Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

Hội vía Bà núi Sam - Hành hương Núi Cấm.

Năm nào cũng vậy, cứ bắt đầu từ ngày 21.4 đến 27.4 âl (năm nay nhằm các ngày từ 6.6 đến 12.6 dương lịch) núi Sam - Châu Đốc trở nên tưng bừng hơn bao giờ hết bởi lượng khách du lịch, khách hành hương đến từ mọi miền đất nước để tham quan và cúng viếng Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam.

Được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận lễ hội cấp quốc gia từ năm 2001 đến nay, cùng với nỗ lực của các ngành, các cấp chính quyền nhằm nâng chất lễ hội, song song với việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam càng nổi tiếng, được sự ngưỡng mộ không chỉ với người dân trong nước mà cả những kiều bào hải ngoại, những du khách phương Tây muốn khám phá nền văn hóa Việt Nam. Bởi, đây là một lễ hội dân gian, nên tính chất của lễ hội được khẳng định, vì thế mà tất cả cùng đồng lòng chung sức để làm cho lễ hội toát lên được tất cả những vẻ đẹp đặc trưng của một cộng đồng gồm nhiều dân tộc, nhiều tín ngưỡng.

Cả bốn dân tộc anh em: Kinh, Chăm, Hoa, Khmer cùng tụ họp để đem lời ca, tiếng nhạc phục vụ lễ hội. Người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh cùng phối hợp với người Hoa ở Châu Đốc thực hiện những màn biểu diễn Lân Sư Rồng hết sức hoành tráng, không chỉ múa phục vụ tại sân lễ mà họ còn diễu hành khắp các đường phố nội ô, theo chân đoàn rước kiệu lên đỉnh núi và tháp tùng những nghi thức thỉnh sắc, hồi sắc. Tiếng trống rộn ràng như thôi thúc mọi người hãy nhanh chân tụ họp về để không bỏ lỡ cơ hội cùng chen vai sát cánh, cùng làm những việc tốt lành cho mình và cho gia đình, con cháu, họ hàng...

Và, khi hàng vạn con người, hàng vạn tấm lòng, hàng vạn niềm tin đã căng trải ra cùng hướng về một đỉnh điểm, tất cả như quyện thành một sức mạnh tâm linh vô cùng to tát: Lễ Túc Yết, Xây Chầu vào 24 giờ đêm 25 tháng 4 âm lịch như một khúc giao hòa giữa người nay và cõi xưa, khiến cho không khí buổi lễ dẫu chứa đựng hàng vạn người vẫn lặng im phăng phắc, trên nét mặt ai cũng biểu hiện một niềm thành kính vô biên.

Nếu mỗi một nén hương dâng lên, người ta rủ bỏ được bao phiền toái để hy vọng vào những điều tốt lành, xóa đi mọi khổ đau để phấn đấu cao hơn nhằm vào mục đích xây dựng một cuộc sống bình yên, hạnh phúc, tránh xa cạm bẫy của tội lỗi, thì đó há chẳng phải là phúc lành để hỗ trợ cho luật pháp hoàn thiện hơn về mặt nhân bản? Và, từ sự an bình về tâm linh, người ta bước vào cuộc sống bằng thái độ phấn chấn hơn, làm việc tích cực hơn, để cùng với những chính sách phù hợp thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, con người sẽ có cuộc sống ngày càng sung túc hơn, thịnh vượng hơn. Qua đó, chúng ta có thể thấy, vai trò của lễ hội văn hóa chính là sự cần thiết nuôi dưỡng tinh thần, mà nếu thiếu nó, con người sẽ dễ rơi vào những trò lừa bịp, mê tín dị đoan.

Niềm tin đã thôi thúc khách hành hương đến với lễ hội Vía Bà Chúa Xứ đông như vậy, phải tính đến việc đảm bảo cho họ một môi trường sống thân thiện, thoải mái. Điều đó đòi hỏi các dịch vụ phục vụ như mua sắm, ăn uống, nhà trọ, v..v... phải được điều hành tốt. Phải nhìn nhận rằng, nhiều năm qua, môi trường kinh tế thương mại của Châu Đốc phát triển tăng vọt, đời sống cư dân khá lên và kéo theo nhiều nhà đầu tư bên ngoài nhờ đón nhận lượng lớn khách hành hương. Chính quyền, người dân ở đây nhận thức được vấn đề cốt lõi ấy, nên rất trân trọng sự đóng góp của du khách đã mang lại cho vùng đất du lịch này một sự mở mang, lớn mạnh không ngừng. Họ đang cố gắng thực hiện những phần việc nhằm làm cho môi trường sinh hoạt, du lịch ngày càng tốt hơn. Một trong những việc đó là không ngừng làm cho đề án văn minh thương mại phát huy hiệu quả.

Du lịch, GO! - Theo Mientay online

Hành hương Núi Cấm.

Tháng 4 âl hàng năm, lễ hội Vía bà Chúa xứ ở Châu Đốc - An Giang mới diễn ra nhưng nhiều năm gần đây, chỉ mới Tết Nguyên đán là đã có hàng ngàn lượt người từ khắp nơi đổ dồn về viếng Bà. Tuy nhiên, du lịch An Giang không chỉ hấp dẫn bởi quần thể núi Sam và lễ hội Vía Bà mà còn nhiều điểm đến thú vị khác như làng Chăm (Châu Đốc), đồi Tức Dụp, khu du lịch vườn Tao Ngộ... Đặc biệt, tượng phật Di Lặc lớn nhất nước được đặt trên đỉnh núi Cấm vài năm nay càng làm cho du lịch An Giang thu hút du khách.

Lên Núi Cấm theo đường từ Cần Thơ - Long Xuyên chỉ khoảng 150km. Du khách có thể tranh thủ hai ngày nghỉ cuối tuần để làm một chuyến hành hương Núi Cấm. Núi Cấm hay còn gọi là Thiên Cấm Sơn cao trên 700m thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang là ngọn núi đẹp nhất trong 7 ngọn của dãy Thất Sơn.

Từ TP Long Xuyên, du khách theo Quốc lộ 91 đến Châu Đốc, rồi đi Tịnh Biên. Con đường 90 km từ Long Xuyên đến Núi Cấm tuy không rộng nhưng tương đối dễ đi vì đã được tráng nhựa bằng phẳng. Dọc theo hai bên đường, khách tha hồ phóng tầm mắt ngắm nhìn những dãy núi sừng sững nối tiếp nhau. Nếu đi bằng xe gắn máy, khi mệt, bạn có thể ngả lưng bất cứ lúc nào tại các quán võng dọc đường.

Núi Cấm khá cao và có nhiều khúc cua cùi chỏ nên du khách không nên tự lái xe lên đỉnh mà nên đi xe đặc dụng của Ban quản lý Khu du lịch núi Cấm. Còn muốn thong thả hơn để ngắm nhìn phong cảnh, bạn thuê xe ôm với giá 50.000đ/ người cho một chuyến đi về. Những người lái xe ôm hoạt động thành nghiệp đoàn, mặc áo màu xanh, phục vụ khá chuyên nghiệp và còn là những hướng dẫn viên “thổ địa” nhiệt tình, giúp du khách tìm hiểu những danh lam thắng cảnh trong khu vực núi Cấm.

Trước khi lên đỉnh núi, khách có thể ghé chùa Vạn Linh để viếng Phật và chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc trong khuôn viên chùa. Có từ năm 1914, ban đầu, Vạn Linh cổ tự chỉ là một cái am nhỏ, năm 1995 chùa được xây dựng lại. Trên diện tích 1ha, quần thể chùa gồm một ngôi chánh điện thờ Phật Thích Ca, một ngọn tháp hình lục giác 7 tầng cao 30 m, thờ nhiều vị Phật, một tháp có chiếc đại hồng chung và một tháp thờ Xá lợi Phật. Đến khuôn viên chùa, du khách không chỉ được thưởng ngoạn những công trình kiến trúc độc đáo mà còn được ngắm nhìn những chậu kiểng được chăm chút công phu với hình dáng đẹp mắt, những giò phong lan quý hiếm, những cây tùng, bách vươn cao...

Núi Cấm có nhiệt độ từ 18 đến 24 độ C, khí hậu quanh năm mát mẻ. Tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi Cấm cao 36m, nặng 600 tấn, có kinh phí xây dựng 3,5 tỉ đồng. Tại cuộc hội ngộ kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 8, vào dịp lễ Phật Đản tại chùa Vĩnh Nghiêm (TP HCM), Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam (Vietbooks) đã công bố 14 kỷ lục Phật giáo Việt Nam trong đó công nhận tượng Phật Di Lặc trên núi Cấm là tượng lớn nhất Việt Nam. Từ xa, du khách đã có thể thấy tượng Phật Di Lặc uy nghiêm, sừng sững trên đỉnh núi cao 716m, tiếp cận với tượng, du khách lại cảm nhận được sự ấm áp, thanh thản khi chiêm ngưỡng vị Phật có gương mặt vui vẻ, hiền từ, đức độ.

Du khách cũng có thể “tiện đường” ghé thăm nhiều thắng cảnh khác như chùa Phật Lớn, vồ Bạch Tượng, động Thủy Liêm. Sau khi xuống núi, khách dừng chân ở khu du lịch Lâm Viên có diện tích khoảng 100 ha nằm phía đông dưới chân núi. Các dịch vụ giải trí ở đây khá phong phú với khu đờn ca tài tử, sân chơi cho trẻ em, nhà nghỉ nhà hàng Kaolin phục vụ các món ăn đặc sản vùng sơn cước.

Không nghỉ đêm tại núi Cấm, khách có thể về lại Châu Đốc để nghỉ ngơi để hôm sau tham quan và mua sắm tại chợ thị xã. Giá phòng nghỉ ở đây không đắt. Khách sạn Hạ Long, tọa lạc tại đường số 1 phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc đang là nơi nghỉ chân được nhiều người chọn lựa. Đây là một khách sạn mới xây, có khá đủ tiện nghi (máy nước nóng, tủ lạnh, truyền hình cáp, bồn tắm...) giá khoảng 75.000đồng/ người/ đêm. Tại đây cũng có phòng VIP, có máy xông hơi, bồn tắm thủy lực, giá 800.000đ/ phòng đêm cho 2 người.

Du lịch, GO! - Theo Xalotintuc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét