Anh Lê Chấn Thi – một đồng nghiệp, cùng nghề dạy học, quê ở Bình Thanh Đông, là gã đàn ông ghiền món nhông cực kỳ và có vốn hiểu biết về loài nhông không kém gì một nhà chuyên sâu về các loài vật, dẫu vẫn biết rằng anh đang là một giáo viên văn chương thực thụ được đào tạo từ đất Quy Nhơn (Bình Định).
Mỗi lần ra nhà chơi, biết tôi là kẻ cũng có “máu” ăn và thích viết đặc sản, nên anh thường kéo tôi đến một lều quán nhỏ trên bãi biển Khe Hai lồng lộng gió, anh em tôi tha hồ hàn huyên chuyện đời, chuyện dạy học... và anh luôn đãi tôi bằng các món độc nhông.
Lúc nào cũng vậy, món khởi đầu, anh gọi: Nhông nướng. Chị chủ quán trẻ tuổi khẽ dạ, rồi đi nhanh xuống bếp làm ngay để chiều lòng các “vị thượng đế” nghèo mà ham vui như chúng tôi.
Háo hức muốn biết cách làm nhông như thế nào, tôi mạnh bạo theo chân chị chủ quán xuống bếp, chị vừa làm vừa giới thiệu với khách với cử chỉ, thái độ thật tự nhiên và niềm nở. Đấy cũng là bản tính của người phụ nữ đất Quảng nói chung.
Hiện ra trước mắt tôi là những chú nhông đều còn sống, được chị chủ cột, buộc thành từng chùm, thi thoảng chúng cố quậy cựa, vẫy vùng hòng thoát thân, nhưng rất hiếm khi có cơ may. Xem ra chúng thật ngoan hiền, tội nghiệp, không có phản ứng, giận dữ gì khi chị chủ gỡ, bắt ra từng chú cho lên thớt. Một trình tự không đổi tiếp theo: Chặt đầu, lột da, mổ bụng, rửa sạch, rồi ướp với ớt, với thật nhiều củ nén (thịt nhông rất hợp với loại củ này, thiếu nó coi như thịt nhông nướng mất đi khá nhiều vị ngon).
Những vỉ kẹp nhông đã sẵn sàng, cho lên lò than củi đỏ hồng. Gió biển tạt vào làm cho lò than nướng thịt nhông bên cạnh anh em tôi thêm đỏ rực, nhiều khi bốc lửa, càng làm cho những vỉ thịt nhông bên trên nhanh chín. Khoảng chừng 7 phút sau, nơi khứu giác chúng tôi đã hít, ngửi thấy mùi thơm âm ấm, lạ lạ của thịt nhông nướng vừa chín tới lan toả, đầy sức gợi như một ma lực cuốn hút ghê gớm.
Tôi đang miên man tận hưởng mùi thơm ấy, thì anh Thi ghé sát tai để “truyền” chút kinh nghiệm của một kẻ từng trải: Thịt nhông cỡ vậy là nhắc xuống được rồi đấy em, để nó ươn ướt như miếng bò nướng mới ngon, nếu cho chín giòn thì hỏng, ăn vào bị dai và đăng đắng, khó nuốt lắm”. Bắc xuống, lột lá lót bên ngoài, thịt nhông nguyên con vàng thẫm, chỉ chờ người đón nhận, thoả nguyện, và đương nhiên làm sao thiếu được chút bia, rượu, để có không khí... gặp mặt này. Thấy nhông nguyên cả con, tôi e dè hỏi: “Thế này thì khó ăn quá, mình kêu bà chủ chặt nhỏ ra chứ?”. Anh và bà chủ nhìn tôi cười và bảo: “Cậu em lạc hậu quá, thế là chưa biết ăn nhông nướng rồi, đúng bài của nó là để nguyên con, cứ dùng hai tay mà xé, tước... mà ăn”.
Tự thấy mình hơi bị quê một chút trong chuyện này, tôi cố vờ ngó lơ đi chỗ khác. Nhưng không sao. Tôi lại bắt đầu thực hiện như anh đã nói và đang làm. Anh xé, tước đâu ra đó, miếng nào miếng nấy cũng cân đối, vừa vặn, dễ nhìn, dễ ăn. Qua ánh mắt say mê, và có một chút thán phục của tôi, anh tỏ ra hãnh diện và lên giọng triết lý: “Em thấy đấy ở vùng biển, miền đồng bằng này, có mấy con vật dùng hình thức xé thịt khi nướng, nấu chín đâu, chỉ thường hợp với những loài con thú ở trên rừng. Con nhông ở vùng biển quê anh lại phù hợp với việc ấy, có độc đáo không đó? Hình như nó có lai lịch, nguồn gốc sâu xa từ những loài thú, con vật trên rừng gì đó thì phải mà anh chưa có điều kiện khám phá...
Cái cách xé thịt nhông mà anh em ta đang làm đây, chẳng qua là học tập một chút tinh hoa của cổ nhân, ông cha ta đã từng làm rồi”. Lâu nay đã thành nếp, ăn các thứ đều thông qua lối chặt, kho, dùng chén đĩa cầu kỳ, tốn công sức, giờ lại dùng tay xé thịt nhông giữa nơi lều quán, giữa nơi biển trời mênh mông, cả người và tâm hồn đang thấm quyện vào con nhông, vào cái mát mặn mòi của vị biển đương thổi tới, tôi cảm thấy nó hoang dã, cổ xưa mà hay hay, thích thú thế nào ấy, tưởng như mình siêu thoát, đang được sống trong thế giới của ông bà, tổ tông mấy ngàn năm về trước.
Thịt nhông nướng hợp với kiểu ăn tới đâu xé tới đó. Cứ chấm với muối ớt, muối tiêu, thịt nhông nướng ngon thơm đến mê ly. Thịt nhông nơi đây, chẳng gần, chẳng giống với thứ thịt của con vật nào cả, nó hiện ra đúng “bản sắc đặc trưng” của chính mình. Nhâm nhi với chút rượu là nhất trần đời. Âm thanh tiếng hít hà, hít hà từng đợt trên đôi môi anh, tôi và những người nhậu bên cạnh, vì chấm phải những chỗ có nhiều ớt, phát ra cũng chỉ đủ cho những người trong lều, trong quán cảm nhận thôi. Mùi thơm thịt nhông không thoảng qua như hương hoa, như những món ăn khác mà đằm đằm, ngấm, giữ rất sâu và lâu. Bằng chứng là, chúng tôi ăn xong, nhảy xuống biển tắm thoả thê mà vẫn còn nghe mùi thơm của thịt nhông, của củ nén lâm dâm, man mát trong người.
Ngoài món nướng, con nhông không hề tệ với món nấu cháo. Thịt băm nhỏ, tao dầu phụng chính hiệu, đợi gạo cháo nhuyễn nhừ cho vào cùng mắm muối, hành, tiêu, ớt, thế là có những tô cháo, ăn vào chỉ biết khen. Tắm xong, lên nghỉ một lúc, làm vài tô cháo... đến độ quá “đã” mới chịu nói lời tạm biệt với bạn, với Khe Hai tuyệt vời.
(Baoquangngai)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét