳng, khí hậu mát mẻ quanh năm và có nhiều loại cây trái. Phải chăng khi rặng núi trẻ Hải Vân đội đất trồi lên , nó nâng luôn vùng đồng bằng nầy lên cao luôn.

Chính vì những biến động địa chất thời xa xưa ấy mà vùng đất nầy có nhiều loại khoáng sản đa dạng như than đá, vàng, mica …
Các vị đầu tư du lịch tính gì thì tính nhưng nếu chặt đốn cây rừng, phá đường rộng, phá núi, làm ô nhiễm môi trường vì tục ngữ vùng nầy có dạy “nhiều thầy (thuốc) thối ma, nhiều người ta thúi c*. Chúng ta đã chán, đã ngán những cơ sở du lịch “tử thái” làm ô nhiễm bờ biển, rừng núi cả nước rồi.

Chưa kể thứ “ô nhiễm tinh thần” do ngành du lịch “chụp giựt bất cứ giá nào và phương tiện nào” đem lại! Nói chung chỉ có “ văn hóa tiền”!
< Lim là cây vua xứ này.

Chưa đến mùa hè, chưa có đường đi mà lon bia, lon nước ngọt, túi ni lông và các loại “giấy má”…đã vương vãi đó đây. Không do nông dân mà toàn là giới trẻ có học thức và ăn diện rất “mô đên” lên tham quan để lại “bằng chứng cho một nền văn hóa“ xuống cấp”!
< Từ núi Am Thông nhìn xuống sông Vu Gia.

Ước mong giáo xứ Hoằng Phước nên có những hướng dẫn viên nghiên cứu kỷ nhưng cái hay cái đẹp của vùng núi và ngọn thác nầy để vào mùa hè sẽ giúp đỡ các nhóm trẻ hoặc khách tham quan từ các giáo xứ bạn trong giáo phận Đà Nẵng và toàn quốc đến thăm thắng cảnh nầy.

Nhớ phải có món gà “ núi” vùng nầy, thịt đỏ hồng thơm ngon và nếu được món thịt heo “ ta” cuốn bánh tráng,  kèm thêm món dân dã thịt heo dầm nước mắm ngon quấn cải xanh ( không có thuốc trừ sâu và phân hóa học ) của linh mục Giacôbê Nguyễn Thành Tri thì tuyệt vời!

< Lạ nhỉ, trong bản đồ của Cục Bản đồ lại ghi Khe Lim thuộc địa bàn xã Đại Hồng thay vì Đại Đồng – huyện Đại Lộc!

Giáo dân Ngọc Kinh, Hoằng Phước  sống rải rác trên đất nước nầy và khắp thế giới hãy tự hào về vùng đất quê cha, đất tổ có một thắng cảnh kỳ diệu như Khe Lim!

Và hãy nhớ :
Ngó lên đỉnh núi khe Lim
Thác bao nhiêu nước thương mình bấy nhiêu.
(Ca dao Đại Lộc)

Du lịch, GO! - Theo blog Antontruongthang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét